Đấu giá vượt mức khởi điểm càng nhiều, thù lao được hưởng càng lớn

(PLO) - Đây là một trong những phương án đang được Bộ Tư pháp đề xuất nhằm khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản bán vượt giá khởi điểm và hạn chế việc cạnh tranh không lành mạnh từ việc “đua nhau” hạ phí đấu giá. Qua tham khảo bước đầu cho thấy, nhiều ý kiến đồng tình với phương án này nhưng đề nghị tỷ lệ phần trăm được hưởng phải đảm bảo hài hòa - lợi ích.
Đấu giá vượt mức khởi điểm càng nhiều, thù lao được hưởng càng lớn

Cạnh tranh không lành mạnh về phí

Thực trạng tổ chức bán đấu giá cạnh tranh không lành mạnh luôn được nhiều cá nhân, doanh nghiệp (DN) quan tâm. Mặc dù quy định của pháp luật nêu rõ không tổ chức nào có quyền nâng lệ phí đấu giá nhưng một số DN tư nhân vẫn điều chỉnh phí đấu giá để tăng tính cạnh tranh, né thuế (phí thu càng ít thì mức thuế càng thấp).

Về cơ chế tài chính, có sự khác biệt giữa các tổ chức bán đấu giá tài sản (BĐGTS), ảnh hưởng đến sự phát triển lành mạnh của hoạt động bán đấu giá tài sản. Các Trung tâm Bán đấu giá tài sản là đơn vị Nhà nước, hạch toán theo quy định của Nhà nước nên có những hạn chế nhất định. Còn các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực BĐGTS thì có cơ chế  linh hoạt hơn, thậm chí phát sinh “cơ chế lobby” - trích lại khoản phí cho cơ quan, đơn vị có tài sản gửi bán đấu giá nhằm lôi kéo khách hàng về phía mình. 

Cơ quan chức năng đã ban hành một số văn bản để chấn chỉnh thực trạng trên và gần đây nhất là Thông tư số 335/2016/TT-BTC của Bộ Tài chính quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản, phí tham gia đấu giá tài sản. Trường hợp BĐGTS thành thì mức thu phí được tính trên giá trị tài sản bán được của một cuộc bán đấu giá.

Theo đó, mức thu với giá trị tài sản bán được của một cuộc bán đấu giá dưới 50 triệu đồng là 5% giá trị tài sản bán được; từ 50 triệu đồng đến 1 tỷ đồng là 2,5 triệu đồng cộng với 1,5% giá trị tài sản bán được quá 50 triệu đồng; từ trên 1 tỷ đồng đến 10 tỷ đồng là 16,75 triệu đồng cộng với 0,2% giá trị tài sản bán được vượt 1 tỷ đồng; từ trên 10 tỷ đồng đến 20 tỷ đồng là 34,75 triệu đồng cộng với 0,15% giá trị tài sản bán được vượt 10 tỷ đồng; từ trên 20 tỷ đồng là 49,75 triệu đồng cộng với 0,1% giá trị tài sản bán được vượt 20 tỷ đồng. Tổng số phí không quá 300 triệu/cuộc đấu giá.

Trường hợp bán đấu giá tài sản không thành thì trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày kết thúc phiên đấu giá, người có tài sản bán đấu giá, cơ quan thi hành án, cơ quan tài chính thanh toán cho tổ chức bán đấu giá tài sản, Hội đồng bán đấu giá tài sản các chi phí thực tế, hợp lý quy định tại Điều 43 Nghị định số 17/2010/NĐ/CP, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định khác.

Mức thu phí tham gia đấu giá tài sản được quy định tương ứng từ 50.000 đến 500.000 đồng/hồ sơ với giá khởi điểm của tài sản bán đấu giá. Hội đồng bán đấu giá tài sản được sử dụng số tiền phí thu được để trang trải các chi phí cho Hội đồng đấu giá tài sản, nếu thừa nộp vào ngân sách nhà nước.

Trung tâm dịch vụ bán đấu giá tài sản quản lý và sử dụng phí đấu giá tài sản nếu đã được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc bán đấu giá thì phải nộp toàn bộ số tiền phí thu được vào ngân sách nhà nước theo quy định của pháp luật hiện hành. Trường hợp Trung tâm dịch vụ bán đấu giá chưa được ngân sách nhà nước bảo đảm kinh phí cho việc tổ chức bán đấu giá thì được để lại một phần số tiền phí thu được để trang trải cho việc bán đấu giá và thu phí theo quy định của pháp luật; phần tiền phí còn lại phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Bỏ quy định trần về phí

Tuy nhiên, Thông tư số 335/2016/TT-BTC chỉ có hiệu lực từ ngày 12/2/2017 đến ngày 1/7/2017. Từ ngày 1/7/2017, Luật Đấu giá tài sản quy định thù lao dịch vụ đấu giá theo cơ chế giá dịch vụ thay cho phí dịch vụ đấu giá như quy định của pháp luật hiện hành.

