Dự kiến đấu thầu 16.800 lượng vàng miếng
Tại cuộc họp báo thông tin kết quả hoạt động ngân hàng quý I/2024 tổ chức ngày 19/4, ông Đào Xuân Tuấn, Vụ trưởng Vụ Quản lý ngoại hối (NHNN) cho biết, thời gian qua, NHNN đã có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về công tác đấu thầu vàng miếng SJC đã sản xuất và có sẵn trong kho, phiên đấu thầu sẽ được tổ chức vào ngày 22/4. Chiều cùng ngày, NHNN đã thông báo rộng rãi việc đấu thầu bán vàng miếng trên trang thông tin điện tử của NHNN và thông báo trực tiếp đến 15 tổ chức tín dụng (TCTD) và doanh nghiệp (DN) đủ điều kiện để tham gia đấu thầu vàng. Dự kiến, thời gian tổ chức đấu thầu vào 10h sáng ngày 22/4.
Tuy nhiên, trước phiên đấu thầu diễn ra theo dự kiến, NHNN thông báo do không có đủ số lượng thành viên đăng ký dự thầu và chuyển tiền đặt cọc đúng quy định nên NHNN đã hủy thông báo đấu thầu này.
Để tiếp tục thực hiện quyết liệt giải pháp đấu thầu bán vàng miếng tăng cung ra thị trường, NHNN sẽ triển khai đấu thầu vàng miếng vào sáng 23/4 và đã thông báo rộng rãi đến các TCTD và DN đủ điều kiện để đăng ký dự thầu và đặt cọc.
Về cơ bản, nội dung thông báo đấu thầu ngày 22/4 không khác so với thông báo ban hành hôm 19/4 ngoài giá tham chiếu. Theo đó, phiên đấu thầu sẽ diễn ra vào 9h sáng 23/4, với tổng khối lượng vàng miếng dự kiến là 16.800 lượng; khối lượng vàng miếng của một lô giao dịch là 100 lượng. Loại vàng đấu thầu là vàng miếng SJC do NHNN tổ chức sản xuất.
NHNN nêu rõ tỷ lệ đặt cọc khi tham gia đấu thầu là 10%, giá tham chiếu để tính giá trị đặt cọc là 80,70 triệu đồng/lượng (Thông báo ngày 19/4 là 81,80 triệu đồng/lượng). Bên cạnh đó, khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu chính là khối lượng đặt thầu dự kiến của mỗi thành viên. Khối lượng đấu thầu tối thiểu một thành viên được phép đặt thầu là 14 lô tương đương 1.400 lượng, khối lượng tối đa là 20 lô tương đương 2.000 lượng. Bước giá dự thầu là 10.000 đồng/lượng, khối lượng dự thầu là 1 lô tương đương 100 lượng. NHNN cũng quy định mỗi thành viên dự thầu chỉ được đăng ký 1 mức giá tối thiểu bằng hoặc cao hơn giá sàn do NHNN công bố.
Giải pháp mấu chốt để ổn định thị trường vàng là gì?
Trước đó, trao đổi với báo chí bên lề Hội thảo khoa học quốc gia kinh tế Việt Nam năm 2023 và triển vọng năm 2024 do Trường Đại học Kinh tế Quốc dân (NEU) tổ chức, GS. Trần Thọ Đạt, Chủ tịch Hội đồng Khoa học và Đào tạo của NEU cho rằng, nếu Nhà nước cung ứng lượng vàng dự trữ để đấu thầu sẽ không phải là lượng lớn nhưng cũng có tác động vào thị trường,sẽ giảm bớt mất cân đối cung - cầu.
Theo chuyên gia này, có thể qua vài lần đấu thầu, giá vàng sẽ “hạ nhiệt”, như vậy NHNN sẽ không cần phải áp dụng biện pháp đấu thầu để điều tiết thị trường nữa, mà chỉ cần cơ chế cấp hạn ngạch nhập khẩu đối với thị trường để DN kinh doanh vàng có nguồn nguyên liệu sản xuất, kinh doanh… “Thông qua việc đấu thầu, NHNN thể hiện quan điểm tăng cung và không độc quyền vàng miếng nữa. Như vậy, đã có sự cải thiện chênh lệch giá vàng trong nước và thế giới”, GS. Trần Thọ Đạt nhận định.
Tại Diễn đàn thị trường tài chính 2024, TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia kinh tế trưởng BIDV, Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia thì cho rằng, NHNN cho vận hành nghiệp vụ đấu thầu vàng miếng trở lại nhằm tăng tính công khai, minh bạch và tăng nguồn cung vàng trong nền kinh tế, để qua đó giảm chênh lệch giá giữa trong nước và quốc tế cũng như chênh lệch giữa giá vàng SJC với giá vàng của các thương hiệu khác. Tuy nhiên, theo TS. Cấn Văn Lực, cơ quan quản lý vẫn phải cho phép nhập khẩu một lượng vàng nhất định vì nguồn vàng sản xuất trong nước không nhiều. Cụ thể, khối lượng nhập khẩu là bao nhiêu thì các cơ quan quản lý và các Bộ, ngành có liên quan sẽ phải tính toán để phù hợp với thời điểm hiện tại. “Phải làm sao vừa kiểm soát cung - cầu, vừa bảo đảm dự trữ ngoại hối của Việt Nam, qua đó góp vào ổn định tỷ giá, kinh tế vĩ mô…”, lời ông Lực.