Đầu ngực người phụ nữ lở loét, bốc mùi hôi thối do đắp thuốc chữa ung thư

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Người phụ nữ 39 tuổi tại Sơn La bị biến dạng, sùi loét đầu vú do đắp thuốc Nam điều trị ung thư.
Khối u vú của bệnh nhân lở loét, bốc mùi hôi thối do đắp thuốc nam chữa bệnh.
Khối u vú của bệnh nhân lở loét, bốc mùi hôi thối do đắp thuốc nam chữa bệnh.

Bệnh nhân là chị C. T. T, phát hiện mình mắc u vú trái cách đây hơn một năm và được bác sĩ tư vấn nhập viện để phẫu thuật cắt tuyến vú trái. Nhưng vì lý do cá nhân chị T. xin ra viện và về nhà đi đắp thuốc nam, sau một thời gian đắp thuốc khối u ngày càng to, biến dạng sùi loét và chảy máu nhiều làm cho sức khỏe ngày càng giảm sút, ăn uống kém và sút cân.

ThS. BS Quách Thanh Tùng (BVĐK tỉnh Sơn La), người điều trị trực tiếp cho bệnh nhân T cho biết, sau khi thăm khám và làm các xét nghiệm, chị T được chẩn đoán K vú trái.

Các bác sĩ tiến hành hội chẩn và thống nhất phương pháp tối ưu điều trị cho bệnh nhân là tiến hành phẫu thuật cắt bỏ khối u vú trái, nạo vét hạch và chuyển vạt da tự thân che phủ tổn thương. Sau phẫu thuật, hiện tại sức khỏe bệnh nhân ổn định.

"Thuốc nam đắp lên vú không thể điều trị được khối u hay làm tiêu u như nhiều người vẫn nghĩ. U ở vú có thể là u lành hoặc u ác và thường thì khối u còn do ảnh hưởng của nội tiết trong cơ thể. Khi phát hiện và được chẩn đoán ung thư vú, người bệnh không nên quá lo lắng, mà cần tuân thủ đúng cách điều trị", BS Tùng khuyến cáo.

BS Tùng khuyên, người dân khi phát hiện thấy dấu hiệu bất thường cảnh báo nguy cơ ung thư cần đến cơ sở y tế nơi gần nhất để được thăm khám và điều trị kịp thời, tránh biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.

Như trường hợp của bệnh nhân trên, người bệnh không tuân theo y lệnh của bác sĩ, tự ý điều trị sai cách, hậu quả là người bệnh bị bỏ lỡ giai đoạn đầu trong điều trị, ung thư chuyển sang giai đoạn muộn hơn, khiến việc chữa trị gặp rất nhiều khó khăn.

Đối với các chị em phụ nữ, đặc biệt là phụ nữ trên 35 tuổi cần thường xuyên đi khám sức khỏe định kì để có thể sớm phát hiện ra bệnh. Khi mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh cần đến các bệnh viện có chuyên khoa về ung bướu. Tránh tình trạng tự điều trị khi không có chỉ định của bác sĩ khiến bệnh diễn biến nặng hơn gây nguy hiểm cho người bệnh.

Riêng đối với những trường hợp trong gia đình có tiền sử người thân bị các bệnh ung thư thì nên tầm soát ung thư vú định kỳ, nhất là phụ nữ ở tuổi ngoài 40 nên tầm soát ung thư vú 6 tháng/lần.

Ung thư vú có thể bao gồm các triệu chứng sau: Cục u không đau ở vú; Ngứa và phát ban kéo dài quanh núm vú; Chảy máu hoặc tiết dịch bất thường ở núm vú; Vùng da trên vú sưng và dày lên; Vùng da trên vú sần vỏ cam hoặc nhăn nheo; Núm vú bị tụt hoặc lõm vào trong; Vùng nách sưng, đau hoặc có u;...

Yếu tố nguy cơ gây ung thư vú, bạn cần lưu ý:

- Độ tuổi: Ung thư vú có thể gặp ở mọi lứa tuổi, đặc biệt là những phụ nữ trên 45 tuổi. Đặc biệt, những phụ nữ không sinh con và sinh con đầu lòng sau độ tuổi 30 có nguy cơ mắc ung thư vú cao hơn những người bình thường.

- Bản thân mắc bệnh lý về tuyến vú: như xơ vú, áp – xe – vú… nếu không được điều trị kịp thời sẽ dẫn đến những tổn thương khó hồi phục ở vùng vú và tiến triển thành ung thư.

- Yếu tố di truyền: trong gia đình nếu có bà, mẹ hay chị gái mắc ung thư vú thì tỷ lệ mắc ung thư vú của cá nhân đó sẽ cao hơn. Phần lớn các trường hợp ung thư vú do di truyền thường từ 2 gen BRCA1 và BRCA2. Những phụ nữ có đột biến gen BRCA1 và/hoặc BRCA2 có thể có đến 80% nguy cơ mắc bệnh.

- Người từng bị ung thư như ung thư buồng trứng, phúc mạc, vòi trứng hoặc đã từng xạ trị vùng ngực cũng có nguy cơ bị ung thư vú cao.

- Phụ nữ dậy thì sớm (trước 12 tuổi) và mãn kinh muộn (sau 55 tuổi) cũng có nguy cơ mắc bệnh ung thư vú cao hơn người khác. Nguyên nhân là do những phụ nữ này chịu tác động lâu dài của hormone estrogen và progesterone.

- Béo phì cũng là một yếu tố làm tăng nguy cơ mắc bệnh ung thư vú. Nguyên nhân là do phụ nữ bị béo phì thường sản sinh ra nhiều estrogen hơn so với phụ nữ khác. Béo phì không chỉ làm tăng nguy cơ dẫn đến ung thư vú mà còn làm gia tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch, mỡ máu và các bệnh ung thư khác như ung thư buồng trứng, ung thư đại trực tràng, ung thư gan,…

- Lối sống và sinh hoạt thiếu khoa học: Chế độ ăn uống nhiều calo trong khi cơ thể lười vận động sẽ làm lượng mỡ thừa trong cơ thể tăng cao dẫn đến béo phì và làm tăng nguy cơ mắc ung thư vú. Ngoài ra, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, căng thẳng kéo dài cũng dễ dẫn đến ung thư vú.

- Phơi nhiễm phóng xạ: Tuy lượng phơi nhiễm từ tia X là rất thấp nhưng nữ giới cũng cần hạn chế tiếp xúc với môi trường phóng xạ để tránh nguy cơ mắc bệnh.

Đọc thêm