Đầu tư phát triển đồng bộ, hiện đại hóa hệ thống hạ tầng giao thông Hà Nội

(PLVN) - Trong 9 năm qua, TP Hà Nội tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, đặc biệt đã triển khai một số tuyến đường sắt đô thị.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Trên đây là thông tin được đưa ra tại Báo cáo tổng kết thi hành Luật Thủ đô tại hội nghị tổng kết thi hành Luật Thủ đô do Bộ Tư pháp và UBND TP Hà Nội tổ chức mới đây.

Đẩy nhanh tiến độ các công trình trọng điểm, quan trọng

Luật Thủ đô được Quốc hội thông qua ngày 21/11/2012 và có hiệu lực từ ngày 1/7/2013. Đây là văn bản pháp lý quan trọng quy định vị trí, vai trò, trách nhiệm và chính sách xây dựng, phát triển, bảo vệ Thủ đô.

Trong 9 năm qua, TP Hà Nội tiếp tục tập trung đầu tư phát triển đồng bộ hiện đại hóa hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, nhất là hệ thống đường vành đai, trục hướng tâm, cầu đường bộ, gắn với nâng cao năng lực vận tải hành khách công cộng và hạ tầng xã hội, đặc biệt đã triển khai một số tuyến đường sắt đô thị.

TP đã hoàn thành một số công trình giao thông trọng điểm, cấp bách trên địa bàn. Diện tích đất dành cho giao thông tăng, năm 2015 là 8,65%, đến năm 2020 đạt 10,07% đất đô thị; tỷ lệ vận chuyển hành khác công cộng được nâng lên, năm 2015 là 14,4%, năm 2019 là 17,03%, năm 2020, do bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh Covid-19, đạt 14,85% .

Trong đó, về quy hoạch mạng lưới, phát triển hệ thống giao thông vận tải, quy hoạch giao thông vận tải Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt; các quy hoạch chuyên ngành khác trong lĩnh vực giao thông vận tải (bến xe, bãi đỗ xe, trạm dừng nghỉ trên địa bàn TP, hệ thống bến thủy nội địa…) đã được HĐND TP thông qua.

Việc quản lý cầu, hầm, đường bộ trên địa bàn TP, đặc biệt quản lý các tuyến quốc lộ trên địa bàn đã được phân định rõ hơn, tạo điều kiện cho các địa phương chủ động thực hiện.

Nhiều dự án, công trình phát triển kết cấu hạ tầng giao thông vận tải được ưu tiên đầu tư đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao năng lực mạng lưới hạ tầng giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.

Các công trình trọng điểm, quan trọng của địa bàn TP được đẩy nhanh tiến độ như tuyến đường sắt đô thị số 3, Đường vành đai 2,5 đoạn Đầm Hồng đến Quốc lộ 1A, cải tạo Quốc lộ 1 A (đoạn Văn Điển - Ngọc Hồi)... Bộ Giao thông vận tải và TP phối hợp triển khai, hoàn thành và đưa vào khai thác nhiều tuyến đường giao thông liên kết vùng Thủ đô như Hòa Lạc - Hòa Bình, Hà Nội - Hải Phòng, cầu Văn Lang (Ba Vì); tuyến vành đai 3 trên cao đoạn Mai Dịch - Cầu Thăng Long, đẩy nhanh tiến độ thi công, bàn giao đưa vào sử dụng tuyến đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông.

Vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực

Về phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, báo cáo nhấn mạnh, TP Hà Nội đã ưu tiên về tổ chức giao thông bảo đảm để các phương tiện vận tải hành khách công cộng vận hành thông suốt, hạn chế tối đa các trở ngại, bảo đảm thuận tiện cho hành khách.

Ưu tiên đổi mới phương tiện, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Khuyến khích sử dụng phương tiện vận tải hành khách công cộng khối lượng lớn, có chính sách miễn, giảm vé xe buýt cho các đối tượng.

Trong đó, ngân sách TP hỗ trợ 50% giá vé tháng đối với các đối tượng học sinh, sinh viên, công nhân các khu công nghiệp, người cao tuổi. Ngân sách TP hỗ trợ 30% giá vé cho cán bộ, nhân viên tại các văn phòng, công sở, doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp mua vé tháng theo hình thức tập thể.

