Phát biểu mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 11/11, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay từ đầu nhiệm kỳ Quốc hội khoá XV, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội các kế hoạch 5 năm giai đoạn 2021-2025 về phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư công trung hạn, cơ cấu lại nền kinh tế, quy hoạch các cấp, các ngành, địa phương, các cơ chế chính sách đặc thù cho một số địa phương…
Thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ kiến tạo, Bộ đã tham mưu Chính phủ trình Quốc hội sửa đổi, ban hành nhiều đạo luật quan trọng với tư duy và tầm nhìn đổi mới, tháo gỡ các rào cản, khó khăn, vướng mắc, tăng cường phân cấp, phân quyền, phân định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của các bộ, cơ quan trung ương và địa phương, tạo quyền chủ động của các cấp, các ngành trong đầu tư, sản xuất kinh doanh để huy động, sử dụng hiệu quả các nguồn lực xã hội cho đầu tư phát triển…
Dù vậy, quá trình triển khai cũng còn một số khó khăn, vướng mắc, Bộ đang tiếp tục nghiên cứu, tiếp thu, lắng nghe ý kiến, đề xuất để kịp thời sửa đổi, tạo điều kiện tốt nhất cho quá trình thực hiện. Trong đó, có việc trình Quốc hội 1 Luật sửa 10 Luật vào thời gian tới, gồm 6 Luật liên quan đến đầu tư, sản xuất kinh doanh; xây dựng Đề án thí điểm tách công tác bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giải phóng mặt bằng ra khỏi dự án đầu tư cùng với các quy định thực hiện để trình Quốc hội xem xét.
Trước tác động của dịch bệnh COVID-19 ngay từ đầu năm 2020, Bộ đã chủ động lắng nghe, chia sẻ các ý kiến của các hiệp hội doanh nghiệp, các tổ chức chuyên gia trong nước và quốc tế; khảo sát, điều tra, phối hợp với các cơ quan, địa phương liên quan kịp thời tham mưu ban hành các chính sách chưa từng có tiền lệ để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, người lao động, đóng góp chung vào kết quả năm 2020 và 10 tháng đầu năm 2021 của cả nước.
Bên cạnh các chính sách đã ban hành, Bộ đang nghiên cứu tham mưu cho Chính phủ xây dựng chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội để trình Quốc hội vào Kỳ họp tới. Đây là vấn đề lớn, quan trọng của đất nước, tác động toàn diện đến nền kinh tế, đòi hỏi kết hợp giữa thực tiễn trong và ngoài nước, phù hợp với mục tiêu phát triển và khả năng thực hiện của đất nước.
Chia sẻ kinh nghiệm quốc tế trong hỗ trợ phục hồi sau đại dịch theo chất vấn của Đại biểu Ma Thị Thuý (Đoàn Tuyên Quang), Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho biết, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam được giao cho Bộ nghiên cứu thì quan điểm đề ra là quy mô đủ lớn, thời gian thực hiện phù hợp, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế; hỗ trợ cả phía cung – cầu của nền kinh tế; gắn kết chặt chẽ với chiến lược phát triển 10 năm, 5 năm, kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế…; tập trung vào các chính sách tác động ngay, kịp thời và phối hợp đồng thời với các vấn đề dài hạn như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa; hỗ trợ có trọng tâm, trọng điểm, bảo đảm tính khả thi, gắn với nguồn lực, khả năng vay trả của nền kinh tế…
Thời gian thực hiện dự kiến là 2 năm 2022-2023, nếu được Quốc hội thông qua thì thực hiện ngay từ đầu năm 2022, bảo đảm phục hồi nhanh, phát triển nhanh nền kinh tế.
Liên quan đến chất vấn của Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn (Đoàn Hải Dương) về GDP 6%, bội chi 4% năm 2022…, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho hay, tất cả các chỉ tiêu này đã căn cứ vào tình hình thực tiễn, có tính đến khả năng chúng ta kiểm soát được dịch bệnh vào quý IV/2021 cũng như khả năng phục hồi của nền kinh tế khi chúng ta mở cửa trở lại, các khu vực xuất khẩu, dịch vụ, đầu tư sẽ có đóng góp rất lớn cho tăng trưởng, lạm phát được kiểm soát trong tính toán đã quy định.
Riêng đầu tư công của chương trình phục hồi có làm tăng bội chi ngân sách hay không, theo Bộ trưởng Dũng là điều này chưa được tính vào. Nếu được Quốc hội thông qua chương trình phục hồi, Bộ tính toán là sẽ làm tăng thêm bội chi khoảng 1% nhưng "chúng ta có thể kiểm soát được khi kinh tế phát triển lên, quy mô của nền kinh tế tăng lên, GDP lớn lên", Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư khẳng định.