Quan hệ Mỹ - Triều Tiên: Triển vọng khó đoán định

(PLO) - Những ngày qua, báo chí thế giới không ngừng nhắc đến một sự kiện được coi là “dấu mốc lịch sử” trong quan hệ ngoại giao giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên. Đó là việc Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí gặp nhau vào tháng 5/2018 tới. 
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí gặp nhau vào tháng 5/2018 tới
Tổng thống Mỹ Donald Trump và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un nhất trí gặp nhau vào tháng 5/2018 tới

Tuy nhiên, đây mới chỉ được coi là những bước tiến ban đầu, còn thành công của cuộc gặp thì vẫn là những triển vọng khó đoán định.

Hướng đến “cuộc gặp lịch sử”

Tuần trước, hai quan chức cấp cao Hàn Quốc đã có cuộc gặp với nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un. Sau đó, hai quan chức đã tới Mỹ và gửi lời mời của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên về một cuộc gặp cấp cao Mỹ - Triều để thảo luận về chương trình hạt nhân của nước này. Và điều bất ngờ đã xảy ra khi ngày 8/3, Tổng thống Mỹ Donald Trump chấp nhận lời mời và dự kiến cuộc gặp này sẽ diễn ra vào tháng 5/2018 tới.

Đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa một tổng thống Mỹ và một nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ Trump cũng cảnh báo cuộc gặp này có thể sẽ kết thúc nhanh chóng nếu không có thỏa thuận hoặc có khả năng dẫn đến “một thỏa thuận lớn nhất cho thế giới” nhằm giảm căng thẳng hạt nhân giữa hai nước. 

Trong khi đó, trả lời các câu hỏi về cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa Tổng thống Mỹ và nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên, Thư ký báo chí Nhà Trắng Sarah Sanders khẳng định: "Chúng tôi sẽ không để cuộc gặp này diễn ra cho đến khi nhìn thấy những hành động cụ thể đi đôi với lời nói của Triều Tiên". Bà Sanders cũng nhấn mạnh việc Mỹ chấp nhận lời mời gặp mặt của phía CHDCND Triều Tiên dựa trên việc Bình Nhưỡng thực hiện các hành động cụ thể theo những cam kết đã đưa ra trước đó. 

Trước đó, nhà lãnh đạo Kim Jong-un cho biết nước này sẵn sàng thảo luận vấn đề hạt nhân với Mỹ, đồng thời tuyên bố sẽ không phóng thử tên lửa trong lúc hai bên tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc gặp lịch sử này. 

Với những lời khẳng định trên, hiện hai bên đang tiến hành công tác chuẩn bị cho cuộc gặp thượng định Mỹ - Triều sắp tới. Bộ Ngoại giao Thụy Sĩ ngày 9-3 cho biết nước này sẵn sàng làm trung gian cho các cuộc đàm phán giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên.

Hy vọng trong nghi kỵ

Có thể thấy rõ, những bước tiến ngoại giao trên có được là nhờ vào bầu không khí hòa giải giữa hai miền Triều Tiên, được tạo lập từ đầu năm 2018, khi CHDCND Triều Tiên nhận lời mời của Hàn Quốc cử phái đoàn tham dự Olympic Mùa Đông PyeongChang, với hàng loạt động thái "ngoại giao thể thao" hay "ngoại giao ăn tối", dường như đang trở thành "chìa khóa" mở cửa đối thoại Mỹ-Triều.

Trong tiến trình chuyển động tích cực này phải khẳng định vai trò rất lớn của chính quyền Hàn Quốc, trong đó chính sách của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in ưu tiên đối thoại và ngoại giao để giải quyết căng thẳng với Bình Nhưỡng, đang bắt đầu phát huy tác dụng.

