Đấu tranh, ngăn chặn để bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng

(PLVN) - Ngày 8/12, tại Hà Nội, Bộ Công an phối hợp với Nhà Xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật, tổ chức Hội thảo khoa học cấp quốc gia “Bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng”.
Các đồng chủ trì Hội thảo.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa khẳng định, đảm bảo chủ quyền quốc gia trên không gian mạng chính là bảo vệ chủ quyền quốc gia - dân tộc. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước ta đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách nhằm bảo đảm an toàn, an ninh thông tin, góp phần quan trọng bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Đường lối, quan điểm đó của Đảng đã được cụ thể hóa bằng các chiến lược như: Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trên không gian mạng; Chiến lược bảo vệ biên giới quốc gia; Chiến lược an ninh mạng quốc gia; Luật An ninh mạng...

Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương cho rằng, với tốc độ phát triển internet như hiện nay, ngoài những tác động tích cực, các thế lực thù địch còn lợi dụng các ứng dụng mạng viễn thông, công nghệ số để tuyên truyền những tư tưởng sai trái, thù địch, nhằm chia rẽ khối đại đoàn kết toàn dân tộc, làm suy giảm niềm tin của cán bộ, đảng viên và nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ.

Vì vậy, các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có an ninh mạng và nhiệm vụ bảo đảm chủ quyền quốc gia trên không gian mạng có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Với ý nghĩa như vậy, theo ông Nghĩa, Hội thảo sẽ thiết thực góp phần làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn về chủ quyền quốc gia trên không gian mạng trong tình hình mới được đề cập trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng; phát huy vai trò và sự phối hợp của các bộ, ban, ngành Trung ương và địa phương, đặc biệt là lực lượng Công an trong thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.

Các đại biểu dự Hội thảo đã cùng làm rõ hơn những khía cạnh của vấn đề bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng, góp phần xây dựng không gian mạng an toàn ở Việt Nam; là cơ sở quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội đất nước và bảo vệ vững chắc chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kết luận Hội thảo, bàn về nhiệm vụ thời gian tới, Giáo sư, Tiến sỹ, Đại tướng Tô Lâm - Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị lực lượng Công an cần tiếp tục tập trung triển khai có hiệu quả các chủ trương, nghị quyết, chỉ thị của Đảng và Bộ Công an về ứng dụng, phát triển công nghệ thông tin đi đôi với bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Phối hợp với các cơ quan, đơn vị trong và ngoài lực lượng Công an hoàn thiện chính sách, pháp luật và nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thông tin, truyền thông và an ninh mạng.

Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh, tiếp tục tăng cường thực hiện các giải pháp bảo đảm an ninh mạng và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên không gian mạng. Triển khai đồng bộ các giải pháp để bảo đảm an ninh mạng cho hệ thống thông tin quan trọng về an ninh quốc gia; phát hiện, đấu tranh ngăn chặn sớm hoạt động tấn công mạng, gián điệp mạng, âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, phản động trên mạng.

Bộ trưởng Tô Lâm yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo về công nghệ thông tin và an ninh mạng tại các cơ sở đào tạo trong Công an nhân dân, đồng thời đẩy mạnh hợp tác với các quốc gia, các trường đại học, các tập đoàn công nghệ tiên tiến trên thế giới để tiếp thu công nghệ mới và kinh nghiệm bảo đảm an ninh mạng.

Hoàn thiện các chính sách nhằm khuyến khích, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của ngành trong nghiên cứu khoa học, phát triển và ứng dụng công nghệ thông tin và an ninh mạng... Tăng cường tuyên truyền, phổ biến, nâng cao nhận thức, cảnh giác của người dân trong phòng ngừa tội phạm và vi phạm pháp luật về an ninh mạng...

Đề cập 5 vấn đề liên quan đến nội dung Hội thảo, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc nhấn mạnh, trước hết cần nâng cao nhận thức về không gian mạng và không gian mạng quốc gia; an ninh mạng, an toàn thông tin và tác động của an ninh mạng, an toàn thông tin đối với an ninh quốc gia của các nước trên thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng; chủ quyền quốc gia và phạm vi chủ quyền quốc gia trên không gian mạng.

Cùng với đó, xác định rõ thuận lợi, khó khăn, thách thức trong bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng; trách nhiệm, thẩm quyền bảo vệ chủ quyền quốc gia trên không gian mạng của công dân, tổ chức, cá nhân, lực lượng chuyên trách...

Đọc thêm