Đầu tư công giai đoạn 2016-2020: Vẫn tồn tại tư duy “xin - cho”…

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, trong quá trình triển khai thực hiện kế hoạch đầu tư công giai đoạn 2016-2020, nhiều nơi vẫn tồn tại tư duy nhiệm kỳ, “xin - cho”, trông chờ, ỷ lại Trung ương. Có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng “lách luật”, thỏa hiệp… trong việc tuân thủ quy định, nguyên tắc trong đầu tư công.  
Đầu tư công có nơi vẫn dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án. (Ảnh minh họa)
Đầu tư công có nơi vẫn dễ thỏa hiệp khi phê duyệt các dự án. (Ảnh minh họa)

Phân cấp ngày càng mạnh mẽ

Báo cáo đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 và dự kiến kế hoạch đầu tư trung hạn giai đoạn 2021-2025, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) cho rằng, thể chế pháp luật về đầu tư công ngày càng hoàn thiện, quy định rõ trình tự, thủ tục, thẩm quyền, trách nhiệm của các cấp, các ngành, người đứng đầu; phân cấp mạnh mẽ, tạo quyền chủ động và chịu trách nhiệm về hiệu quả đầu tư công. Nhờ đó, ý thức tuân thủ pháp luật, kỷ luật trong đầu tư công ngày được nâng cao. 

Đầu tư công giai đoạn qua cũng đã giải quyết cơ bản hệ quả của giai đoạn trước, cân đối đủ vốn để thanh toán toàn bộ nợ đọng xây dựng cơ bản nguồn ngân sách trung ương (NSTW), hoàn trả một phần số ứng trước kế hoạch vốn NSTW, kiểm soát chặt chẽ ứng trước kế hoạch vốn, không để phát sinh nợ đọng xây dựng cơ bản giai đoạn 2016-2020. 

Một kết quả đáng ghi nhận khác là công tác phân bổ nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) đã được các cấp, các ngành quan tâm, bước đầu đã ưu tiên cho các ngành, các lĩnh vực, dự án (DA) quan trọng, có tính động lực, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế…; bố trí đủ vốn cho các Chương trình mục tiêu quốc gia, đáp ứng nhu cầu vốn theo tiến độ các DA quan trọng quốc gia.

Giải ngân vốn đầu tư từng bước được cải thiện và được đánh giá là góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội được đầu tư, cải thiện thêm một bước, nhiều DA hạ tầng được hoàn thành đã góp phần giải quyết những yêu cầu bức thiết trong đời sống kinh tế, xã hội, cải thiện đời sống nhân dân, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.  

Còn tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Đánh giá của Bộ KH&ĐT cũng cho rằng, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế. 

Theo đó, một số quy định của pháp luật vẫn chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn như: phân cấp còn chưa triệt để, phân cấp chưa gắn với trách nhiệm, năng lực cấp dưới dẫn đến tình trạng đùn đẩy, sợ trách nhiệm. Quy định về đánh giá hiệu quả đầu tư công còn thiếu cụ thể, thiếu tiêu chí định lượng. 

Bên cạnh đó, trình tự, thủ tục thẩm quyền liên quan đến kế hoạch đầu tư công, nhất là danh mục DA bộc lộ một số bất cập như kế hoạch cứng nhắc, thiếu linh hoạt, mất nhiều thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền, nguyên tắc phân bổ vốn còn mang tính cào bằng, thiếu trọng tâm, trọng điểm, thủ tục lập, thẩm định, quyết định DA, nhất là DA ODA còn phức tạp…

Việc đẩy nhanh tiến độ các DA quan trọng quốc gia và DA trọng điểm chưa đạt yêu cầu đặt ra. Chưa khai thác và sử dụng hiệu quả nguồn lực tài nguyên, đất đai cho phát triển. Giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, các DA PPP (như BOT, BT) trong lĩnh vực giao thông còn nhiều hạn chế. 

Ngoài ra, việc thi công, xây dựng, giám sát và quản lý chất lượng công trình có lúc, có nơi còn buông lỏng dẫn đến nhiều DA chưa đáp ứng yêu cầu; công tác nghiệm thu, thanh toán còn tồn tại sai sót. Việc quyết toán công trình còn khó khăn, kéo dài và thiếu chế tài đủ mạnh để xử lý nghiêm đối với chủ đầu tư, nhà thầu chậm quyết toán. 

Theo Bộ KH&ĐT, nguyên nhân chủ quan dẫn đến tình trạng trên là do công tác triển khai thực hiện còn nhiều hạn chế, chưa hiệu quả, có lúc, có nơi còn buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, chưa quyết tâm, quyết liệt, dẫn tới tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”, cùng một mặt bằng pháp luật nhưng có nơi làm tốt, có nơi làm chưa tốt. 

Ngoài ta, tư duy phát triển trong đầu tư công chậm được đổi mới, nhiều nơi vẫn tồn tại tư duy nhiệm kỳ, “xin - cho”, trông chờ, ỷ lại Trung ương; thiếu chủ động, chưa tận dụng hết các lợi thế trong phân cấp, ủy quyền; quyết định DA còn thiếu liên kết với nhiệm vụ, mục tiêu kinh tế - xã hội, chỉ quan tâm tới lợi ích ngắn hạn, chưa có tầm nhìn dài hạn, chiến lược. 

Bên cạnh đó, ý thức pháp luật, kỷ luật, kỷ cương trong đầu tư công chưa được nâng cao, có lúc, có nơi vẫn còn tư tưởng “lách luật”, chưa chủ động, nghiêm túc trong tuân thủ các quy định, tiêu chí, nguyên tắc trong đầu tư công, dễ thỏa hiệp khi các phê duyệt dự án chưa đạt yêu cầu về pháp lý, hiệu quả.

Đọc thêm