'Đau đầu' mùa cưới

(PLVN) - Vào khoảng ba tháng cuối năm, mùa cưới lại nhộn nhịp diễn ra. Bên cạnh niềm vui đôi lứa của các gia đình, còn đó muôn vàn nỗi lo của mọi người mỗi khi mùa cưới ùa đến.
Các rạp đám cưới dựng giữa đường vô tình gây ùn tắc giao thông. (Ảnh minh họa - Nguồn: Việt Nhật Led)

“Tái mặt” chuẩn bị cho đám cưới

Nguyễn Thị Phượng (33 tuổi, sinh sống tại Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, cô sẽ lên xe hoa vào tháng 11 này. Quyết định kết hôn của Phượng chỉ diễn ra trong đúng vỏn vẹn một tuần. Cô nói: “Sau khi hai gia đình gặp gỡ, đúng năm tôi và bạn trai hợp tuổi để cưới. Vì vậy, sau một tuần khi bố mẹ hai bên gặp gỡ vào cuối tháng 9, ngày cưới của chúng tôi đã được ấn định”.

Chuẩn bị vội vàng cho đám cưới, nên Phượng sút gần 5kg. Mỗi ngày, ngoài giờ đi làm, cô phải liên hệ với các trung tâm tổ chức tiệc cưới, đi chuẩn bị váy cô dâu, chụp ảnh cưới. Phượng chia sẻ: “Đám cưới gần như làm tôi kiệt sức, có những ngày tôi chỉ ngủ có vài tiếng. Dù đã thuê những người tổ chức đám cưới chuyên nghiệp, nhưng chỉ giúp tôi giảm bớt một phần khối lượng công việc”.

Mỗi tối, thay vì được nghỉ ngơi, cô phải cùng bố mẹ và gia đình chồng lên kế hoạch chi tiết. Như chuẩn bị địa điểm tổ chức, lựa chọn đơn vị tổ chức sự kiện, rạp cưới, bố trí người tiếp khách, xe dâu, tặng quà cưới cho cô dâu, chủ rể… Chỉ riêng chuyện mời cưới cũng cân đo đong đếm nên mời ai, cỗ đặt sao cho phù hợp với kinh tế gia đình vừa phải lịch sự, ngon miệng, nếu cỗ không ngon, cỗ thiếu, cỗ thừa cũng dễ bị chê cười.

Giống với Phượng, Trần Phương Hà (27 tuổi, sinh sống ở Đống Đa, Hà Nội) chia sẻ, cuối tháng 11 này, cô sẽ kết hôn với người bạn trai lâu năm. Để chuẩn bị cho đám cưới, Phương Hà cùng người yêu đã phải tiết kiệm tiền từ đầu năm. Cô tâm sự: “Gia đình hai bên sẽ hỗ trợ vợ chồng chúng tôi. Tuy nhiên, chúng tôi đã lớn và mong được gánh một phần chi tiêu trong đám cưới cho bố mẹ”.

Cô cho biết, số tiền phải bỏ ra trong đám cưới bằng thu nhập một năm của hai vợ chồng cộng lại. Phương Hà liệt kê, giá thuê chụp ảnh cưới thấp nhất là 2,5 triệu đồng. Tiền thuê áo dài ăn hỏi, váy cưới, comple chú rể, trang điểm khoảng 1,5 triệu/ngày. Rồi còn tiền xe hoa, tráp hỏi, lễ đen, in thiệp mời… Đấy còn chưa kể khoản tốn kém nhất là tiệc cưới. Mâm cỗ 6 người giá chung bây giờ thấp nhất cũng vài triệu đồng/mâm. Tính ra, để tổ chức một đám cưới trọn vẹn cũng tốn cả năm lao động vất vả của 2 vợ chồng. Các khoản chi phí liên tục tăng lên, khiến Phương Hà mất ăn, mất ngủ tính toán, cân bằng các khoản thu, chi.

