Theo cáo trạng, trong quá trình thanh tra thuế tại Công ty CP Xây dựng An Nghĩa (107, đường Huỳnh Thúc Kháng, TP Quy Nhơn), đoàn thanh tra do Khiêm làm Trưởng đoàn phát hiện An Nghĩa có một số sai phạm cần xử phạt. Khiêm đã gặp lãnh đạo Công ty yêu cầu đưa 130 triệu đồng để bỏ qua một số lỗi.
Chiều 1/10/2017, tại một quán cà phê ở Quy Nhơn, khi ông Đỗ Nguyễn Duy Minh (một lãnh đạo An Nghĩa) đưa 2 bì ni lông màu đen và màu nâu (bên trong đựng 130 triệu) cho Khiêm để bỏ vào túi xách thì bị phát hiện, bắt quả tang.
Ngày 3/8/2018, tại phiên xét xử sơ thẩm lần thứ 3, TAND tỉnh Bình Định đã tuyên phạt Khiêm mức án 8 năm tù về tội Nhận hối lộ, buộc Khiêm trả lại cho ông Minh 130 triệu. Sau phiên xử, Khiêm kháng cáo kêu oan, cho rằng bị An Nghĩa “gài bẫy”.
Tại phiên phúc thẩm mới đây, Hội đồng xét xử (HĐXX) đã chỉ ra những tình tiết mâu thuẫn và chưa làm rõ trong vụ án. Trong hồ sơ không có biên bản nào thể hiện việc niêm phong 2 gói màu đen, màu nâu; thể hiện sự kiểm đếm, kiểm định tiền thật hay giả. Ngay đến chiếc túi xách Cơ quan điều tra cũng không lập biên bản niêm phong.
Tòa xác định ngay sau khi Khiêm được đưa 2 bịch ni lông thì bị Công an kinh tế tỉnh Bình Định ập vào chụp hình và bắt giữ rồi đưa về trụ sở công an chứ không có biên bản nào lập thể hiện tại hiện trường nơi bắt quả tang. Với biên bản bắt người nhận hối lộ, phần nội dung thể hiện sự có mặt của các cán bộ công an, người làm chứng và người liên quan, nhưng phần chữ ký chỉ có ông Đỗ Đức Phương là người lập biên bản. Như vậy, biên bản này chưa đảm bảo chặt chẽ về mặt thủ tục.
Ngoài ra, biên bản thể hiện ngày giờ tại quán cà phê khi bị bắt quả tang nhưng hình thức thì được đánh máy và in ra, làm cho người bị bắt nghi ngờ cho rằng vụ việc này “có sự chuẩn bị trước”.
Trong biên bản còn mâu thuẫn rằng, ông Bùi Đăng Khoa là người chứng kiến nhưng tại phần ký xác nhận là người làm chứng. Do đó, không thể xác định được ông Khoa là người chứng kiến công an bắt quả tang Khiêm về hành vi nhận lối lộ hay chỉ là người làm chứng việc lập biên bản bắt giữ?
Chưa hết, hồ sơ vụ án thể hiện, việc ông Minh đưa hối lộ cho Khiêm là vi phạm pháp luật vì muốn được bỏ qua vi phạm, không phải nộp phạt số tiền lớn. Bộ luật Hình sự chỉ quy định người đưa hối lộ nhưng chủ động khai báo trước khi bị phát giác thì được coi là không có tội. Trong vụ án này, ông Minh có đơn tố cáo từ ngày 28/9/2017 gửi Ban Nội chính Tỉnh ủy về hành vi đòi hối lộ của Khiêm và một ngày sau Ban Nội chính bàn giao đơn này cho Công an tỉnh Bình Định. Tuy nhiên, công an chưa có biện pháp kiểm tra xác minh đơn tố cáo để kịp thời ngăn chặn thì ông Minh đã chủ động đưa tiền cho Khiêm và bị bắt quả tang. Do đó, ông Minh bị cho là không thuộc trường hợp chủ động khai báo trước khi bị phát giác. Vì vậy, để giải quyết vụ án đúng pháp luật, không bỏ lọt tội phạm cần xem xét hình sự với Đỗ Nguyễn Duy Minh về hành vi hối lộ.
Tòa cũng cho rằng khi được Khiêm thông báo Công ty có sai phạm, yêu cầu chi tiền để được giảm mức phạt thì ông Minh là người chỉ đạo cho ông Thanh (nhân viên An Nghĩa) “mặc cả” với Khiêm mức tiền hối lộ. Còn có bà Chi (nhân viên An Nghĩa) cho rằng chính bà là người chỉ đạo ông Thanh nói với Khiêm về việc này. Vì vậy, cần xác định rõ ai là người chỉ đạo ông Thanh “mặc cả” với Khiêm về số tiền hối lộ, nội dung thỏa thuận như thế nào, từ đó xem xét trách nhiệm hình sự với bà Chi và ông Thanh với vai trò đồng phạm về hành vi đưa hối lộ.
Cũng theo HĐXX, khi bắt giữ Khiêm về hành vi nhận hối lộ, số tiền đưa và nhận hối lộ là rất quan trọng để buộc tội, tuy nhiên Công an tỉnh Bình Định lại không làm đúng theo quy định pháp luật; việc lập một số biên bản cũng vi phạm Bộ luật Tố tụng Hình sự; nên quyết định hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để điều tra lại.