Đâu là những quốc gia đáng sống với người khuyết tật?

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Các quốc gia phát triển trên thế giới có hệ thống an sinh phúc lợi khác nhau dành cho người khuyết tật. Trong khi nguồn kinh phí cho trợ cấp khuyết tật ở Mỹ khá “khiêm tốn” thì Pháp lại được đánh giá là một trong những quốc gia “hào phóng” nhất với người khuyết tật.
Nhiều người khuyết tật có khả năng cạnh tranh trong những công việc chuyên môn cao.
Nhiều người khuyết tật có khả năng cạnh tranh trong những công việc chuyên môn cao.

Cơ hội từ đại dịch

Theo tờ báo Washington Post (Mỹ), nhiều lao động khuyết tật ở Mỹ đã nhận được những cơ hội đáng ngạc nhiên khi đại dịch bùng phát. Việc chuyển sang làm việc tại nhà với thời gian linh hoạt hơn đã khiến người khuyết tật (NKT) có thể chủ động hơn trong công việc bên ngoài môi trường văn phòng truyền thống thông qua công nghệ. Tuy nhiên sau dịch, tính linh hoạt đó đang dần bị mất đi để quay trở lại nếp làm việc như trước đây.

Billie Alexander đến từ thành phố Pittsburgh (bang Pennsylvania) là một nghiên cứu sinh làm việc bán thời gian cho một thư viện công cộng. Tình trạng thể chất và tinh thần của cô đòi hỏi cô phải nghỉ ngơi vài ngày mỗi khi bệnh tái phát. Alexander cho biết: “Tôi đã làm việc tại nhà hơn một năm từ tháng 3/2020 đến tháng 6/2021. Tôi đã phụ trách tổ chức một số sự kiện trực tuyến khá lớn và thành công”.

Tuy nhiên vào tháng sáu, chủ sở hữu lao động đã từ chối cho phép cô tiếp tục làm việc tại nhà và giao lại một số công việc của cô cho các nhân viên khác, cũng như từ chối hầu hết các yêu cầu của cô về chỗ ở, bắt buộc cô phải sử dụng thời gian nghỉ phép có lương của mình cho các cuộc hẹn khám bệnh. Sau đó, Alexander kể từ đó đã kiếm công việc khác mà cô có thể làm việc tại nhà và được trợ cấp chỗ ở.

Một tín hiệu đáng mừng khác trong thời kỳ đại dịch là công nghệ video đã vượt qua thách thức trong việc tạo điều kiện thuận lợi cho mọi thứ, từ hội nghị trực tuyến đến tiệc văn phòng ảo và phỏng vấn việc làm. Marlowe là một người khiếm thính đến từ vùng phía Nam California, cô cũng là một nhà văn và điều phối viên truyền thông. Khi đại dịch bùng phát, Marlowe cho biết, những cuộc họp video trở thành một phần công việc và cô hoàn toàn thoải mái với điều này bởi cô có thể sử dụng các chức năng hỗ trợ như phụ đề để giao tiếp với mọi người dễ hơn. Dù vậy, quá trình đi tìm việc của Marlowe không hề dễ dàng. Marlowe kể lại “một nhà tuyển dụng từng tuyên bố là cực kỳ hào hứng với trình độ của tôi nhưng sau đó lại chặn tôi trên LinkedIn sau khi tôi đề cập đến việc xin trợ cấp nơi ở”.

Olivia Norman sống tại Washington DC và là một người mù mắc bệnh hen suyễn mãn tính. Trong đại dịch, cô đã tìm ra cơ hội cho chính mình, bằng cách xây dựng một trang web thử nghiệm về giới thiệu nghề nghiệp cho những người dùng Internet khiếm thị. Một chức năng trên trang web của cô là chuyển văn bản thành giọng nói. Làm việc trên không gian mạng đồng nghĩa với việc cô sẽ gặp ít rủi ro hơn trong quá trình di chuyển trên các phương tiện công cộng hoặc ngoài đường. Chưa kể, hầu hết các tài xế thường xuyên từ chối phục vụ cô và chú chó dẫn đường của cô.

