Phóng viên Báo PLVN đã có cuộc trò chuyện với TS. Phạm Hiệp (Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Chuyển giao Tri thức REK, Trường ĐH Thành Đô) về vấn đề này.
Nhiều trường hợp bài báo bị rút không phải lỗi từ nhà nghiên cứu
Thưa TS. Phạm Hiệp, thời gian qua, có những lúc dư luận “sôi sùng sục” về một số trường hợp bài báo khoa học bị rút, tác giả bị cho là vi phạm liêm chính khoa học; nhưng sau đó có những trường hợp lại không có kết luận cuối cùng. Ông đánh giá sao về vấn đề này?
- Khi một bài báo khoa học bị rút, chúng ta không nên vội vàng kết luận; không nên quy kết ngay lỗi của nhà khoa học, của tác giả. Quá trình rút bài báo thường đi kèm với sự trao đổi giữa tác giả, nhà xuất bản và Ban biên tập. Tất cả đều cần thời gian để xem xét lại mọi vấn đề liên quan.
Quy trình, thời gian để xuất bản một bài báo khoa học thường kéo dài từ 6 tháng đến 2 năm; và quy trình, thời gian để một bài báo bị rút cũng có thể dài tương tự. Sau khi bài báo bị rút, việc tranh luận và thống nhất giữa các bên cũng có thể kéo dài thêm. Trong thực tế, đã có nhiều trường hợp, việc bài báo bị rút là xuất phát từ lỗi của nhà xuất bản, các bên liên quan… chứ không phải lỗi của tác giả, nhà khoa học.
Ở nước ngoài tình trạng này có xảy ra không, thưa ông?
- Không chỉ ở nước ta, mà ngay cả các nhà khoa học ở các nước phương Tây cũng gặp phải vấn đề khi bài báo khoa học bị rút. Điều này là bình thường trong bất kỳ lĩnh vực nào. Và tôi nhắc lại, là không nên vội vàng quy chụp một cách nghiêm trọng với các nhà khoa học vì một bài báo bị rút khi chưa có bất cứ kết luận nào từ các đơn vị chức năng, cơ quan có thẩm quyền... Những người có xung đột lợi ích cũng không nên tham gia đánh giá bài báo, vì điều này có thể dẫn đến những quyết định không công bằng.
Cần hạn chế tối đa các áp lực từ các ý kiến bên ngoài với nhà khoa học
Ông có lời khuyên nào với mọi người về vấn đề này, để hạn chế tối đa các trường hợp bị quy kết, quy chụp oan?
- Chúng ta nên để các nhà khoa học làm việc trong môi trường của họ và hạn chế tối đa các áp lực từ các ý kiến bên ngoài. Mặc dù sự minh bạch là cần thiết, nhưng không cần phải ồn ào quá mức trên mạng, vì điều đó có thể gây hiểu lầm về thực trạng học thuật và bản thân nhà khoa học cũng cảm thấy bị tổn thương. Khi một bài báo bị rút, xã hội thường nhìn nhận vấn đề đó như lỗi của nhà khoa học mà không hiểu rằng có nhiều yếu tố khác liên quan. Cách nhìn như vậy cũng rất phiến diện và các phương tiện truyền thông, mạng xã hội không nên vội vã đưa tin về các ý kiến này.
TS. Phạm Hiệp, Viện trưởng Viện Nghiên cứu & Chuyển giao Tri thức REK, Trường ĐH Thành Đô. (Ảnh: Nhân vật cung cấp) |
Theo ông, các nhà nghiên cứu khoa học cần làm gì để hạn chế tối đa trường hợp bị rút bài báo?
- Để tránh tình trạng bài báo bị rút, trước tiên, các nhà khoa học cần hiểu và tuân thủ các quy định. Ví dụ, nhiều tạp chí yêu cầu Ban biên tập và người phản biện không được có mối quan hệ quen biết, hoặc không làm việc chung với tác giả trong vòng 3 - 5 năm… Tác giả cũng cần cẩn trọng và trung thực trong việc thực hiện các quy định về đạo đức học thuật. Nếu biết mà vẫn vi phạm, đó là lỗi cố tình, sẽ phải chấp nhận hậu quả.
Ông có nhận xét gì về thực tế công bố bài báo nghiên cứu khoa học của các nhà khoa học Việt Nam hiện nay?
- Về chất lượng nghiên cứu khoa học ở Việt Nam, tôi thấy đang có xu hướng cải thiện cả về số lượng lẫn chất lượng. Việt Nam đang trong quá trình chuyển đổi từ việc chỉ xuất bản trong nước sang tham gia vào các tạp chí quốc tế. Vì vậy điều này đòi hỏi phải cập nhật, điều chỉnh một số quy định, đặc biệt là những nội dung liên quan đạo đức học thuật để bảo vệ người nghiên cứu khoa học chân chính.
Xin cảm ơn TS. Phạm Hiệp!
“Theo quan sát của cá nhân tôi, trên mạng xã hội đang có xu hướng nhìn nhận việc rút bài một cách thiếu toàn diện. Một số trường hợp lợi dụng mạng xã hội để công kích cá nhân, ảnh hưởng uy tín, danh dự, quyền riêng tư.
Tôi tin rằng, cùng với sự nâng cao nhận thức, sự hoàn thiện của khung pháp lý, xã hội sẽ ngày càng nhìn nhận rõ hơn, có những điều chỉnh phù hợp, ứng xử ngày càng văn minh hơn, tôn trọng những cống hiến bền bỉ của các nhà nghiên cứu khoa học.
Truyền thông có vai trò rất quan trọng trong vấn đề này, đi đôi với các nội dung phản ánh hiện tượng, sự việc không tốt; thì phải đi kèm với xu hướng phát triển tích cực của giáo dục đại học và nghiên cứu khoa học trong bối cảnh thực tiễn tại Việt Nam. Đặc biệt cần phải giữ đúng tôn chỉ, mục đích, tìm hiểu dư luận nhưng cần kiểm chứng; có góp ý phê phán để phát triển chứ không làm tổn hại, hạ thấp danh dự, uy tín cá nhân và thành quả phát triển.
Điều quan trọng nữa, là bản thân các cơ sở giáo dục đại học cần chủ động xây dựng và áp dụng các tiêu chuẩn minh bạch về liêm chính học thuật, tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu thực hiện trách nhiệm giải trình và bảo vệ uy tín khi xảy ra những tình huống không mong muốn. Về phía các nhà nghiên cứu cũng cần phải nâng cao nhận thức và tuân thủ nghiêm ngặt các nguyên tắc liêm chính học thuật, đồng thời cần chủ động chia sẻ, giải thích rõ ràng khi xảy ra sự cố liên quan đến công trình nghiên cứu để tránh hiểu nhầm và xây dựng lòng tin”.
(Một nhà nghiên cứu khoa học tại TP HCM)