Theo Điều 66 của Luật, thù lao dịch vụ đấu giá do người có tài sản đấu giá và tổ chức đấu giá tài sản thỏa thuận trong hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản. Trường hợp đấu giá các loại tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì thù lao dịch vụ đấu giá được xác định theo cơ chế giá dịch vụ theo khung do Bộ Tài chính quy định.

Do đó, để kịp thời triển khai quy định của Luật có hiệu quả thì Bộ Tư pháp và Bộ Tài chính đang phối hợp nghiên cứu xây dựng Dự thảo Thông tư quy định khung thù lao và chế độ thu, nộp, quản lý, sử dụng thù lao dịch vụ đấu giá.

Bộ Tư pháp đề xuất trong trường hợp đấu giá thành thì thù lao dịch vụ đấu giá tài sản do người có tài sản đấu giá thanh toán cho tổ chức đấu giá tài sản theo khung quy định. Khung thù lao dịch vụ đấu giá tài sản được xây dựng dựa trên một số nguyên tắc chính như bỏ quy định trần về phí đối với một cuộc đấu giá tài sản (theo quy định của Thông tư số 335/2016/TT-BTC, phí tối đa một cuộc đấu giá mà tổ chức đấu giá tài sản được hưởng không quá 300 triệu đồng).

Tỷ lệ phần trăm được nâng lên để phù hợp với tình hình thực tế hiện nay, đồng thời giá trị tài sản bán được của một cuộc đấu giá thành được chia theo khung với biên độ phù hợp. Giá tài sản bán được so với giá khởi điểm càng cao thì thù lao cho tổ chức đấu giá tài sản càng lớn để khuyến khích việc bán tài sản.

Cụ thể, phương án 1 giữ nguyên cách tính phí đấu giá theo Thông tư số 335/2016/TT-BTC. Bộ Tư pháp cho rằng, phương án này chưa thể hiện rõ được mối liên hệ giữa giá khởi điểm của tài sản và giá bán được của tài sản đó. Vì thế, các tổ chức đấu giá tài sản nhận được cùng một mức thù lao đối với một cuộc đấu giá có giá bán được bằng nhau nhưng giá khởi điểm có thể khác nhau. Hơn nữa, phương án 1 cũng chưa thể hiện yếu tố về khung thù lao dịch vụ đấu giá là phải có trần, có sàn.

Phương án 2 có cách tính thực hiện tương tự Thông tư số 335/2016/TT-BTC song sửa tỷ lệ phần trăm của phần giá trị chênh lệch theo hướng giữa giá bán được của tài sản với giá khởi điểm của tài sản ấy. Theo đó, mức thù lao với giá trị tài sản bán được của một cuộc bán đấu giá dưới 50 triệu đồng là 8% giá trị tài sản bán được; từ 50 triệu đồng đến 500 triệu đồng là 4 triệu cộng với 5% của phần giá trị chênh lệch giữa tài sản bán được với giá khởi điểm; từ trên 500 triệu đến 1 tỷ đồng là 13,8 triệu đồng cộng với 5% chênh lệch như trên…; cứ thế đến trên 1.000 tỷ đồng, mức thù lao là 114,3 triệu cộng với 5% chênh lệch.

Theo Bộ Tư pháp, phương án 2 có ưu điểm là khuyến khích các tổ chức đấu giá tài sản bán vượt giá khởi điểm càng nhiều sẽ được hưởng thù lao càng lớn. Song Bộ Tư pháp phân tích, việc xác định mức thù lao cố định và tỷ lệ phần trăm là chưa có căn cứ thuyết phục, phương án 2 cũng chưa thể hiện yếu tố về khung thù lao dịch vụ đấu giá.

Còn phương án 3 giữ nguyên như cách tính phí đấu giá theo Thông tư số 335/2016/TT-BTC nhưng có quy định trần (mỗi khung đều có mức trần, mức cáo nhất là không quá 2% của phầngiá trị tài sản bán được vượt quá). Có điều, việc quy định trần có thể dẫn tới tình trạng người có tài sản và tổ chức đấu giá tài sản lạm dụng để thỏa thuận với nhau, gây ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của người chủ sở hữu tài sản đó (như tài sản nhà nước, tài sản của người phải thi hành án, người thế chấp...).

Đọc thêm