Cũng giống như Billie và Marlowe, Norman kết thúc hợp đồng lao động trong mùa dịch và cô phải “vật lộn” để tìm việc làm. Các nhà tuyển dụng hầu như đều muốn cắt giảm chi phí, yêu cầu nhiều hơn về người lao động nhưng với mức lương và trợ cấp thấp hơn, nên cơ hội làm việc cho những NKT như cô còn khó khăn hơn. Norman gặp khó khăn khi tìm những nhà tuyển dụng sẵn sàng để cô gắn bó với lịch làm hoàn toàn từ xa hoặc kết hợp nửa làm việc tại văn phòng nửa từ xa. Với sự hỗ trợ tài chính từ cha mẹ và bảo hiểm y tế, Norman có thể làm việc với tư cách một cố vấn công việc cho người khiếm thị tại một cơ quan phục hồi chức năng ở Washington D.C, đồng thời duy trì trang web của mình. “Mọi thứ trông thật khó với thời điểm ban đầu nhưng tôi cứ làm đi làm lại một lần nữa, rồi một lần nữa, cho đến khi cơ hội mở ra với tôi”, cô nói.

Đại dịch đã khiến nhiều người khuyết tật ở Mỹ tìm ra những cơ hội làm việc mới.

Đại dịch đã khiến nhiều người khuyết tật ở Mỹ tìm ra những cơ hội làm việc mới.

Đâu là những quốc gia “hào phóng” nhất với NKT?

Có hai phúc lợi chính mà NKT ở Hoa Kỳ có thể nhận được. Thứ nhất là bảo hiểm Khuyết tật An sinh Xã hội (SSDI) – được tài trợ thông qua các khoản đóng góp trực tiếp từ lương của người lao động và người sử dụng lao động. Ước tính, khoảng 9 triệu lao động khuyết tật hiện đang nhận SSDI. Theo cơ quan an sinh xã hội nước này, lao động khuyết tật có thể được thanh toán bảo hiểm SSDI với giá trị trung bình 1.140 USD mỗi tháng (tương đương khoảng 26 triệu VNĐ). Tuy nhiên, mức bảo hiểm này vẫn thấp hơn nhiều so với mức chi trả của các nước tiên tiến khác, khiến Hoa Kỳ chỉ xếp thứ 30 trong số 34 quốc gia giàu có. Mặt khác, Hoa Kỳ cũng thường xếp hạng chót trong hệ thống các quốc gia phát triển về tỷ lệ phần trăm GDP dành cho trợ cấp khuyết tật.

Thu nhập An sinh bổ sung (SSI) là loại trợ cấp khuyết tật thứ hai, được thiết kế nhằm đáp ứng những nhu cầu cơ bản của những NKT nghèo nhất. Được biết, có khoảng 5 triệu người trong độ tuổi lao động được xét nhận trợ cấp bổ sung, cùng với đó là khoảng 1,3 triệu trẻ em khuyết tật. Trung bình, những người trưởng thành trong độ tuổi lao động hưởng SSI sẽ nhận được 525 USD mỗi tháng (tương đương khoảng 12 triệu VNĐ) và phần lớn đó là nguồn thu nhập duy nhất của họ. Có một số người được trả trợ cấp tàn tật thông qua bảo hiểm y tế công cộng nhưng tiêu chí đủ điều kiện khác nhau giữa các tiểu bang.

Theo tờ Guardian (Anh), hệ thống phúc lợi dành cho NKT của Mỹ được đánh giá là “khá khiêm tốn” so với nhiều quốc gia phát triển khác. Đồng thời, hệ thống này cũng được coi là “nghiêm ngặt nhất trong toàn bộ các nước phát triển” nhằm ngăn chặn những người giả mạo làm NKT để trục lợi. Theo một thống kê, cứ năm người Mỹ thì có một NTK (trên dân số khoảng 320 triệu người).