Sau một năm căng thẳng giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ liên tiếp bị đẩy lên cao với “vòng luẩn quẩn” thử tên lửa-đe dọa chiến tranh-siết chặt trừng phạt, thì ngay từ đầu năm 2018, cùng với thiện chí của nhà lãnh đạo CHDCND Triều Tiên Kim Jong-un được thể hiện trong Thông điệp Năm mới 2018, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã chủ động nắm bắt mọi cơ hội dù mong manh nhất để cải thiện quan hệ liên Triều, qua đó tìm cách đóng vai trò trung gian hòa giải giữa CHDCND Triều Tiên và Mỹ.

Và chính sách mềm dẻo và kiên nhẫn của chính quyền Hàn Quốc đã được nhà lãnh đạo Triều Tiên "đáp lại" với những tuyên bố được xem là "nhượng bộ đáng kể", từ việc chủ động đề nghị tổ chức thượng đỉnh liên Triều vào tháng 4/2018 tới, đến cam kết ngừng các vụ thử hạt nhân và tên lửa trong khi tiến hành đối thoại với Hàn Quốc, đồng thời sẵn sàng đối thoại với Mỹ về việc phi hạt nhân hóa trên bán đảo Triều Tiên nếu các mối đe dọa quân sự đối với Bình Nhưỡng được xóa bỏ. 

Đây là sự thay đổi quan điểm rõ rệt của nhà lãnh đạo Kim Jong-un sau khi Bình Nhưỡng nhiều lần cương quyết rằng chương trình hạt nhân sẽ không thể là chủ đề của bất cứ cuộc đàm phán nào. Bên cạnh đó, việc Tổng thống Mỹ Trump chấp nhận đối thoại trực tiếp với ông Kim Jong-un có thể được xem là một bước ngoặt lớn sau một năm hai nhà lãnh đạo liên tục sa vào các cuộc "khẩu chiến nảy lửa”, biến bán đảo Triều Tiên thành một “thùng thuốc súng” trực nổ tung. 

Đối thoại giữa phái đoàn Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 9/1
Đối thoại giữa phái đoàn Hàn Quốc và CHDCND Triều Tiên ngày 9/1

Tuy nhiên, cựu Ngoại trưởng Mỹ Hillary Clinton tỏ ra không tin tưởng vào khả năng đạt tiến triển trong cuộc gặp tới: "Nếu muốn nói chuyện với ông Kim Jong-un về chương trình vũ khí hạt nhân của CHDCND Triều Tiên, cần các nhà ngoại giao có kinh nghiệm". Theo bà, Bộ Ngoại giao Mỹ hiện đang thiếu các nhà ngoại giao có kinh nghiệm về vấn đề Triều Tiên. Trong khi đó, cựu Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Bill Richardson cũng cảnh báo đàm phán với CHDCND Triều Tiên không phải là một "chương trình truyền hình thực tế". 

Có thể thấy, sau những gì diễn ra thì mức độ nghi ngờ và nghi ngại lẫn nhau giữa Mỹ và CHDCND Triều Tiên hiện vẫn còn rất nặng nề và ngay cả hiện tại, cả hai bên đều chưa thể làm cho nhau thật sự tin tưởng vào thiện chí và sự thành tâm của mình. Đối với cả hai bên, cơ hội mới này ẩn chứa không ít rủi ro, nhưng dường như cả ông Kim Jong-un và ông Donald Trump hiện đều sẵn sàng chấp nhận những rủi ro ấy. 

Thăng trầm quan hệ Mỹ - Triều

Đầu những năm 1950, CHDCND Triều Tiên đã bắt đầu phát triển hạt nhân. Nước này đã tham gia Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) vào năm 1985 nhưng năm 1993, do sức ép của Mỹ, Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) đã đột ngột đề xuất thanh sát đặc biệt mang tính áp đặt đối với CHDCND Triều Tiên. Động thái này được CHDCND Triều Tiên cho là hành vi thù địch với chủ quyền quốc gia nên bất ngờ tuyên bố rút khỏi NPT, dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân Triều Tiên lần đầu tiên. 