TP thực hiện nhiều biện pháp như hỗ trợ 100% tiền phí sử dụng đường bộ, miễn lệ phí trước bạ đối với phương tiện vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt sử dụng năng lượng sạch, miễn thuế nhập khẩu phụ tùng, linh kiện thuộc loại trong nước chưa sản xuất được để sản xuất, lắp ráp phương tiện hành khách công cộng.

Theo đó, vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt có nhiều chuyển biến tích cực, mạng lưới được mở rộng. Từ năm 2016-2020, TP phát triển 140 tuyến xe buýt, tiếp cận 30/30 quận huyện, 516/579 xã phường thị trấn (đạt 89,1%); 65/75 bệnh viện (đạt 87%); 192/286 trường trung học cơ sở, trung học phổ thông (đạt 67%), 27/27 khu công nghiệp lớn, 31/37 khu đô thị (đạt 83,8%), kết nối với 07/9 tỉnh thành lân cận.

Chất lượng xe buýt ngày càng nâng cao, việc bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn cho người đi xe buýt được quan tâm triển khai.

Về áp dụng công nghệ cao trong quản lý, điều hành hệ thống giao thông vận tải, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định số 5953/QĐ-UBND ngày 24/8/2017 trong đó xác định rõ nhiệm vụ xây dựng cơ sở dữ liệu số hóa về hạ tầng giao thông, phương tiện giao thông, các phần mềm quản lý điều hành hệ thống giao thông thông minh, điều hành tổ chức giao thông và xử lý vi phạm giao thông.

TP đã triển khai phần mềm GovOne trong công tác quản lý, duy tu, duy trì kết cấu hạ tầng giao thông; xây dựng bản đồ giao thông số trực tuyến để phục vụ công tác quản lý, điều hành và điều tiết giao thông, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, sử dụng điểm đỗ xe nhằm tối ưu nhu cầu đỗ xe. Sử dụng thiết bị GPS để giám sát hành trình, lắp đặt hệ thống camera để bảo đảm an ninh trật tự; xây dựng triển khai phần mềm, ứng dụng “Tìm Buýt” trên thiết bị di động...

Cùng với đó, TP đã áp dụng công nghệ cho hệ thống vé điện tử của mạng lưới vận tải hành khách công cộng trên địa bàn TP nhằm từng bước hình thành một hệ thống vé điện tử duy nhất liên thông trong toàn mạng.

TP đã chỉ đạo giao liên danh Tổng Công ty vận tải Hà Nội - Viettel triển khai dự án hệ thống vé điện tử thí điểm cho tuyến xe buýt BRT và nhân rộng ra toàn bộ mạng tuyến buýt có trợ giá trên địa bàn TP,qua đó, nâng cao hiệu quả quản lý, chất lượng dịch vụ vận tải hành khách công cộng. Tuy nhiên, báo cáo cũng chỉ ra rằng, tỷ lệ vận tải hành khách bằng phương tiện công cộng trên địa bàn TP còn thấp.

Phát triển kết cấu hạ tầng đô thị và nâng thôn còn nhiều khó khăn, đặc biệt là vùng ven đô, hạ tầng giao thông công cộng và kết nối liên vùng. Tiến độ triển khai một số dự án hạ tầng kỹ thuật thiết yếu (công trình giao thông, nhà máy xử lý rác thải, nước thải, công viên…) còn chậm.

Thực hiện Nghị quyết số 15-NQ/TW ngày 5/5/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng, nhiệm vụ phát triển Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hà Nội lần thứ XVII, thời gian qua, TP Nội đã tổ chức tổng kết thi hành Luật Thủ đô trên địa bàn TP và phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức nghiên cứu, lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi).

Căn cứ quan điểm, chủ trương đường lối của Đảng, và định hướng hoàn thiện chính sách, pháp luật liên quan đến xây dưng, phát triển và bảo vệ Thủ đô Hà Nội trong những năm tới; từ công tác tổng kết thi hành Luật Thủ đô năm 2012, đánh giá sơ kết 2 năm thi hành Nghị quyết 97/2019/QH14 và Nghị quyết số 115/2020/QH14 của Quốc hội và trên cơ sở kết quả nghiên cứu, trao đổi kinh nghiệm với một số tỉnh, TP trong cả nước, TP Hà Nội đề xuất việc xây dựng Luật Thủ đô (sửa đổi) với 9 chính sách, trong đó có chính sách phát triển đô thị và cơ sở hạ tầng kỹ thuật, giao thông của Thủ đô.

Đọc thêm