Việc tổ chức đám cưới khiến nhiều gia đình gặp áp lực. (Ảnh minh họa - Nguồn: Love Note)

Bà Phạm Ngọc Anh (55 tuổi, sinh sống ở Hà Nội) cho biết, bà đã giục con cưới gấp trong năm nay, vì đến năm sau bà sẽ chính thức xin về hưu. Bà chia sẻ: “Cả cuộc đời, tôi đi dự đám cưới các đồng nghiệp và con cái của họ rất nhiều. Cho nên, tôi mong mình sẽ được “hoàn vốn” lại”. Để con sớm tìm được đối tượng kết hôn, từ năm 2022, bà Ngọc Anh liên tục đưa con đi tới các buổi xem mắt. Sau gần hai năm “nỗ lực” con gái của bà đã chọn được đối tượng ưng ý. Chỉ vỏn vẹn sau khi quen người bạn trai ba tháng, gia đình bà Ngọc Anh đã quyết định cho các con tổ chức hôn lễ.

Do tổ chức cưới gấp, nên bà Ngọc Anh “tối tăm mặt mũi” để chuẩn bị đám cưới của con gái. Bà chia sẻ: “Khó khăn lớn nhất bây giờ là chuẩn bị quà hồi môn cho con gái. Giá vàng đang tăng cao, trong khi các đồ trang sức bằng vàng có dấu hiệu giảm mạnh. Vàng miếng, vàng nhẫn trơn SJC rất khó mua lại không có hàng giao sẵn. Do đó, gia đình tôi mua vàng khâu truyền thống để chuẩn bị trước cho hôn lễ. Nếu giá vàng không “hạ nhiệt”, các thành viên trong gia đình đã thống nhất mừng cưới cho các con bằng tiền mặt, thay vì phải trả lễ mừng cưới bằng vàng theo truyền thống xưa nay”.

Khác với bà Ngọc Anh, bà Phùng Thị Mùi (51 tuổi, sinh sống ở Ba Vì, Hà Nội) chuẩn bị đám cưới tương đối nhẹ nhàng. Họ hàng đông đúc, thường xuyên tương trợ lẫn nhau, khi con trai bà Mùi cưới, có rất nhiều người giúp đỡ. Gia đình buôn bán, có “của ăn, của để” nên bà Mùi đã mạnh tay chi tiền thuê những đội ngũ chuyên nghiệp làm tiệc cưới hỗ trợ. Tuy nhiên, bà rơi vào hoàn cảnh “đau đầu”, khi có nhiều người đăng ký trình diễn các tiết mục văn nghệ trong đám cưới.

Bà Mùi “dở khóc, dở cười” tâm sự: “Đầu tháng 12 các cháu tổ chức hôn lễ. Hiện tại, đã có bốn năm tốp đăng ký trình diễn văn nghệ trong đám cưới. Nếu chỉ hát, đọc thơ như bình thường tôi đã không lo lắng. Nhưng mọi người muốn múa yoga, múa dân vũ, nhảy aerobic, khiêu vũ trong đám cưới”. Nguyên do, ở quê bà Mùi đang nở rộ phong trào tập thể dục, thể thao, cho nên trong đám cưới mọi người rất nhiệt tình mong muốn tham gia.

Cho đến hàng trăm nỗi sợ “không tên”

Nguyễn Nhật Linh (29 tuổi, sống ở Hà Nội) chia sẻ, gia đình anh ở gần nhà văn hóa phường. Đây là nơi tổ chức đám cưới của nhiều cặp vợ chồng trẻ. Cứ đến mùa cưới, Nhật Linh và bố mẹ phải lo lắng trước hình ảnh của các rạp cưới. Anh nói: “Chúng tôi rất vui mừng khi các cặp vợ chồng trẻ nên duyên đôi lứa. Tuy nhiên, mỗi mùa cưới, hàng ngày các rạp chiếm một khoảng sân rộng, thậm chí tràn ra cả đường đi. Đặc biệt, bãi gửi xe không được quy định rõ ràng, nên hàng loạt xe máy để lộn xộn, chắn hết đường đi lại”. Đến mùa cưới, Nhật Linh thường chuẩn bị sẵn các cung đường vòng để đi làm và về nhà đúng giờ.