Nhiều đời tổng thống Mỹ sau đó đã theo đuổi mục tiêu phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên theo các phương thức khác nhau. Dưới thời tổng thống Bill Clinton, Nhà Trắng đã theo đuổi chính sách hòa giải với CHDCND Triều Tiên và kết quả là đến tháng 10/1994, hai bên đã ký Thỏa thuận khung (KEDO) tại Geneva (Thụy Sỹ) theo đó CHDCND Triều Tiên sẽ ngừng sản xuất nguyên liệu hạt nhân, đổi lại Mỹ cam kết xây dựng cho CHDCND Triều Tiên 2 lò phản ứng hạt nhân nước nhẹ và cung cấp 500.000 tấn dầu nặng, nhằm chế tạo năng lượng hạt nhân nhằm để phát điện.

Nhưng đáng tiếc, sau khi lên cầm quyền vào năm 2011, Tổng thống George W. Bush đã bác bỏ hoàn toàn chính sách của Tổng thống Clinton đối với CHDNCD Triều Tiên và liệt nước này vào “trục ma quỷ”. Tiếp đó, vào năm 2003, Mỹ ngừng cung cấp dầu nặng cho CHDCND Triều Tiên. Chính những mâu thuẫn này đã khiến CHDCND Triều Tiên tuyên bố khởi động lại cơ sở hạt nhân để sản xuất điện, dẫn đến cuộc khủng hoảng hạt nhân lần thứ hai. 

Các nỗ lực hòa giải của cộng đồng quốc tế, trong đó có Trung Quốc và Nga, đã mở ra cơ chế đàm phán 6 bên bao gồm: Trung Quốc, CHDCND Triều Tiên, Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Nga (vào tháng 8/2003). Nhưng rất nhiều vòng đàm phán 6 bên đã trôi qua, thế bế tắc trong vấn đề phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên vẫn tiếp diễn do thiếu lòng tin chiến lược. CHDCND Triều Tiên tuyên bố sẽ không quay trở lại đàm phán 6 bên, đồng thời lần lượt tiến hành nhiều vụ phóng tên lửa và thử nghiệm hạt nhân. 

Hai nhiệm kỳ của Tổng thống Mỹ Barack Obama, Mỹ duy trì chính sách kiên nhẫn chiến lược, coi từ bỏ hạt nhân là một điều kiện tiên quyết để cải thiện quan hệ giữa hai bên. Việc duy trì chính sách gây sức ép nặng nề đối với CHDCND Triều Tiên, trong khi CHDCND Triều Tiên cũng có những phản ứng cứng rắn bằng các vụ thử tên lửa và hạt nhân khiến vòng xoáy đối đầu liên tục tiếp diễn.

Năm 2017, CHDCND Triều Tiên đã tiến đến những bước lớn trong chương trình phát triển vũ khí hạt nhân, tiến hành các vụ thử tên lửa có thể vươn tới lục địa Mỹ, đặt quan hệ Mỹ-Triều trước thử thách lớn nhất từ trước đến nay. Mỗi lần căng thẳng nổ ra, hai bên đều lặp lại những phương thức quen thuộc để đối phó với đối phương: thử tên lửa-đe dọa chiến tranh-siết chặt trừng phạt. Tính đến nay, Mỹ đã áp đặt hơn 450 biện pháp trừng phạt CHDCND Triều Tiên, với khoảng một nửa trong số đó được áp dụng trong năm 2017.

Trước bối cảnh trên, tâm lý lạc quan nhưng thận trọng của dư luận về cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ-Triều tới đây là điều dễ hiểu. Bởi sự thù địch và thiếu lòng tin giữa hai nước đã kéo dài suốt nhiều thập kỷ qua, luôn đẩy hai nước vào vòng xoáy đối đầu. Đây cũng có thể xem là nguyên nhân cốt lõi dẫn đến những cuộc khủng hoảng trên bán đảo Triều Tiên hết lần này đến lần khác.

Vì vậy, phía trước quan hệ Mỹ-Triều vẫn còn vô vàn chông gai, đòi hỏi các bên cần vượt qua được những rào cản của sự thiếu lòng tin hay mâu thuẫn lợi ích dai dẳng nhiều thập kỷ qua mới có thể thực sự tạo được "bước ngoặt lịch sử" như kỳ vọng.

Đọc thêm