Theo thống kê của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có 800.000 người trên toàn thế giới chết vì tự sát mỗi năm.
Để phòng ngừa tự sát, khi thấy người nhà có các dấu hiệu: ủ rũ, than phiền vì cảm thấy cuộc sống bế tắc, dự trữ thuốc, mua dây thừng... thì cần đưa họ đi khám, can thiệp kịp thời, tránh tình huống xấu xảy ra.
Tự sát có thể có rất nhiều nguyên nhân, bắt nguồn từ stress trong cuộc sống gia đình như chuyện tình cảm, bố mẹ chia ly; vấn đề kinh tế như làm ăn thua lỗ, nợ nần hoặc các bệnh lý khác như trầm cảm, rối loạn do sử dụng chất kích thích, rối loạn tâm thần phân liệt, hoang tưởng bị hại, bị theo dõi…
Một số yếu tố làm tăng nguy cơ tự sát gồm: tiền sử toan tự sát, tiền sử gia đình và di truyền, bất hạnh thời thơ ấu, sự tuyệt vọng, tình trạng hôn nhau, xu hướng tình dục, nghề nghiệp, rối loạn tâm thần, bệnh lý nội khoa, rối loạn thần kinh, chấn thương sọ não…
ThS.BS Vũ Sơn Tùng - Phó phòng Điều trị rối loạn cảm xúc cũng cho biết: "Thông thường, khoảng 60% người có ý tưởng tự sát sẽ chuyển từ ý tưởng tự sát sang kế hoạch và từ kế hoạch sang toan tự sát ngay trong năm đầu tiên, khi bắt đầu có ý định tự sát. Ý tưởng tự sát không phải bột phát mà được nuôi dưỡng qua thời gian dài. Vì vậy, chúng ta cần cảnh giác nếu thấy người nhà dự trữ thuốc như paracetamol, thuốc hạ huyết áp; đi mua dây điện, dây thừng (khi nhà không cần)… hoặc thấy họ ủ rũ nhiều hơn, buồn rầu, cảm thấy cuộc sống bế tắc… Khi đó, cần đưa họ đi khám để bác sĩ có chuyên môn có thể khai thác tốt hơn, can thiệp kịp thời, tránh chủ quan để người bệnh ở nhà tự điều trị".
Bên cạnh đó, để phòng ngừa tự sát cần tránh để bệnh nhân cầm vật sắt nhọn, tránh ở lầu cao, tránh ổ điện… Các bác sĩ cũng khuyến cáo, người có ý tưởng, hành vi tự sát được xác định là một trong những cấp cứu tâm thần. Những trường hợp này cần nhập viện ngay lập tức để theo dõi giám sát 24/24 giờ, đặc biệt là những trường hợp trầm cảm có ý tưởng hoặc hành vi tự sát.
"Nếu chưa có điều kiện để đưa người bệnh đến viện ngay thì gia đình cần có người ở sát bên cạnh bệnh nhân 24/24h", ThS.BS Vũ Sơn Tùng khuyên. "Đặc biệt, khi thấy người thân đang rơi vào trạng thái kích động, đòi tự sát cao độ thì nên lập tức “hạ nhiệt”, nói lời yêu thương, giúp người thân có cảm giác được bao bọc, che chở. Tuyệt đối không được để người bệnh bị thêm các yếu tố kích động tinh thần. Ngoài ra, khi bệnh nhân đã được ra viện thì vẫn cần điều trị củng cố, tránh tái phát".