Tùy vào điều kiện kinh tế, các gia đình sẽ lựa chọn nơi tổ chức đám cưới. Có người thuê các nhà hàng, khách sạn sang trọng. Ngược lại, nhiều hộ gia đình quyết định dựng rạp ở nhà văn hóa (tại quận, thôn, xã), hoặc để rạp ở ngay gần nhà, thậm chí giữa đường đi. Nhiều tỉnh, địa phương, hình ảnh bên trong rạp quan khách, người nhà tưng bừng nâng chén chúc phúc, ngoài đường các phương tiện vẫn phóng ầm ầm, còi xe inh ỏi. Người ăn cỗ và những chiếc xe tải qua lại chỉ cách nhau lớp rèm mong manh. Đây là một vấn đề đang được nhiều người dân phản ánh.

Ngoài vấn đề về ùn tắc giao thông do các rạp cưới gây ra. Mùa cưới còn vô tình tạo ra áp lực khiến cho giới trẻ hoang mang, lo lắng. Như câu chuyện của Trần Thu Huyền, 30 tuổi, sống ở Hà Nội. Cô là người chị lớn trong nhà, các anh chị em đang trong độ tuổi kết hôn. Mùa cưới mỗi năm, có những ngày Huyền phải tham dự tới ba đến bốn đám cưới. Cô chia sẻ: “Đều là các anh chị em trong nhà, nên tôi mừng phong bì không tiếc tiền. Nhưng, mỗi khi ngồi vào các bàn tiệc cưới, hàng trăm câu hỏi, thúc giục tôi nhanh chóng kết hôn, sinh con khiến tôi rất áp lực”.

Có những hôm, ngay trong các tiệc cưới, họ hàng liên tục đưa cô đi xem mắt, giới thiệu với các đối tượng nam giới độc thân. Huyền tâm sự: “Dù biết các cô, các bác không có ý xấu. Nhưng tôi vẫn rất sợ những lời hỏi thăm trong đám cưới. Để tránh mặt họ hàng, nhiều đám cưới tôi chỉ đến chúc mừng, gửi phong bì rồi vội vàng đi về”.

Mùa cưới nên được tổ chức gọn nhẹ, thoải mái cho gia chủ và khách đến tham dự. (Ảnh minh họa - Nguồn: Tony Wedding)

Đối với Đỗ Minh Anh (28 tuổi, sống ở Hà Nội), mùa cưới là “nỗi ác mộng” với cô. Có những ngày, Minh Anh phải đi dự đến 5 đám cưới liên tiếp. Mỗi đám cưới mừng từ 500 nghìn đồng đến 1 triệu. Mùa cưới qua đi, tài khoản ngân hàng của cô luôn rơi vào con số âm.

Cô chia sẻ: “Lương tôi một tháng khoảng 15 triệu đồng. Chỉ tính riêng trong mùa cưới năm ngoái, tôi phải tốn đến 20 - 30 triệu đồng để tham dự các đám cưới của bạn bè, đồng nghiệp, người thân,...”. Ngoài tiền mừng cưới, Minh Anh phải chuẩn bị tiền mua quần áo, làm tóc, trang điểm để xuất hiện xinh đẹp, tươi vui nhất trong các đám cưới.

Thực tế, tiền mừng đám cưới hiện nay đang là nỗi ám ảnh rất lớn đối với những người tham dự. Trước khi đến mỗi đám cưới, nhiều vị khách phải xem trước địa điểm, thậm chí xem cả giá thành các mâm cỗ ở trên mạng để mừng sao cho gia đình cô dâu, chú rể có thể “hoàn vốn”. Theo truyền thống “có đi, có lại”, nhiều người cố gắng mừng bạn bè thân thiết một số tiền lớn, với tâm lý đến đám cưới của mình hoặc con cái mình, cô dâu, chú rể sẽ “hoàn trả”. Từ đó, tiền mừng đám cưới trở thành nỗi căng thẳng, lo lắng của rất nhiều người.

Đọc thêm