Dấu tích cổ tự trên núi Thần Đinh

(PLO) - Trên núi cao ở xã Trường Xuân (Quảng Ninh, Quảng Bình) có ngôi chùa cổ được dựng cách đây hơn ba thế kỷ đã bị chiến tranh và thời gian tàn phá. 
 
 Đường lên núi Thần Đinh (Hình:tinhte.vn)
Đường lên núi Thần Đinh (Hình:tinhte.vn)

Dấu tích trên 1220 bậc đá 

Đến Cầu Long Đại nằm sát đường Hồ Chí Minh nhánh Đông thuộc xã Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh, tỉnh Quảng Bình), du khách sẽ thấy núi Thần Đinh sừng sững chót vót ở phía Tây Nam. 

Theo hướng Bắc – Nam, chừng 4km nữa, gặp ngã tư, rẽ theo nhánh phải, tuột một dốc dài, du khách sẽ đặt chân đến xã Trường Xuân. Con đường bê tông chạy dài sẽ đưa khách du xuân đến tận chân núi Thần Đinh. Hòn núi đá vôi cây xanh bao phủ, chỉ nhô rõ dáng đá ở những chỗ vách cao dựng đứng.

Đường vào chùa Kim Phong phía tả ngạn và đường lên núi Thần Đinh nườm nượp khách lên và xuống. Ai cũng được phát một chiếc gậy để chống khi lên và tự hoàn trả lại nơi nhận khi xuống núi. 

Theo bảng hướng dẫn, đề nghị của Phòng Văn hóa – Thông tin và Du lịch thuộc UBND huyện, mỗi khách lên núi giúp đỡ mang theo một viên gạch có sẵn ở chân núi, cho việc tích lũy vật liệu trùng tu ngôi chùa cổ nhanh hơn. Du khách đều thuận lòng, ai cũng bỏ vào xắc, xách, túi của mình ít nhất một viên gạch hai lỗ, dù cuộc leo núi sẽ phải leo 1220 bậc đá.  

Bậc đá nào cũng đã rêu phong lì lợm. Năm 2004, huyện Quảng Ninh kết hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch Quảng Bình, vì một di tích lịch sử và nhu cầu du lịch văn hóa, đã dốc sức trùng tu lại các bậc đá trên cơ sở cũ có từ trước năm 1701.

Đường lên thỉnh thoảng nhô ra một khoảng trống cho khách leo núi dừng chân lấy sức. Không gian thoảng mùi ẩm mục của lá pha trong hương của hoa cây rừng. Đến giữa đường lên, qua quãng trống của các đọt cây phía dưới, khách có thể thấy nhánh sông Long Đại như một dải lụa ngoằn ngoèo cùng bức tranh xanh màu lúa, màu cây. 

Một ngôi mộ nhỏ sát đường đang lửng lơ khói nhang lẫn vào mờ ảo khói mây. Xen giữa các phiến đá xanh là những hòn đá bạc len lỏi. Có lẽ đó là dấu tích con đường lên núi năm xưa còn sót lại của các phật tử và các vị chân tu. Khách gần xa đều thầm phục người xưa đã kỳ công biết bao để mở đường lên núi cho mình, cho con cháu đời sau.

Đến bãi bằng gần trên đỉnh núi, du khách thở phào nhẹ nhõm kết thúc cuộc leo núi. Ở đây, theo sách sử ghi lại, từng có một ngôi chùa sáu gian. Trải qua bao năm tháng, nay chỉ còn một phần phế tích. Khách đơm cỗ mang theo và thắp nhang khấn vái mong Phật tổ phù hộ độ trì gặp nhiều may mắn. 

Gần bãi chùa là giếng tiên trong vắt. Khách viếng chùa cùng đua nhau đến thắp nhang hai ngôi mộ cổ bằng đá còn sót lại. Người thì bảo đây là mộ hai vị sư từng kệ kinh trong chùa, lúc chết đã hạ thân ở đây. Có người lại bảo đó là mộ của người ngưỡng đạo mà tuổi cao, cố leo lên đây, rồi cảm mạo, không thể đưa xác xuống núi hoàn gia.

Dấu tích trong sử sách

Chùa cổ trên đỉnh núi Thần Đinh có tên chùa Kim Phong. Tiến sĩ Dương Văn An thời nhà Mạc trong “Ô châu cận lục”, “Đại Nam nhất thống chí” của sử quán Triều Nguyễn (thế kỷ XVIII), từng có những dòng viết về ngôi chùa này. 

Theo đó, chùa xây vào năm Chính Hòa thứ 4, đời vua Lê Huy Tông (1680 – 1705), tức vào năm 1701, do thầy An Khả trụ trì. Sau bao năm chiến tranh hai họ Trịnh – Nguyễn, chùa hư hỏng, không ai trông coi tu sửa. 

Khi Gia Long lên ngôi vua, vào năm 1809, đại sư Trần Gia Hội, người xã Đức Ninh (Đồng Hới bây giờ) tu ở chùa Thiên Mụ (Kinh đô Huế) ra Quảng Bình, vận động nhân dân trong vùng xây lại chùa. 

Chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh nên nhiều người gọi tên là chùa Thần Đinh. Cùa cũng ở trên núi cao nên còn có tên là Chùa Non. Ba thế kỷ nay, nhiều người đã đến đây cố leo lên vãn cảnh.

