Đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài: Nông nghiệp chiếm thế thượng phong

(PLO) - Việt Nam hiện đã đầu tư sang 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó Lào và Campuchia là 2 quốc gia được các DN Việt ưu ái lựa chọn đầu tư nhiều nhất. 
Các dự án về cao su đang chiếm tỷ lệ lớn nguồn vốn đầu tư của Việt Nam ở Lào và Campuchia (ảnh minh họa).
Các dự án về cao su đang chiếm tỷ lệ lớn nguồn vốn đầu tư của Việt Nam ở Lào và Campuchia (ảnh minh họa).

Theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), đầu tư trực tiếp ra nước ngoài (ODI) của Việt Nam đang ngày càng đóng vai trò quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của nền kinh tế, giúp bù đắp những thiếu hụt nguồn cung nguyên liệu trong nước, mở rộng thị trường cũng như giúp củng cố vị thế của Việt Nam tại các quốc gia đầu tư.

21,3 tỷ USD ra nước ngoài

Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT cho biết, tính đến tháng 1/2017, đã có 1.188 dự án của các DN Việt Nam đầu tư tại 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, với tổng vốn đầu tư đăng ký lên tới 21,395 tỷ USD. Con số này được cho là tương đương 5% tổng số dự án và 7% vốn đăng ký và 14% vốn thực hiện của các dự án đầu tư trực tiếp vào Việt Nam cùng giai đoạn. 

Thị trường đầu tư của các dự án chủ yếu là Lào (270 dự án; 5,12 tỷ USD); Campuchia (191 dự án; 2,89 tỷ USD), một số quốc gia Nga, châu Phi… Lĩnh vực đầu tư được xác nhận chủ yếu là nông lâm nghiệp, viễn thông, khai khoáng, dịch vụ khám chữa bệnh… 

Theo ông Đoàn Thanh Nghị (Cục Đầu tư nước ngoài), đây đều là những lĩnh vực thế mạnh của Việt Nam có thể hợp tác hiệu quả với các nước sở tại. Ông Nghị nói rằng, trong số các dự án đầu tư trong lĩnh vực nông - lâm nghiệp tại Lào và Campuchia, chủ yếu là các dự án đầu tư trồng cao su. 

Tính đến thời điểm hiện nay, Việt Nam đã có 72 dự án đầu tư trồng cao su, với tổng vốn đầu tư đăng ký của nhà đầu tư (NĐT) Việt Nam là 2,175 tỷ USD. Cụ thể, hiện Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam đang đầu tư 23 dự án trồng cao su tại Lào và Campuchia với tổng diện tích đã trồng được khoảng 116.837ha cao su với vốn đầu tư thực hiện khoảng 15.992 tỷ đồng, diện tích cao su đưa vào khai thác khoảng 12.876ha. 

Tại Campuchia, Tập đoàn này cũng đã đầu tư hoàn chỉnh 2 nhà máy chế biến mủ cao su tại CTCP Cao su Mang Yang – Ratanakiri và CTCP Cao su Tân Biên -  Kampong Thom với tổng công suất là 8.000 tấn/năm. Tại Lào, Tập đoàn đã đầu tư 01 nhà máy chế biến mủ cao su tại CTCP Cao su Việt Lào với công suất chế biến 13.000 tấn/năm và đã đưa vào chế biến từ năm 2013. 

Ngoài ra, một số DN tư nhân cũng thực hiện các dự án đầu tư trồng cao su tại 2 nước láng giềng này. CTCP Hoàng Anh Gia Lai hiện có 4 dự án đầu tư trồng cao su tại Lào và Campuchia với diện tích cao su đã trồng đạt 31.229ha. 

“Nhìn chung, các dự án trồng cao su được Chính phủ Lào và Campuchia đánh giá tốt, có hiệu quả kinh tế cao, tạo thêm nguồn thu cho lao động địa phương, cải thiện cơ sở hạ tầng và góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và an sinh xã hội nước sở tại”, ông Nghị đánh giá.

Không nên nóng vội

Một nghiên cứu mới đây của tổ chức Oxfam tại Việt Nam cho thấy, lợi ích từ đầu tư của các DN Việt Nam một mặt đã giúp Việt Nam có thêm nguồn lực để phát triển, có thể tận dụng các lợi thế đầu tư tại Lào, Campuchia để giảm thiểu rủi ro khi các cơ hội kinh doanh trong nước trở nên kém hấp dẫn. Tuy nhiên, việc đầu tư ra nước ngoài của các DN Việt cũng tiềm ẩn những rủi ro do sự khác biệt về văn hóa, pháp luật và môi trường. 

Nghiên cứu Oxfam cho rằng, các NĐT Việt Nam tỏ vẻ nôn nóng, thiếu kế hoạch đầu tư và các nghiên cứu về tính khả thi, nhất là ở giai đoạn chuẩn bị và phê duyệt dự án. Đơn cử, tại Campuchia, các NĐT Việt Nam thường không làm việc với chính quyền địa phương/tỉnh mà làm việc trực tiếp với chính quyền trung ương còn ở Lào thì một số thỏa thuận về đất đai được ký kết tại cấp tỉnh, huyện nhưng hạn chế phối hợp với chính quyền trung ương.  

Theo Bộ KH&ĐT, mới đây Chính phủ Campuchia có sự thay đổi đột ngột về chính sách đất tô nhượng như dừng cấp đất để thực hiện các dự án đầu tư nông, lâm nghiệp hoặc thay đổi thời hạn giao đất từ 70 năm, 90 năm xuống còn 50 năm đối với tất cả các dự án, kể cả dự án đã giao đất, cấp phép đầu tư trước đây (áp dụng hồi tố về thời hạn giao đất, cho thuê đất) đang gây khó khăn cho NĐT, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích hợp pháp của NĐT. 

Theo TS. Phạm Quang Tú, đại diện Oxfam tại Việt Nam, đầu tư nông nghiệp thông thường gặp phải vấn đề đất đai. Vì thế, nếu như chúng ta không tìm hiểu kỹ truyền thống canh tác, truyền thống sử dụng đất của người dân địa phương sẽ dẫn tới những xung đột có thể xảy ra trong tương lai. 

Để đầu tư hiệu quả ở các nước này, ông Tú khuyến cáo các DN Việt cần lưu ý thực hiện nghiêm túc các quy định về đầu tư ra nước ngoài của pháp luật Việt Nam cũng như pháp luật của các nước sở tại, cần phải cập nhật thường xuyên các thay đổi của pháp luật quốc gia đó để mà thực hiện cho đúng. Đối với việc đầu tư, cần tránh sự nôn nóng, nên triển khai nghiên cứu đánh giá một cách cụ thể hơn trong giai đoạn trước khi đầu tư.  

“Tuy nhiên, với đặc thù đất đai của các nước Lào, Campuchia và Myanmar, nhất là các vùng đất đỏ đối với các cây trồng công nghiệp sẽ là những lợi thế. Bên cạnh các cây truyền thống như cao su, cà phê, mía đường trong thời gian tới tôi đặc biệt khuyến khích các DN Việt nghiên cứu hướng trồng cây ăn quả sạch để sử dụng các sản phẩm này vào xuất khẩu”- đại diện Oxfam nói. 

Đọc thêm