Phát biểu khai mạc Hội nghị, Chủ tịch QH Nguyễn Thị Kim Ngân – Chủ tịch APPF-26 – điểm lại những kết quả mà APPF đã đạt được kể từ khi Tuyên bố Tokyo được thông qua vào tháng 1/1993 để chính thức thành lập APPF với 15 nghị viện sáng tạo. Theo Chủ tịch QH, Hội nghị APPF-26 diễn ra trong lúc khu vực và thế giới đang chứng kiến những sự thay đổi nhanh chóng và phức tạp, khó lường. “APPF đang ở thời điểm chuyển đổi quan trọng, đặt ra cho các nghị viện thành viên những nhiệm vụ mới và sự cần thiết phải củng cố các thành quả mà APPF đã đạt được, đưa Diễn đàn lên một tầm cao mới”, Chủ tịch QH nói.
Theo Chủ tịch APPF-26, tại Hội nghị lần này, ngoài việc cùng nhau trao đổi các vấn đề an ninh, kinh tế, chính trị, thương mại, hợp tác phát triển, văn hóa – xã hội và môi trường thì một trong những mục tiêu chính của Hội nghị là xây dựng tầm nhìn mới trong giai đoạn tiếp theo sau 25 năm hình thành và phát triển. “Tầm nhìn đó phải được dựa trên mối quan hệ đối tác nghị viện bền chặt hơn và hiệu quả hơn. Chúng ta phải khẳng định những cam kết hành động mới để thúc đẩy mạnh mẽ hơn nữa cơ chế hợp tác trong APPF và giữa APPF với các thể chế trong khu vực vì mục tiêu hòa bình, ổn định và phát triển bền vững, bao trùm”, Chủ tịch QH kiến nghị. Chủ tịch QH cũng tin tưởng rằng APPF-26 tại Hà Nội sẽ đánh dấu một giai đoạn phát triển mới, thực hiện tầm nhìn mới về quan hệ đối tác nghị viện châu Á – Thái Bình Dương vì một APPF hòa bình, sáng tạo và phát triển bền vững, có khả năng thích ứng với những thay đổi nhanh chóng của thế giới và khu vực.
Phát biểu chào mừng tại Lễ khai mạc Hội nghị, Chủ tịch nước Trần Đại Quang cho rằng, trước những cơ hội và thách thức mới nổi lên trong một thế giới toàn cầu hóa và số hóa, APPF cần tiếp tục đi đầu thúc đẩy đối thoại và hợp tác đa phương, xây dựng một tương lai chung tốt đẹp hơn cho châu Á - Thái Bình Dương. “Chỉ bằng cách xây dựng quan hệ đối tác nghị viện có trách nhiệm vì hòa bình và phát triển bền vững, Diễn đàn mới có thể khẳng định vai trò trong cấu trúc khu vực đa tầng nấc”, Chủ tịch nước nói.
Trong đó, Chủ tịch nước cho rằng ưu tiên hàng đầu phải là duy trì môi trường hòa bình, ổn định ở khu vực và trên thế giới, thúc đẩy đối thoại, xây dựng lòng tin, giải quyết các tranh chấp thông qua các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế và các chuẩn mực quốc tế. “Hòa bình và phát triển bền vững luôn đồng hành với nhau. Đó là bài học của chính khu vực chúng ta”, Chủ tịch nước nói.
Cùng với đó, Chủ tịch nước đề nghị các nghị viện châu Á – Thái Bình Dương đẩy mạnh nỗ lực bảo đảm tính bao trùm của phát triển, đi đầu thực hiện các Mục tiêu phát triển bền vững của Liên hợp quốc để không ai bị bỏ lại phía sau… “Thế kỷ 21 được kỳ vọng là thế kỷ của châu Á - Thái Bình Dương, nơi hội tụ những nền kinh tế năng động hàng đầu thế giới. Cùng với các cơ chế khu vực, như Diễn đàn APEC, Cộng đồng ASEAN, Hội đồng Hợp tác kinh tế Thái Bình Dương (PECC)…, APPF cần tích cực đóng góp xây dựng tầm nhìn mới của châu Á - Thái Bình Dương, thúc đẩy hợp tác đa phương, phát huy vai trò là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong kỷ nguyên số. Đây chính là tiền đề cho sự phát triển bền vững của các nước thành viên Diễn đàn nói riêng và khu vực nói chung trong tương lai”, Chủ tịch nước nói.