Đó là ý kiến được đưa ra tại Hội thảo “Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thực hiện công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí” do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc (UBTW MTTQ) Việt Nam tổ chức sáng nay (6/8).
Không chỉ quyết tâm và bản lĩnh
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn cho biết, trên cơ sở quyền và trách nhiệm của mình, UBTW MTTQ Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội cùng các cơ quan liên quan và Nhân dân được đánh giá là đã chủ động, tích cực phối hợp chặt chẽ cùng Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương, cơ quan chức năng để thực hiện tốt công tác PCTN, lãng phí thực hành tiết kiệm; tích cực phát hiện, đấu tranh với những hiện tượng tham nhũng, tiêu cực; tham gia có hiệu quả vào quá trình cải cách thủ tục hành chính; tích cực tham gia xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh và phát huy mạnh mẽ vai trò làm chủ của Nhân dân.
Tuy nhiên, ông Trần Thanh Mẫn cũng thừa nhận, mặc dù có những cố gắng nhất định, song ý thức về vai trò, trách nhiệm tham gia công tác PCTN của Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp chưa thực sự đáp ứng được mong đợi của người dân.
Toàn cảnh hội thảo |
Cụ thể hơn, theo Phó Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Ngô Sách Thực, hiện nay việc vận động quần chúng nhân dân tham gia đấu tranh PCTNLP còn chưa được quan tâm đúng mức. Chưa có cơ chế hữu hiệu để tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân cũng như các cơ quan báo chí tố giác, phát hiện các hành vi tham nhũng và giám sát hoạt động đối với cơ quan công quyền.
Vấn đề công khai, minh bạch trong hoạt động của các cơ quan nhà nước để nhân dân có thể giám sát hoạt động của cơ quan Nhà nước mới tiến hành được bước đầu. Có nơi vẫn còn tình trạng che giấu thông tin về tham nhũng vì cho rằng đó là vấn đề "nhạy cảm".
Cùng với đó, tổ chức bộ máy và đội ngũ nhân sự cũng như các điều kiện khác để bảo đảm cho hoạt động tham gia đấu tranh PCTNLP của Ủy ban MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội còn rất hạn chế. Chính bởi vậy, theo ông Thực, PCTNLP đòi hỏi không chỉ có quyết tâm, bản lĩnh mà còn phải có điều kiện rất cần thiết là nguồn lực thực hiện, trong đó quan trọng nhất là đội ngũ nhân sự có phẩm chất, trình độ, có nhiệt huyết và sự am hiểu pháp luật.
Đồng quan điểm, ông Huỳnh Đảm, nguyên Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam cũng cho rằng, đội ngũ cán bộ chủ chốt tại MTTQ các cấp phải vững mạnh và được trang bị đầy đủ kiến thức để phát huy vai trò của người đứng đầu trong các chương trình giám sát, phản biện xã hội, đặc biệt là khẳng định vai trò của Mặt trận trong việc giám sát công tác lấy phiếu tín nhiệm với cơ quan chính quyền và UBND các cấp. Khi Mặt trận đại diện cho quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân thì giám sát việc lấy phiếu tín nhiệm là cơ sở chính để bảo vệ quyền và lợi ích cho nhân dân tại mỗi địa phương.
Phải biết lắng nghe dân
Nhấn mạnh đến vai trò của công tác kiểm soát quyền lực nhà nước, nhưng GS, TS Trần Ngọc Đường - nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội dẫn thực tế cho rằng, ngoài Luật MTTQ Việt Nam, các đạo Luật thể chế hóa về quyền dân chủ trực tiếp như Luật bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân, Luật Khiếu nại tố cáo, Luật báo chí,… đều chưa thể chế các quyền dân chủ trực tiếp của công dân như là một phương tiện để kiểm soát quyền lực nhà nước. Vì thế, cơ chế nhân dân kiểm soát quyền lực nhà nước chưa phát huy đầy đủ quyền và trách nhiệm của mình.
Giải quyết “bài toán” này, ông Đường đề nghị cần tiếp tục đổi mới tư duy nâng cao nhận thức về vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam các cấp đối với công tác giám sát, phản biện xã hội nói chung và giám sát, phản biện xã hội trong đấu tranh PCTN nói riêng. Nội dung giám sát của MTTQ không chỉ tập trung vào những vấn đề trực tiếp gắn với các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nhân dân mà trọng tâm cũng phải hướng vào những vấn đề nhân dân quan tâm, bức xúc đang cản trở công cuộc xây dựng ở địa phương. Cụ thể là phải giám sát việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của các cấp chính quyền và của những cá nhân có trách nhiệm trên tất cả các lĩnh vực chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.
Từ thực tế tại địa phương, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Thiện Nhân cho biết, Thành ủy TP.Hồ Chí Minh đã có Quy chế xử lý các thông tin liên quan đến suy thoái, tham nhũng từ 4 nguồn: Mặt trận tiếp xúc cử tri; HĐND tiếp xúc cử tri; nguồn các đơn khiếu nại, tố cáo và các thông tin báo chí đăng. Dựa trên các nguồn thông tin trên, MTTQ và HĐND sẽ tập hợp kiến nghị, chuyển sang Ban thường vụ Thành ủy để phân công xử lý theo từng cấp.
Theo ông Nhân, để công tác PCTNLP đạt hiệu quả cao, cần phải có cơ chế xử lý thông tin để các cơ quan chức năng có quy trình xử lý thông tin một cách hiệu quả. Cùng với đó, “từ nay đến cuối năm 2018, UBTƯ MTTQ Việt Nam đề nghị Ủy ban MTTQ các tỉnh, thành phố giới thiệu ít nhất 1 trường hợp có liên quan đến tham nhũng, lãng phí do Mặt trận kiến nghị giải quyết có kết quả, để từ đó tổng hợp thành một cuốn sách về 63 giải pháp trong đấu tranh PCTNLP, từ đó phát hành rộng rãi đến báo chí và nhân dân, tạo được niềm tin trong nhân dân và khẳng định rõ hơn vai trò của Mặt trận đối với cuộc đấu tranh này”- Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh kiến nghị.
Cám ơn và tiếp thu những ý kiên tâm huyết tại hội thảo, Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn khẳng định, chưa bao giờ chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác này nói chung, về vai trò, quyền, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam nói riêng lại đầy đủ, bảo đảm và thuận lợi như hiện nay.
Chủ tịch UBTW MTTQ Việt Nam Trần Thanh Mẫn phát biểu tại hội thảo |
Người đứng đầu Mặt trận cũng đề nghị Ủy ban MTTQ Việt Nam các cấp và các tổ chức thành viên phải thống nhất về mức độ nghiêm trọng của tình hình tham nhũng ở địa phương, lĩnh vực mình theo dõi, phụ trách; cán bộ MTTQ Việt Nam phải thực sự nâng cao năng lực; gương mẫu, quyết liệt trong công tác, đặc biệt phải có ý chí và hành động trong đấu tranh PCTN; không sợ mất uy tín, không sợ khuyết điểm; phải bản lĩnh, có chính kiến thông qua hoạt động giám sát, phản biện xã hội.
“Phải lắng nghe ý kiến nhân dân, phải biết dựa vào nhân dân, giải thích cho nhân dân hiểu, làm cho nhân dân tin và phải công khai để nhân dân biết, ủng hộ và giám sát, đó mới là chìa khóa mở ra sự thành công trong công tác này thời gian tới.”, ông Trần Thanh Mẫn lưu ý./.