Có thể thấy rõ điều này khi đặt lên “bàn cân” để so sánh với nước Pháp – đất nước được đánh giá là có hệ thống an sinh xã hội cho NKT tương đối “hào phóng” trong khối quốc gia phát triển. Trợ cấp cho NKT được điều chỉnh theo mức lương trung bình của cá nhân trong khoảng thời gian 10 năm.

Nếu đối tượng NKT có thể làm việc, mức trợ cấp rơi vào khoảng 30% mức lương trung bình của người đó trong suốt một thập kỷ, dao động từ 282 – 951 euro mỗi tháng (7-23,5 triệu VNĐ). Nếu NKT không còn khả năng làm việc, tỷ lệ cao hơn là 50% được áp dụng, ước tính có thể lên tới 1.585 euro (39,3 triệu VNĐ). Những NKT không thể làm việc và cần được chăm sóc cũng sẽ nhận được quyền lợi tương tự như nhóm thứ hai. Tuy nhiên, người chăm sóc cũng sẽ nhận được khoảng 1.100 euro mỗi tháng (27 triệu VNĐ).

Người trưởng thành khuyết tật chưa bao giờ làm việc có thể yêu cầu trợ cấp hàng tháng từ 403 euro (10 triệu VNĐ) cho một người đến 666 euro (16,5 triệu VNĐ) cho một cặp vợ chồng, trong điều kiện họ không có một nguồn tài chính nào trên 800 euro/tháng/người. Nếu người tàn tật đã làm việc dưới một năm và hạn chế về nguồn lực, họ còn có thể yêu cầu các quyền lợi về nhà ở. Trợ cấp dành cho NKT cũng được cung cấp cho các bậc cha mẹ đang chăm sóc trẻ em khuyết tật dưới 20 tuổi đang sống tại nhà. Khoản trợ cấp chi trả cho chi phí giáo dục, công việc của người chăm sóc.

Tuy nhiên, cũng không thể phủ nhận một số lợi ích nhất định từ chế độ an sinh, phúc lợi “khiêm tốn” tại Mỹ. Theo chia sẻ của nhiều NKT ở xứ sở cờ hoa, mặc dù có nhiều rào cản để tiếp cận với công việc, đại đa số NKT không nhận được quá nhiều trợ cấp từ chương trình dành cho NKT. Chính vì vậy, họ vẫn phải “vật lộn” để kiếm kế sinh nhai. Nhưng cũng nhờ vậy, nhiều NKT chia sẻ rằng họ cảm thấy tự lập hơn và không tự ti khi tham gia vào thị trường lao động bởi họ không trở thành “gánh nặng” của hệ thống an sinh xã hội. Nhiều NKT vẫn học đại học, thậm chí trở thành nghiên cứu sinh với những chuyên ngành khó hơn để có thể làm việc tại những công ty, viện nghiên cứu danh giá hơn, có tính cạnh tranh cao hơn.

Công ty Gallup (Mỹ) đã khảo sát trên 150 quốc gia để tìm ra những quốc gia nào “hoan nghênh nhất” đối với những NKT về trí tuệ. Khái niệm về khuyết tật trí tuệ được dựa trên địa nghĩa của Thế Vận hội dành cho NKT (Paralympic Games), tức là những người đáp ứng ba tiêu chí sau: Chỉ số IQ dưới 70-75, hạn chế đáng kể trong ít nhất 2 lĩnh vực kỹ năng, biểu hiện khuyết tật xuất hiện trước 18 tuổi. Theo đó, các quốc gia được đánh giá đáng sống nhất đối với những NKT trí tuệ bao gồm: Hà Lan, New Zealand, Đức, Anh, Áo, Pháp, Uruguay, Tây Ban Nha, Canada, Thụy Điển, Mỹ,…