Đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị - Nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết không thể xem nhẹ

(PLVN) - Đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam hiện nay là một nhiệm vụ quan trọng, cấp thiết; đồng thời, cũng là nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài không thể xem nhẹ trong quá trình đổi mới, xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, nhất là trong tình hình quốc tế phức tạp hiện nay.
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam: Lý luận - Thực tiễn” vừa được tổ chức tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hoàng).
Quang cảnh Hội thảo khoa học “Nhận diện và đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị ở Việt Nam: Lý luận - Thực tiễn” vừa được tổ chức tại Hà Nội. (Ảnh: Hoàng Hoàng).

Biểu hiện và tác hại của cơ hội về chính trị

Cơ hội chính trị có nhiều cấp độ biểu hiện, có những người do hạn chế về nhận thức, thiếu thông tin hoặc tiếp nhận thông tin từ những kênh không chính thống, bị kẻ xấu lợi dụng, đứng trước các sự kiện phức tạp về chính trị - xã hội thường tỏ ra dao động, thiếu tự chủ, mất niềm tin, mất phương hướng, hành động lệch chuẩn, gián tiếp tiếp tay cho các thế lực thù địch. Bộ phận khác do “công thần”, sống vụ lợi, ích kỷ, thiếu tu dưỡng rèn luyện, khi lợi ích cá nhân không được đáp ứng, thể hiện và biểu lộ công khai quan điểm bất mãn. Họ thường nói và làm trái với quan điểm của Đảng, gây tâm trạng hoang mang, mất niềm tin và phân tâm trong xã hội.

Tuy chưa câu kết, móc nối với các phần tử cơ hội cực đoan, bọn phản động và các thế lực thù địch, nhưng bộ phận này xét về cả trước mắt và lâu dài, nếu không có biện pháp ngăn chặn hiệu quả sẽ rất bất lợi cho sự nghiệp cách mạng của Nhân dân ta. Đáng chú ý là nhóm cơ hội chính trị cực đoan. Nhóm này thường bộc lộ công khai tư tưởng bất mãn, chống đối. Họ triệt để khai thác các khiếm khuyết của cơ chế, chính sách, lợi dụng những người có địa vị, uy tín cá nhân nhưng bất mãn hoặc đã từng bị xử lý, nhằm tạo dựng ngọn cờ, tập hợp lực lượng, công kích chính diện vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, vào chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh - nền tảng tư tưởng của chế độ ta - với động cơ và mục đích không lành mạnh, gieo rắc tâm trạng hoài nghi, tư tưởng bất mãn, chống đối, tạo hạ tầng xã hội bất lợi phục vụ cho mưu toan bạo loạn, lật đổ khi có đủ các điều kiện.

Nhóm đặc biệt nghiêm trọng là nhóm có khuynh hướng tạo phản. Nhóm này gồm các phần tử cơ hội chính trị cực đoan cộm cán. Họ thường là những nhân sỹ trí thức lớn, cán bộ lãnh đạo cấp cao bất mãn, thủ lĩnh các dân tộc và tôn giáo ở những vùng đặc biệt nhạy cảm. Họ âm thầm nhen nhóm, tập hợp lực lượng, tạo dựng ngọn cờ, tìm cách móc nối với các thế lực thù địch bên ngoài công khai chống phá cách mạng; đối lập với sự nghiệp cách mạng của Nhân dân, của Đảng.

Trong các nhóm nêu trên, nguy hại hơn cả là những phần tử cơ hội chính trị đang đương chức.

Giải pháp đấu tranh phòng, chống cơ hội chính trị

Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn.

Đại tá, PGS.TS Bùi Đình Bôn.

Thứ nhất, phải thường xuyên làm tốt công tác phòng ngừa. Theo đó, cần nâng cao hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy; tích cực, chủ động và thường xuyên giáo dục cho cán bộ, đảng viên nâng cao tinh thần cảnh giác cách mạng, kiên định lập trường, lý tưởng chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh. Cán bộ, đảng viên nêu cao ý thức tự rèn luyện, tự bảo vệ mình trong sạch về chính trị và phẩm chất đạo đức; tích cực đấu tranh phê phán những quan điểm, tư tưởng sai trái, thù địch, phản động.

Trong công tác cán bộ, cần thực hiện nghiêm các chế độ, quy chế, thủ tục quản lý cán bộ, đảng viên, kỷ luật phát ngôn; quy chế, quan hệ với người nước ngoài, bảo vệ tài liệu bí mật của Đảng và Nhà nước; quy chế cử cán bộ đi tham quan, đi học, đi công tác và tiếp xúc với nước ngoài. Bảo vệ sự trong sạch chính trị nội bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo cấp chiến lược và cán bộ lãnh đạo chủ chốt trong hệ thống chính trị, không để các phần tử chống đối và cơ hội chính trị lọt vào hàng ngũ của Đảng. Đồng thời, nâng cao chất lượng cán bộ, đảng viên, không để những cán bộ, đảng viên có biểu hiện cơ hội chính trị chui sâu, leo cao. Muốn vậy phải “thường xuyên sàng lọc đảng viên, kiên quyết đưa những người không đủ tiêu chuẩn ra khỏi Đảng. Khai trừ những đảng viên thoái hoá về chính trị, tư tưởng, đạo đức lối sống, tham nhũng, lãng phí, quan liêu, cố tình vi phạm kỷ luật Đảng và pháp luật của Nhà nước”.

