Xây dựng, chỉnh đốn Đảng

Đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân: Chú trọng giáo dục nhận thức, rèn luyện cán bộ, đảng viên

(PLVN) - Theo PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tường (nguyên giảng viên cao cấp Đại học Luật Hà Nội), nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm trong Đảng và trong xã hội ở giai đoạn hiện nay là việc làm vô cùng cấp bách và cấp thiết.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng.
Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn quan tâm chống chủ nghĩa cá nhân trong Đảng.

Mỗi cán bộ, đảng viên phải tự mình chống lại những nhận thức và quan điểm sai trái; không được lầm lẫn giữa sự ủy quyền của nhân dân với quyền lực cá nhân.

Cán bộ, đảng viên, công chức là công bộc của dân

Tham luận tại Hội thảo khoa học “Hành trình khát vọng vì hạnh phúc của nhân dân Việt Nam từ tư tưởng Hồ Chí Minh đến quan điểm của Đảng Cộng sản Việt Nam hiện nay”, do Trường Đại học Luật Hà Nội vừa tổ chức, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tường cho rằng, trong quá trình đẩy mạnh việc học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh giai đoạn hiện nay, Đại hội XIII của Đảng đã nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm.

Ba nhân tố này gắn bó chặt chẽ với nhau và phải gắn liền với “Cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư”, hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân; thực hành phong cách quần chúng, dân chủ, nêu gương, nhất là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp, kết hợp chặt chẽ đạo đức truyền thống với đạo đức cách mạng trong công tác xây dựng Đảng, Nhà nước thực sự trong sạch, vững mạnh.

Đồng thời, Hội nghị Trung ương 4 khóa XIII của Đảng cũng đã bổ sung nhấn mạnh thêm hai nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể là: xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược và người đứng đầu đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ; kiên quyết, kiên trì đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, xử lý nghiêm cán bộ sai phạm.

“Do vậy, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm trong Đảng và trong xã hội ở giai đoạn hiện nay là việc làm vô cùng cấp bách và cấp thiết để không chỉ ngăn chặn, đẩy lùi mà còn chủ động phòng ngừa, kiên quyết đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực, phai nhạt lý tưởng cách mạng, mơ hồ, dao động, thiếu niềm tin, nói trái, làm trái quan điểm, đường lối của Đảng; sa sút về ý chí chiến đấu, thấy đúng không dám bảo vệ, thấy sai không dám đấu tranh”, ông Nguyễn Mạnh Tường nói.

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng căn dặn, nêu cao tinh thần trách nhiệm là phải luôn tích cực, tự giác thực hiện những nhiệm vụ được giao; có ý thức đúng đắn về trách nhiệm của mình trên mọi cương vị, vị trí công tác và nắm vững chính sách, thực hiện tốt đường lối quần chúng. Khi được Đảng, Chính phủ hoặc cấp trên giao cho việc gì, bất kỳ to hay nhỏ, khó hay dễ, cũng phải đưa cả tinh thần, lực lượng ra làm cho đến nơi đến chốn, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, dám nghĩ, dám làm, chủ động sáng tạo để có kết quả cao nhất. Tránh tình trạng làm việc cẩu thả, làm cho có chuyện, dễ làm khó bỏ... Tất cả mọi người, ở mọi địa vị, vị trí công tác, trong mọi hoàn cảnh đều phải nêu cao tinh thần trách nhiệm.

Cho rằng cần phải vận dụng triệt để và phát huy tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nêu trên, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tường nhấn mạnh, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn xác định nỗ lực vượt khó, vươn lên để hoàn thành mọi nhiệm vụ, chức trách được giao. Đặc biệt chú ý tới những loại công việc liên quan trực tiếp tới đời sống hàng ngày của người dân, trong tiếp xúc với dân.

Cán bộ, đảng viên, công chức phải xác định mình là công bộc của dân và cần phải nhận thức sâu sắc rằng đó không chỉ là một chức danh mà là một sứ mệnh - sứ mệnh phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân thật thiêng liêng và cao cả. Cán bộ, đảng viên, công chức là những người tiêu biểu, tiên tiến trong nhân dân, phải nêu gương trước nhân dân.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Tường.

Theo ông Nguyễn Mạnh Tường, nêu cao tinh thần trách nhiệm phải tự mình vượt qua và chống lại những nhận thức và quan điểm sai trái. Cán bộ, công chức không được lầm lẫn giữa sự ủy quyền của nhân dân với quyền lực cá nhân, để dẫn tới chạy quyền, mua quyền, bán quyền, lộng quyền, cửa quyền, tham quyền cố vị… Khi có quyền mà lại thiếu lương tâm thì không thể nói tới phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân mà sẽ trở nên hủ bại, biến thành sâu mọt, đục khoét của dân. Trong điều kiện cơ chế kinh tế thị trường, mỗi cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn cảnh giác, đề phòng giặc “trong lòng” với những hiện tượng nêu trên. Muốn thực hiện tốt tinh thần trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, công chức đối với Tổ quốc, với nhân dân không thể tách rời cuộc đấu tranh trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chống thói vô cảm trước những vất vả, khó khăn của nhân dân.

Đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh

Hiện nay, tình hình thế giới đang biến đổi khó lường, tác động đến tâm lý của một bộ phận không nhỏ người dân trong xã hội. Vì thế, cán bộ, đảng viên, công chức phải luôn kiên định con đường độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, phải biến ý chí, tinh thần trách nhiệm trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, xóa bỏ gông cùm nô lệ, lầm than thành ý chí tinh thần trách nhiệm trong xóa bỏ nỗi nhục nghèo nàn, lạc hậu, vươn lên xây dựng đất nước, xây dựng xã hội mới.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nhấn mạnh, chống chủ nghĩa cá nhân, nâng cao đạo đức cách mạng được xem là công việc liên quan trực tiếp tới vận mệnh của Đảng, quyết định thành công của sự nghiệp cách mạng ở nước ta. Do vậy, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân vừa là nhiệm vụ cơ bản, lâu dài, vừa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của toàn Đảng, toàn dân ta.

Từ thực trạng một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống hiện nay, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, gắn với việc đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là nhiệm vụ rất cấp bách, quan trọng và thường xuyên. Đẩy mạnh học tập, rèn luyện, tu dưỡng đạo đức, lối sống theo tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh trong cán bộ, đảng viên, công chức và nhân dân sẽ góp phần hạn chế và đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng, đạo đức lối sống. Bởi vậy, mỗi cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong gương mẫu trong học tập và làm theo Bác, góp phần chống chủ nghĩa cá nhân, chủ nghĩa cơ hội, làm cho nội bộ Đảng và tổ chức cơ sở đảng thực sự trong sạch, vững mạnh.

Để chống chủ nghĩa cá nhân, PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tường cho rằng, cần quán triệt sâu sắc tư tưởng Hồ Chí Minh về giáo dục đạo đức cách mạng để nâng cao tinh thần cách mạng. Học tập và làm theo Bác, chống chủ nghĩa cá nhân, các cán bộ đảng viên phải tự cảnh giác với chính mình, vượt qua được những tiêu cực, cám dỗ của lợi ích vật chất và những tác động của mặt trái của cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế; cảnh giác trước sự chống phá của kẻ thù. Các cấp ủy, tổ chức đảng, trước hết là chi bộ cần coi trọng khâu giáo dục nhận thức, quản lý, rèn luyện cán bộ, đảng viên, xây dựng động cơ phấn đấu đúng đắn. Vào Đảng không phải là để thăng quan tiến chức mà là để phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

PGS.TS. Nguyễn Mạnh Tường cũng chỉ ra thực tế hiện nay, trong Đảng và xã hội ta, tình trạng “nói không đi đôi với làm”, “nói một đàng làm một nẻo”, “nói với cấp trên khác, nói với cấp dưới khác”… đang diễn ra ở nhiều nơi, ở không ít người. Bệnh nói dối, làm sai, dối cấp trên, dối dân để bớt xén vì lòng tham, bao che khuyết điểm cho nhau, hình thành phe phái cánh hẩu… đang gây bức xúc trong xã hội.

Theo ông, “nói đi đôi với làm” vừa phát huy giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc, vừa thực hành đạo đức cách mạng. Nói đi đôi với làm, trước hết, phải từ trên xuống dưới, từ người lãnh đạo cấp cao đến cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở. Phải kiên quyết xóa bỏ cơ chế quản lý đã lỗi thời, thực hiện công khai, minh bạch chức trách của mỗi người để có sự kiểm tra, giám sát của tổ chức, của nhân dân.

Thực hiện nói đi đôi với làm rất cần sự giáo dục lòng tự trọng, tinh thần trách nhiệm của mỗi người, chống chủ nghĩa cá nhân trong chính con người mình. Nói đi đôi với làm là để hướng dẫn nhân dân làm theo, đặc biệt là với thế hệ trẻ. Như Bác đã từng căn dặn: “Muốn hướng dẫn nhân dân, mình phải làm mực thước cho người ta bắt chước”.

Nói đi đôi với làm phải gắn với nêu cao tinh thần trách nhiệm và chống chủ nghĩa cá nhân. Chỉ trên cơ sở này, cán bộ, đảng viên mới thu phục được quần chúng, mới cảm hóa, lôi kéo họ tạo thành phong trào thực tiễn rộng lớn để xây dựng, phát triển đất nước, thực hiện nghị quyết của Đảng.

Trước thực trạng và yêu cầu của sự nghiệp cách mạng nói chung, cũng như trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng nói riêng, nêu cao tinh thần trách nhiệm, chống chủ nghĩa cá nhân, nói đi đôi với làm trong quá trình đẩy mạnh học tập, làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở giai đoạn hiện nay đang có giá trị to lớn trong toàn xã hội, khôi phục niềm tin trong Đảng và trong nhân dân. Đó là kết quả của việc kết hợp thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị và Nghị quyết Trung ương 4 từ khóa XI đến XIII, nhất là khóa XIII trong những năm qua đã mang lại.

Đọc thêm