Dấu hiệu vi phạm tố tụng khi xử lý vụ trộm bò hi hữu

(PLO) - Cho rằng, mình có đóng góp một phần tiền mua bò cho bố mẹ, do đó hành vi mang bò đi bán chưa cấu thành tội phạm, nên sau khi bị tuyên án, Trương Quốc Cường (SN 1997) đã kháng cáo.  
Dấu hiệu vi phạm tố tụng khi xử lý vụ trộm bò hi hữu

Trộm bò bán lấy tiền đi chơi

Theo Bản án số 45/2016/HSST, ngày 22/6/2016 của TAND huyện Duy Tiên, do muốn có tiền tiêu xài, Trương Quốc Cường nảy sinh ý định trộm cắp con bò cái lông màu vàng nhạt của bố mẹ đẻ là ông Trương Văn Chiến mang đi bán.

Giữa tháng 3/2016, khi đang chăn bò ở cánh đồng máng ông Thất (thôn Thụy 4, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên), Cường nói với Trương Anh Thương “Bây giờ bán bò nhà em đi, anh em mình đi chơi một tháng”… Đến khoảng 14 giờ cùng ngày, khi gặp Nguyễn Đức Thành, Cường nói: “Lúc nào tao bán được bò, mày có dám đi chơi không”, Thành nói “Ừ, đi thì đi sợ gì”.

Đến khoảng 12h ngày 22/3/2016, khi đang chăn bò ở cánh đồng máng ông Thất thì gặp Trương Anh Thương và Đỗ Quang Huy, Cường nói với Thương “Anh có biết chỗ nào bán được bò không”. Do biết anh Đỗ Văn Hân có nhu cầu mua bò về chăn nuôi, nên Thương nói “Bò bán ở đâu chẳng được, ông Hân ở Lệ Thủy đang muốn mua bò đấy”.

Cường nói “Anh xem ông Hân có mua không thì em bán”. Thấy Cường còn trẻ con, nên Thương nói “Nhưng sợ mày còn bé, ông ấy không mua đâu”. Nghe Thương nói vậy, Huy nói “Sợ gì, cứ bảo là bò của vợ chồng cháu”. Cường và Thương đều đồng ý để cho Huy giả vờ nhận bò của Huy, sau đó Thương nói “Ừ, thế cũng được, cứ bảo của vợ chồng mày”…

Sau khi thống nhất xong, khoảng 23h ngày 23/3/2016, Cường về nhà kiểm tra thấy bố mẹ đã ngủ say liền đi ra chuồng bò, nhấc đoạn tre chắn trước chuồng bò lên, cởi sợi dây thừng ra khỏi khuy sắt chôn dưới nền bê tông và dắt bò ra ngã tư thôn Tường Thụy 4 gặp Huy, Thành. Cường nói “Đi thôi, đuổi đằng sau nhanh lên”.

Huy dùng điện thoại của Cường gọi cho Thương, nói “Chú đâu rồi, chú ra đây nhanh lên, thằng Cường nó dắt bò ra rồi”, Thương nói “Ừ” và điều khiển xe máy (của mẹ Thương) đi ra ngã tư thôn Tường Thụy 4, xã Trác Văn. Cường dắt bò đi trước, Huy và Thành cầm mỗi người một cành xoan đi sau đuổi bò đi nhanh. 

Đi được một đoạn, thì Thương đi xe máy từ phía sau đến và Huy với Thương “Chú gọi cho ông Hân xem thế nào”, Thương nói “Cứ dắt đi tao đi trước xem người”. Đến gần nhà anh Hân, Thương gọi điện cho anh Hân, nói “Anh ngủ chưa, anh xem thế nào, thằng Huy nó đang dắt bò xuống nhà anh đấy”.

Anh Hân nói “Sao dắt bò xuống muộn thế”, Thương nói “Chắc là nó vừa đi đám cưới về”, anh Hân nói “Ừ, chú cũng xuống xem bò thế nào giúp anh”…Sau đó, Thương nói với Cường “Đưa bò cho thằng Huy dắt để tao với thằng Huy vào bán, hai thằng mày đứng ngoài đợi, bán xong tao với thằng Huy mang tiền ra rồi đi”…

Anh Hân hỏi Huy “Thế bò mày bán bao nhiêu”, Huy nói “Trước cháu mua mười sáu triệu, giờ cháu bán cho chú mười bảy triệu”, anh Hân đồng ý mua và đưa trước cho Huy 2 triệu và nói “Còn lại mai đưa thằng Thương cầm về cho vợ mày chứ”, Huy đồng ý. 

