Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh sang Việt Nam khởi sắc sau khi thực thi UKVFTA

(PLVN) - Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương cho biết, qua hơn 3 năm thực hiện, UKVFTA đã tạo được sức bật kinh tế hỗ trợ người dân và doanh nghiệp hai bên, đặc biệt là vượt qua giai đoạn khó khăn, thách thức của dịch bệnh và suy thoái kinh tế chung toàn cầu.

Hình ảnh minh họa.
Hình ảnh minh họa.

Hiệp định UKVFTA được Chính phủ Việt Nam và Vương quốc Anh ký tại London (Anh), chính thức có hiệu lực ngày 1/5/2021. Với những nền tảng cam kết và tiến bộ cao kế thừa từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), UKVFTA là động lực thúc đẩy quan hệ thương mại song phương giữa hai nước.

Một số dấu mốc đáng chú ý, đó là năm 2021 - năm khởi đầu của UKVFTA - trao đổi thương mại hàng hóa hai chiều giữa Việt Nam và Anh đạt 6,6 tỷ USD, tăng 17,2% so với năm 2020.

Năm 2022, do khó khăn chung của thế giới và cả nền kinh tế Anh, thương mại hai chiều giảm, nhưng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh vẫn tăng khoảng 1,9%, một số ngành hàng xuất khẩu mũi nhọn của Việt Nam giữ được đà tăng trưởng 2 con số.

Năm 2023, hầu như các thị trường xuất khẩu đều sụt giảm, có những thị trường giảm tới 30%, nhưng riêng thị trường Anh tăng trưởng tới 11%. Thương mại song phương Việt Nam - Anh qua 9 tháng của năm 2024 đạt gần 6,5 tỷ USD, trong đó xuất khẩu 5,7 tỷ USD (tăng 22,2% so với cùng kỳ), nhập khẩu 600 triệu USD.

Cũng theo Vụ chính sách thương mại đa biên, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) từ Anh sang Việt Nam sau khi thực thi UKVFTA khởi sắc rõ nét. Tính đến tháng 10/2024, Anh có hơn 580 dự án đầu tư trực tiếp tại Việt Nam, với tổng vốn đầu tư đăng ký đạt trên 4,4 tỷ USD, đứng thứ 15 trong số gần 150 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư trực tiếp tại Việt Nam. Theo Vụ Chính sách thương mại đa biên, những con số trên cho thấy hiệu quả thực thi UKVFTA đối với hoạt động xuất khẩu, đầu tư giữa hai nước.

Dù đang có những kết quả xuất khẩu khả quan, tuy nhiên, thị trường Anh yêu cầu rất cao về chất lượng sản phẩm, đi cùng giá cả cạnh tranh. Các hàng rào kỹ thuật của Anh, như quy chuẩn, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn vệ sinh thực phẩm, nhất là đối với nông sản, rất chặt chẽ. Trong đó, việc thực hiện sử dụng nhãn UKCA thay cho CE đối với sản phẩm công nghiệp; dự luật về bảo vệ môi trường, chống suy thoái và mất rừng… sẽ ảnh hưởng đến xuất khẩu các sản phẩm gỗ, cà phê, cao su, dầu thực vật, đậu tương.

Vụ Chính sách thương mại đa biên cho rằng, để tận dụng UKVFTA hiệu quả hơn, bên cạnh sự hỗ trợ, hướng dẫn của các cơ quan quản lý nhà nước, doanh nghiệp cần chủ động hơn nữa trong việc tìm hiểu, nắm vững nội dung, cam kết của Hiệp định. Hoạt động đầu tư phát triển sản phẩm, nâng cao tính tuân thủ, đáp ứng yêu cầu thị trường… cũng cần được doanh nghiệp tiến hành để khai thác xuất khẩu bền vững.

Đọc thêm