“Bộ Xây dựng là một trong số các Bộ đi đầu trong công tác cải cách hành chính, Bộ đã có những Quyết định quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN trong thực tiễn. Ngoài bãi bỏ các điều kiện kinh doanh, Bộ Xây dựng đang gấp rút soạn thảo 1 luật sửa nhiều luật…
Tuy nhiên, trao đổi với Bộ trưởng Phạm Hồng Hà, Bộ trưởng nói vẫn chưa hài lòng với kết quả đó và cho biết sẽ tiếp tục cải cách mạnh mẽ hơn nữa…”- Chủ tịch VCCI, TS Vũ Tiến Lộc mở đầu buổi đối thoại và mong muốn có những ý kiến “nói thẳng, nói thật, thậm chí gay gắt”.
Luật chồng luật, Nghị định Thông tư còn “to” hơn Luật
Theo ông Nguyễn Quốc Hiệp, Chủ tịch Hiệp hội Hội nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), sự chồng chéo của pháp luật và các văn bản pháp lý chính là rào cản lớn nhất trong cải tiến các thủ tục của công tác đầu tư XDCB. Liên quan đến lĩnh vực này, có cả chục luật tác động, như Bộ Xây dựng là cơ quan soạn thảo và chỉ đạo theo dõi thực hiện 4 luật là Luật Quy hoạch, Luật Xây dựng, Luật Nhà ở và Luật Kinh doanh Bất động sản; Bộ KH&ĐT soạn thảo và chỉ đạo Luật Đấu thầu, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; Bộ TN&MT soạn thảo Luật Đất đai, Luật Bảo vệ Môi trường; Bộ Công an Luật về Phòng cháy chữa cháy…“Điều quan trọng là cùng một vấn đề nhưng giữa luật này và luật kia còn có sự khác biệt nên việc vận dụng xử lý gây khó cho người thực hiện…” - ông Thiệp bức xúc.
Đại diện TKV, EVN, PVN và nhiều DN, hiệp hội DN đã dẫn chứng khá chi tiết các điều khoản của các Luật chồng chéo khiến DN không biết triển khai như thế nào. Đại diện EVN, ông Nguyễn Tài Anh, Phó Tổng Giám đốc EVN cho biết, 2 năm vừa rồi, EVN không đầu tư gì cả. “Điều này rất khó khăn cho ngành điện vì đòi hỏi phải có sự đầu tư gối đầu…” - ông Anh phát biểu.
Trong khi Luật chồng chéo thì dưới luật là vô vàn Nghị định, Thông tư hướng dẫn, theo ông Thiệp, “các văn bản này đều có hiệu lực pháp lý rất cao làm cho hàng rào pháp lý càng rối rắm”. Còn TS Dương Văn Cận, Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký VACC quả quyết: “Vướng Nghị định, Thông tư chứ không phải Luật. Luật ban hành rồi nhưng dân cứ chờ Thông tư, không có Thông tư người ta không làm được…”.
Mặc dù có một “rừng” văn bản dưới luật nhưng hệ thống văn bản lại vẫn bộc lộ những kẽ hở. “Kẽ hở đầu tiên là chúng ta chưa quy định các thể chế để thực hiện một cách đủ nghiêm nên mới có hiện tượng vi phạm tràn lan về quy hoạch xây dựng, cấp phép xây dựng” - ông Hiệp dẫn chứng.
Kiên quyết loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại”
Theo kiến nghị của VACC, những vi phạm của chủ đầu tư về công tác quy hoạch cần có xử lý dứt khoát, kiên quyết loại bỏ hình thức “phạt cho tồn tại” nếu chủ đầu tư tự động xây dựng phá vỡ quy hoạch đã được phê duyệt.
Theo VACC, công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động đầu tư xây dựng có nhiều mặt khác nhau: Quy hoạch kiến trúc, xây dựng, tài chính, thuế… nhưng hiện nay hoạt động thanh tra không có sự thống nhất giữa các ngành, mỗi ngành đều có sự tham gia riêng của Sở và kế hoạch thanh tra các DN không có ai cầm trịch giữa các ngành vì vậy có tình trạng chỉ trong quý có DN phải tiếp đến 5 đoàn thanh tra khác nhau về cùng 1 dự án. “Chúng tôi đề nghị cần có quy định do thành phố chỉ đạo thực hiện, lịch thanh tra phải được thành phố thông quan theo nguyên tắc 1 lần/năm, không được thanh tra tùy tiện” - Chủ tịch VACC đề nghị.
Cùng chung “nỗi niềm” thanh tra, kiểm tra, TS Nguyễn Ngọc Long, Phó Chủ tịch Hiệp hội Khoa học kỹ thuật Cầu đường Việt Nam cũng cho rằng cần có sự thống nhất giữa các bộ, ngành, cơ quan thanh tra, kiểm tra trong cách hiểu và vận dụng pháp luật về đầu tư XDCB trong nền kinh tế thị trường nhiều biến động. “Công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán cần hướng đến mục tiêu phát hiện, phòng ngừa, khắc phục và xử lý sai phạm để động viên, khuyến khích các chủ thể làm đúng luật pháp, giảm thiểu tâm lý đối phó, thụ động…” - Ông Long đề nghị.
PGS.TS Trần Chủng, Trưởng ban Chất lượng, Tổng hội Xây dựng Việt Nam đề nghị Luật pháp không chỉ hướng dẫn mà cần tăng cường kiểm tra sự tuân thủ pháp luật trong thực tiễn. Việc kiểm tra và xử lý không chỉ là các cá nhân, tổ chức tham gia hoạt động xây dựng mà còn có cả các cơ quan QLNN, các công chức khi không tuân thủ Luật gây hậu quả về xã hội, kinh tế, sinh mạng. Các chế tài xử phạt hành chính (phạt tiền, thu giấy phép…) đến các chế tài dân sự (đền bù thiệt hại do lỗi mình gây ra..) và sau cùng là các chế tài hình sự (phạt tù…), trước khi đưa ra mức độ xử phạt nào, cần phải tuân thủ một trình tự điều tra khách quan và minh bạch…