Sau đó Huy cầm 2 triệu cùng Thương đi xe máy ra chở Cường và Thành đi vào Hòa Mạc. Khoảng 10h ngày 24/3/2106, Thương điều khiển xe máy đến nhà anh Hân lấy nốt 15 triệu đồng, đi lên Hòa Mạc gặp Cường, Huy, Thành rồi cùng nhau bắt taxi đi Quất Lâm (Nam Định) chơi. Toàn bộ số tiền 17 triệu Cường, Thương, Huy và Thành đã tiêu xài hết.

Công an vào cuộc điều tra, cho rằng Trương Quốc Cường (sinh ngày 20/10/1997),  Trương Anh Thương (SN 1988), Đỗ Quang Huy (sinh ngày 17/9/1997) và Nguyễn Đức Thành (sinh ngày 14/7/1998) cùng trú tại thôn Tường Thụy 4, xã Trác Văn, huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam bị tuyên phạm tội “Trộm cắp tài sản”. Trong đó, Cường 15 tháng tù; Thương, Huy 8 tháng tù và Thành 7 tháng tù.

Nhiều vi phạm?

Theo ý kiến của thân nhân một số bị cáo trong vụ án, hồ sơ vụ án còn nhiều vi phạm như: Quyết định khởi tố vụ án ngày 24/3, nhưng khi được sửa lại thành ngày 23/3 theo quy định phải được đóng dấu treo; trong hồ sơ không có bút lục của VKS trong quá trình giám sát điều tra vụ án.

Bị hại (ông Chiến) khai 2h ngày 24/3 phát hiện mất bò, nhưng không hiểu căn cứ vào đâu cơ quan điều tra lại cho rằng vụ án xảy ra ngày 23/3 khi chưa bắt được và có lời khai của bị can. Quá trình khám nghiệm hiện trường không thể hiện có sự tham gia của đại diện VKS, không có sơ đồ hiện trường và bản ảnh; chưa có căn cứ khẳng định con bò nặng 250kg, mang thai 5 tháng và màu vàng nhạt?

Bên cạnh đó, việc bắt khẩn cấp đối với Cường và Huy cũng không cần thiết, bởi lẽ vật chứng duy nhất là con bò đã được thu hồi và bị hại quản lý; đồng thời Cường và Huy không có dấu hiệu bỏ trốn, không có điều kiện tiêu hủy chứng cứ.

Việc bắt khẩn cấp Cường và Huy sau khi đã lấy lời khai là vi phạm Điều 83 Bộ luật Tố tụng Hình sự, cũng như việc áp dụng biện pháp tạm giam đối với Cường là không cần thiết vì đây là vi phạm lần đầu, phạm tội ít nghiêm trọng, nhân thân tốt, nơi cư trú rõ ràng, không có dấu hiệu bỏ trốn, cũng như cản trở điều tra. Quá trình gia hạn tạm giữ lần 1, lần 2 không có biên bản ghi lời khai…

Theo phản ánh, thì gia đình ông Chiến và chính quyền địa phương đều không nhận được thông báo về việc khởi tố, tạm giam bị can để điều tra, cũng như trong hồ sơ chỉ có thông báo về việc bắt tạm giữ; không lập biên bản giao nhận bản kết luận điều tra cho bị can; hồ sơ không thể hiện tiền án, tiền sự của bị can…

Có thể thấy, trong vụ án này, theo lời khai của Cường tại phiên tòa thì việc vợ chồng ông Chiến (bố đẻ Cường) mua bò, Cường có đóng góp tiền, cũng như công sức nuôi bò của mình. Tuy nhiên, cơ quan điều tra và tại phiên tòa chưa làm rõ vấn đề này, vì nếu có việc Cường đóng góp thì đây không phải là tài sản riêng của vợ chồng ông Chiến mà là tài sản hợp nhất cần phải làm rõ...

Với những vi phạm nêu trên, người thân các bị cáo hy vọng HĐXX phúc thẩm tới đây đưa vụ án ra xét xử sẽ có những đánh giá khách quan, toàn diện vụ án.