Đầu tuần, Bộ trưởng nghe Hiệp hội 'kêu khó'

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Gần 20 Hiệp hội các ngành hàng đã được Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng mời đến để chia sẻ về những khó khăn, vướng mắc. Ông cho biết, Bộ muốn tiếp cận theo hướng chủ động nhận diện, kịp thời điều chỉnh chính sách để vượt qua thách thức.
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng

Cơ quan làm chính sách chủ động nhận diện khó khăn

Sáng Thứ Hai đầu tuần này, Hội trường lớn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) không còn chỗ trống. Chủ trì Hội nghị bất thường này, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho biết, ngay đầu tháng 7 này, Thủ tướng Chính phủ sẽ có cuộc họp trực tuyến với các bộ, ngành, địa phương để nghe kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm và dự kiến các chính sách, giải pháp 6 tháng cuối năm cũng như đường hướng phục hồi kinh tế.

Nhận diện những khó khăn, thách thức, Bộ trưởng cho rằng, tình hình thế giới đang rất phức tạp, khó lường và biến động rất nhanh. Trước tình hình đó, Chính phủ xác định là Chính phủ kiến tạo, có phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, nhận định trúng, đúng những thuận lợi, khó khăn, thách thức giúp Chính phủ điều chỉnh, đưa ra quyết sách để nhanh chóng ổn định kinh tế vĩ mô, đảm bảo các cân đối lớn, hỗ trợ sản xuất kinh doanh.

“Hai năm dịch COVID-19, chúng ta như người mới ốm dậy, bây giờ lại gặp tiếp khó khăn, khó khăn lại chồng khó khăn, thách thức lại chồng thách thức…”, Bộ trưởng chia sẻ, đồng thời lưu ý cơ hội cũng không phải không có. Trong đó nhấn mạnh sự dịch chuyển dòng vốn từ Trung Quốc khi quốc gia này vẫn đang theo đuổi chính sách ZERO COVID.

“Bộ KH&ĐT luôn luôn tiếp cận theo hướng chủ động tích cực, nhận diện khó khăn, thách thức, tham gia “cuộc chơi” ngay từ đầu. Nếu cứ đi theo, đi sau, chúng ta mất hết cơ hội. Tinh thần là cố gắng nhận diện, kịp thời điều chỉnh chính sách để vượt qua thách thức, phục hồi nhanh, trước mắt hoàn thành kế hoạch năm 2022 và sau đó là kế hoạch 5 năm (2021-2025)”, Bộ trưởng nhấn mạnh. Đồng thời đề nghị các Hiệp hội chia sẻ khó khăn, vướng mắc của ngành hàng mình để Bộ tham mưu chính sách…

Đại diện hiệp hội ngành hàng phát biểu tại Hội nghị do Bộ trưởng KH&ĐT chủ trì

Đại diện hiệp hội ngành hàng phát biểu tại Hội nghị do Bộ trưởng KH&ĐT chủ trì

Doanh nghiệp xây dựng càng làm càng lỗ

Theo Chủ tịch Hiệp hội các Nhà thầu Xây dựng Việt Nam (VACC) Nguyễn Quốc Hiệp, kết quả sản xuất kinh doanh của các DN xây dựng 6 tháng qua có sự tăng trưởng vượt bậc nhưng so với kế hoạch hầu hết không đạt.

“10 DN lớn chỉ đạt 60-80% kế hoạch doanh thu và sản lượng của 6 tháng đầu năm”, ông Hiệp nói và chỉ ra nguyên nhân ách tắc về mặt pháp lý đó là các DN Việt Nam không muốn làm dự án trong nước, đặc biệt là dự án đầu tư công. DN mạnh thì ra nước ngoài hoặc là nhà thầu cho DN FDI, làm nhà thầu phụ.

Theo Chủ tịch VACC, giá cả xây dựng đã tăng bình quân 18 - 30% từ năm 2020 đến nay. Ví dụ giá dầu diezen tăng 240%, giá thép 20 - 60%, giá đá, cát đất nền nhựa đường… cũng tăng.

“Với các DN FDI, chúng tôi thương lượng được theo giá thực tế, với các DN FDI giá cao hơn do chất lượng họ đòi hỏi cao hơn nhưng khi biến động giá họ chấp nhận giá cao, các nhà thầu xây dựng yên tâm khi làm với DN FDI…”, Chủ tịch VACC giải thích.

Một khó khăn nữa mà các DN cũng không biết “tỏ cùng ai” là tình trạng khan hiếm nhân công, kể cả khi chấp nhận đơn giá tăng 20-30% cũng không tìm được nhân công.

Chưa hết, các DN còn đang vấp phải khó khăn do quy định của Luật Phòng cháy chữa cháy. “Không có ở đâu, nước đang phát triển như Việt Nam, tiêu chuẩn phòng cháy, chữa cháy còn cao hơn các nước phát triển, có thể nói là gần như cao nhất thế giới. Trong đó quy định các vật liệu chuyên ngành như sơn chống cháy, kính chống cháy phải nhập khẩu và chỉ có một số DN được nhập khẩu độc quyền”, ông Hiệp phản ảnh.

Cùng với đó một loạt các quy định liên quan đến room tín dụng của các ngân hàng, siết chặt cho vay bất động sản…

“Chỉ duy nhất một DN không nhận dự án đầu tư công còn có lãi, còn các DN khác càng làm càng lỗ, kể các DN lớn. Nếu tình trạng này tiếp diễn, 5 năm nữa không còn DN xây dựng Việt Nam…”, lời Chủ tịch VACC.

Du lịch nội địa tăng trưởng chưa hẳn đã mừng

Ông Vũ Thế Bình, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam (VITA) cho biết, trong 3 loại hình du lịch thì hiện nay du lịch nội địa đang phục hồi mạnh mẽ. 6 tháng thu hút được 48 triệu lượt khách và khả năng cả năm trên 100 triệu lượt khách. Tuy nhiên, du lịch nội địa chỉ chiếm khoảng 30% tổng doanh thu và với sự tăng trưởng không bình thường của du lịch nội địa đang kéo theo sự hỗn loạn, kéo chất lượng du lịch đi xuống.

"Chúng ta đang hướng tới du lịch sang trọng thì mặt bằng chất lượng lại giảm, nhiều khách 5 sao do khó khăn đón khách nội địa làm giảm chất lượng xuống. Nếu không đẩy nhanh du lịch quốc tế thì du lịch Việt Nam sẽ tụt lùi” , Chủ tịch VITA phát biểu.

Ngoài nguyên nhân khách quan chung mà các nước cũng đang gặp phải khi phục hồi du lịch quốc tế, theo Chủ tịch VITA, có nguyên nhân từ phía chúng ta. Theo đó, du lịch kỳ vọng là cứu cánh cho kinh tế nhưng phục hồi còn chậm, vì vậy cần chính sách hỗ trợ cho ngành này phục hồi nhanh hơn.

“Chúng ta miễn visa cho hơn 10 nước nhưng lại chỉ miễn 15 ngày. Tại sao chỉ 15 ngày? Sau 15 ngày khách phải rời đi và 15 ngày sau nữa mới được quay lại. Tại sao không để khách muốn quay lại thì quay lại ngay. Chúng tôi là người trong ngành mà không biết sao lại có những quy định như thế. Nên miễn 30 ngày”, Chủ tịch VITA đề nghị.

Đại diện VITA cùng đề nghị Nhà nước hỗ trợ ngành du lịch đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nghiệp vụ để có người phục vụ trước mắt; Hỗ trợ DN nâng cấp sản phẩm mới phù hợp với khách sau COVID-19…

Đọc thêm