“Đại Nam nhất thống chí” (Quyển III) ghi về chùa và núi Thần Đinh như sau: “Núi Thần Linh ở cách huyện Phong Lộc (tức TP. Đồng Hới ngày nay) 200 dặm về phía Nam, núi đá cao chót vót... Trên núi có chùa gọi là chùa Kim Phong. Cạnh chùa có đất có thể trồng hoa. Sườn núi có động sâu thẳm rộng rãi, cửa động nhỏ hẹp, phải nghiêng mình mà vào một hồi mới rộng. Trong động hai tầng, đá xếp đặt hệt như bàn ghế, có viên đá giống như Phật, lại có thạch nhũ trùng điệp rũ xuống”. 

Sách cũng viết: “Trước động, về phía tả lại có một động, thạch nhũ trong động chỗ ẩm chỗ lạnh, có chỗ như cái tán vàng, có chỗ như hình voi, về phía hữu có hai động, gọi là chuông và trống. Trong ấy, đá rỏ xuống, gõ vào thành tiếng như chuông trống nên gọi thế. Ngoài động có giếng đá, nước ngọt, không bao giờ cạn”.

Tương truyền chùa Kim Phong trên núi Thần Đinh có một quả chuông lớn. Hoàng hôn và bình minh, các sư trong chùa thỉnh chuông, dư âm rung trong không gian, tỏa khắp núi rừng hoang sơ, tạo nên không khí linh thiêng, tĩnh mặc. Quả chuông chùa ấy, nghe nói đang hiện diện ở một ngôi chùa ở Đồng Hới.

Du khách thắp nhang trước dấu tích chùa trên đỉnh núi Thần Đinh (Hình:tinhte.vn)

 Du khách thắp nhang trước dấu tích chùa trên đỉnh núi Thần Đinh (Hình:tinhte.vn)

Gian nan phục dựng  

Vì tầm vóc, giá trị lịch sử văn hóa, nên từ năm 2004, tỉnh Quảng Bình và huyện Quảng Ninh đã có hành động. Ngày 18/8/2004, di tích núi Thần Đinh được UBND tỉnh ra quyết định xếp hạng bảo vệ và tôn tạo. Nguồn vốn Nhà nước bấy giờ với 200 triệu chỉ vừa đủ tôn tạo lại các bậc đá từ chân lên đỉnh núi. 

Để đáp ứng nguyện vọng của nhân dân, đặc biệt các tăng ni, phật tử trong vùng, tỉnh sau đó đầu tư kinh phí, cùng sự hỗ trợ của các nhà hảo tâm, xây dựng chùa Kim Phong rộng năm gian phía tả ngạn dưới chân núi Thần Đinh, để những người ngưỡng Phật đến viếng lễ, thỉnh kinh. Chùa do thượng tọa Thích Trung Sơn trụ trì.  

Còn việc xây dựng lại ngôi chùa trên đỉnh núi Thần Đinh, theo Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Viết Ánh, đó là việc rất cần làm, nhưng gặp không ít gian nan. 

“Ngày xưa người xưa tự nung vôi tại chỗ rồi lấy đá tại chỗ tự xây chùa. Thế nên tuổi thọ chùa không được lâu dài. Muốn có chùa xây tồn tại vĩnh cửu, phải có vật liệu hiện đại: Cát, xi măng, sắt thép, gạch ngói và điện. Những thứ này vận chuyển lên 1220 bậc đá sẽ tốn vô cùng nhiều kinh phí, địa phương chưa thể tìm ra. Trước mắt, UBND huyện thỉnh nguyện mỗi khách khi lên núi thì mang theo một hòn gạch hai lỗ đã được tập kết dưới chân núi”, ông Ánh cho hay.

Cũng theo ông Ánh, dịp Tết Bính Thân 2016, có hơn 20 ngàn lượt người đã đến viếng chùa Kim Phong, leo núi Thần Đinh thưởng ngoạn. Địa phương đã chủ trương xã hội hóa giao cho các gia đình trong vùng phục vụ các nhu cầu của khách, đồng thời có nhiệm vụ làm vệ sinh môi trường, bảo vệ cảnh quan của núi. Sắp tới địa phương sẽ công bố dự án phục dựng chùa cổ trên núi Thần Đinh.

Hy vọng một ngày không xa, ngôi chùa cổ trên đỉnh núi cao Thần Đinh sẽ được xây dựng, trong đó có công sức ôm gạch lên núi của mỗi du khách.

Theo truyền thuyết, núi Thần Đinh là ngọn núi đá vôi cuối cùng trong mạch chạy từ một nước châu Á về nước ta. Trên núi có nhiều hang động, đặc biệt động Chuông, động Trống. Khi có ai gõ vào hoặc những cơn gió thổi qua làm vang lên âm thanh như trống đánh, chuông gõ. Trong động có nhiều thạch nhũ với nhiều hình dạng có cả dáng tiên, hình Phật.  

Bao câu chuyện thực hư gắn với núi Thần Đinh, trong đó có truyền thuyết trụ trì chùa thời xưa, sư thầy An Khả, là người thông minh, tài trí, khí chất hiền hòa, tăng ni phật tử đều mến mộ.  

Khi lâm chung, thầy gượng sức tâm sự đôi lời và cắt một ngón tay út để lại cho phật tử. Ngón tay được gói ghém, đặt vào tráp thờ, lạ thay không hề thối rữa.

Truyền thuyết cho rằng núi Thần Đinh là nơi kết thúc của mạch đá vôi chạy dài hàng ngàn cây số. Ứng số với kiếp luân hồi, sư thầy sau đó hóa kiếp làm hoàng đế một triều đại ở một nước châu Á sau này.