Thứ hai, phát hiện, đấu tranh ngăn chặn và xử lý kịp thời những đối tượng cơ hội chính trị. Phát huy sức mạnh tổng hợp và nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các lực lượng chuyên ngành nhằm phát hiện kịp thời và đấu tranh hiệu quả với hoạt động phá hoại của đối tượng cơ hội chính trị. Chủ động phát hiện và đề nghị xử lý kịp thời những phần tử cơ hội, thoái hóa, biến chất bị địch mua chuộc, cài cắm vào nội bộ.

Nâng cao hiệu quả các biện pháp nghiệp vụ của lực lượng an ninh, kết hợp giữa giáo dục, thuyết phục, cảm hóa với vô hiệu hóa đối tượng cầm đầu, phân hóa nội bộ và nghiêm trị đối tượng nguy hiểm, vi phạm pháp luật nghiêm trọng. Nâng cao hiệu quả của biện pháp kỹ thuật nghiệp vụ nhằm giám sát hoạt động, ngăn chặn liên lạc, vô hiệu hóa hoạt động tuyên truyền phá hoại tư tưởng của đối tượng cơ hội chính trị trên các phương tiện thông tin - truyền thông, đặc biệt là internet.

Thứ ba, cần nhanh chóng sàng lọc và sớm đưa ra khỏi bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội những phần tử cơ hội chính trị. Đây là những phần tử cực kỳ nguy hại. Do hoạt động lâu năm trong nội bộ ta, họ là người hiểu rất rõ ta mạnh yếu thế nào. Họ có kinh nghiệm giấu mình và đối phó với các cơ quan chức năng của ta. Đối với phần tử cốt cán, cực đoan, quá khích cần tạo điều kiện để các tổ chức chính trị - xã hội và quần chúng nhân dân công khai vạch mặt, chỉ rõ dã tâm đen tối của họ, xử lý nghiêm đúng người, đúng tội theo đúng quy định của pháp luật. Các phần tử cơ hội chính trị khác tùy thuộc vào vị trí đảm nhiệm, địa bàn công tác, hoàn cảnh và điều kiện sống cụ thể mà có các hình thức xử lý thích hợp.

Xử lý các phần tử cơ hội chính trị rất cần thấu triệt tư duy biện chứng, lấy khoan hồng, hòa hiếu làm trọng tâm và là “sợi chỉ đỏ” xuyên suốt. Nghiêm trị đúng người, đúng tội cũng là cách để cảnh tỉnh, cảnh báo răn đe nhằm thu phục cảm hóa, lôi kéo những người lầm lối trở về. Những kẻ cực đoan chọn con đường đối lập “một mất, một còn” thì phải nghiêm trị theo pháp luật; bộ phận còn lại vẫn phải lấy vị tha làm phương thức thu phục cảm hóa. Đó là tinh thần lấy đại nghĩa dân tộc làm trọng, thu hẹp bất đồng, phấn đấu vì sự ổn định và phát triển bền vững của đất nước.

Thứ tư, gắn chặt cuộc đấu tranh ngăn chặn các phần tử cơ hội chính trị với cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; thực hiện triệt để nội quy kiểm soát về quyền lực, hoàn thiện hệ thống cơ chế chính sách, nâng cao trách nhiệm nêu gương của người đứng đầu, của cán bộ, đảng viên

Kiên quyết khắc phục khoảng cách giữa nói và làm. Thực tế cho thấy, tham nhũng là một nhân tố quan trọng làm cho cán bộ tha hóa, biến chất, một khi đã tha hóa, biến chất họ sẽ là lực lượng bổ sung cho “đội quân cơ hội chính trị”. Cơ hội trong hoàn cảnh này dẫn đến phản bội là không có khoảng cách. Cùng với tham nhũng, sự suy thoái về tư tưởng chính trị, sự xuống cấp về đạo đức, lối sống nghiêm trọng kéo dài, buông lỏng việc kiểm soát quyền lực cũng là những tác nhân làm nảy sinh, phát triển các phần tử cơ hội chính trị. Đảng phải thật sự trong sạch, sự trong sạch của Đảng là nhân tố ngăn chặn có hiệu quả các khuynh hướng nảy sinh cơ hội chính trị.

Cùng với đó là sự hoàn thiện cơ chế chính sách, sự đồng bộ giữa cơ chế và hệ thống pháp luật. Đảng thực sự là đạo đức, là văn minh, cơ chế chính sách và hệ thống pháp luật hiện đại và đồng bộ. Đội ngũ cán bộ, đảng viên là những người thực sự tiên phong, gương mẫu và tiêu biểu. Đó là những nhân tố có ý nghĩa quyết định thắng lợi trong cuộc đấu tranh phòng, chống và loại trừ các phần tử cơ hội chính trị ra khỏi đời sống chính trị - xã hội ở nước ta hiện nay.

Nhận diện cơ hội chính trị

Cơ hội là phạm trù rộng dùng để chỉ tất cả những kẻ vì lợi ích của bản thân mình mà tìm mọi cách thích nghi với điều kiện và hoàn cảnh sống nhằm thỏa mãn nhu cầu, lợi ích cá nhân, bất chấp lợi ích của cộng đồng, của xã hội; lấy lợi ích cá nhân làm lý tưởng và lẽ sống.

Cơ hội chính trị là khái niệm dùng để chỉ tất cả những ai dù có hay không có địa vị nhưng sống xu thời, vụ lợi, nặng đầu óc cá nhân chủ nghĩa, không có chính kiến, quan điểm rõ ràng, hoang mang dao động, dễ thỏa hiệp, sẵn sàng thay đổi, luôn luôn biết cách khai thác và triệt để lợi dụng các vấn đề chính trị, xã hội để thỏa mãn nhu cầu và lợi ích cá nhân, bất chấp các hậu quả bất lợi đối với xã hội.

Đọc thêm