Với 170 nghìn tỷ đồng vốn trái phiếu Chính phủ dự kiến huy động, Chính Phủ lên phương án sẽ dành 61,68 nghìn tỷ để đầu tư dự án Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên)
Quốc Lộ 1A và Quốc lộ 14 là hai tuyến đường rất quan trọng, cấp thiết, có ý nghĩa tác động mạnh mẽ đến sự phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng của cả nước.
Quốc lộ 1A từ Lạng Sơn đến Cà Mau dài 2.300 km qua 31 tỉnh, thành phố, quy mô 2 làn xe, đã được khôi phục, nâng cấp bằng vốn ODA từ năm 1995 đến 2003, hiện mới có khoảng 479 km đạt quy mô 4 làn xe và 164 km/18 tuyến tránh thành phố. Đến nay, nhiều đoạn đã xuống cấp nghiêm trọng. Một số đoạn qua khu vực miền Trung thường bị ngập vào mùa mưa lũ gây ách tắc giao thông.
Về vận tải trên quốc lộ 1A chiếm tỷ trọng khoảng 65% lượng hàng hóa và hầu hết các tuyến vận tải khách trên tuyến Bắc - Nam.Theo dự tính, tổng mức đầu tư dự án Quốc lộ 1A 102.319 tỷ đồng; bao gồm 40 đoạn
Để đáp ứng nhu cầu vận tải, đảm bảo an toàn giao thông và phát huy hiệu quả vốn đầu tư, việc nâng cấp và mở rộng Quốc lộ 1A là hết sức cấp thiết, nhất là trong điều kiện chưa xây dựng được toàn tuyến cao tốc Bắc - Nam.
Quốc lộ 14 (Đường Hồ Chí Minh đoạn qua khu vực Tây Nguyên) từ Đăk Giôn, tỉnh Kon Tum đến Chơn Thành, tỉnh Bình Phước dài 663 km, đi qua 5 tỉnh: Gia Lai, Kon Tum, Đắc Lắk, Đăk Nông, Bình Phước.
Đây là tuyến trục dọc chính của khu vực Tây Nguyên để kết nối hệ thống các tuyến đường ngang, đường hành lang Đông - Tây (quốc lộ 24, 25, 19, 26, 27 và 28...) với khu vực miền Trung, Đông Nam bộ, kết nối với các nước trong khu vực (Lào, Campuchia); có vai trò quan trọng trong việc đảm bảo an ninh, quốc phòng, phát triển kinh tế - xã hội của khu vực và cả nước.
Trong khi đó, do khó khăn về nguồn vốn, Quốc lộ 14 chưa được đầu tư, nên nhiều đoạn đường xuống cấp nghiêm trọng, không đáp ứng được yêu cầu vận tải ngày càng tăng cao. Dự án Quốc lộ 14 có tổng mức đầu tư là 16.871 tỷ đồng, bao gồm 12 đoạn.
Thẩm tra phương án phát hành bổ sung và sử dụng vốn trái phiếu chính phủ, Ủy ban Tài chính ngân sách quốc hội (TCNS) cơ bản đồng tình với mức phân bổ cho các dự án thuộc các lĩnh vực như đề xuất của Chính phủ. Tuy nhiên, qua giám sát thực tế, Ủy ban TCNS đề nghị Chính phủ chỉ đạo rà soát lại tổng mức đầu tư của từng dự án cụ thể, điều chỉnh thiết kế, dự toán, cắt giảm phần dự phòng không hợp lý ở nhiều dự án, tiểu dự án.
Đồng thời, phải bảo đảm về tiến độ, thời gian thực hiện và chất lượng của dự án, không để phát sinh làm tăng tổng mức đầu tư của dự án. Đề nghị tính toán lại mật độ các trạm thu phí và có phương án xử lý trong trường hợp các chủ dự án BOT thiếu vốn không đảm bảo được tiến độ cùng với các dự án sử dụng nguồn vốn TPCP.
Được biết, tại Nghị quyết Hội nghị Trung ương lần thứ 4, khóa XI đã đề ra nhiệm vụ đầu tư mở rộng và nâng cấp 2 tuyến đường này. Thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương, Chính phủ đã báo cáo và Quốc hội đã phê duyệt chủ trương đầu tư các dự án này bằng nguồn vốn trái phiếu Chính phủ bảo lãnh tại Kỳ họp thứ tư tháng 10 năm 2012. Tuy nhiên, do việc huy động vốn gặp nhiều khó khăn nên dự án vẫn chưa được hoàn thành.