Dạy học trực tuyến: Tránh độc diễn, tăng tính tương tác

(PLVN) - Dạy học trên truyền hình đang là giải pháp chủ động ứng phó trước việc học sinh (HS) nghỉ dài ngày tránh dịch bệnh, giúp HS chủ động ôn tập, củng cố kiến thức. Tuy nhiên, làm sao để tránh sự nhàm chán, nâng cao chất lượng dạy và học là bài toán không dễ. 
Học sinh Hà Nội bắt đầu học trực tuyến theo lịch của Sở GD-ĐT.
Học sinh Hà Nội bắt đầu học trực tuyến theo lịch của Sở GD-ĐT.

Giao lưu, hỏi đáp để hấp dẫn học sinh 

Địa phương đầu tiên phát sóng chương trình dạy trực tuyến thông qua sóng truyền hình từ 17/2 là Sở Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) Đồng Nai, phối hợp Đài Phát thanh - Truyền hình Đồng Nai thực hiện. Sau đó đến Sở GD-ĐT Nam Định, Sở GD-ĐT Vĩnh Long, TP HCM… 

Theo một số chuyên gia giáo dục, ở góc độ tích cực,  nhờ Covid-19, các thầy cô giáo (kể cả các thầy cô ngại ứng dụng công nghệ thông tin trước đây và các thầy cô giáo lớn tuổi) đã chịu khó mày mò, tìm hiểu, học tập, tham gia các lớp tập huấn nhằm tìm cách sử dụng các phần mềm dạy học trực tuyến.

Việc khai thác và sử dụng những ứng dụng OTT như zalo, viber, mesenger đến những trang web, mạng xã hội facebook, rồi đến những phần mềm dạy học như Zoom, Google Classroom, Office 365... (cả có phí và miễn phí) đã đem lại những hiệu quả bất ngờ, không chỉ giáo dục không đình trệ, trái lại còn giúp giáo dục có thêm nhiều màu sắc mới, nhiều “giá trị gia tăng” và nhiều sự sáng tạo mới!

Tại Hà Nội, bắt đầu từ ngày 19/3, Sở GD-ĐT phối hợp với Đài Phát thanh - Truyền hình Hà Nội triển khai mô hình dạy học trên truyền hình cho các lớp học từ lớp 4-12. Trước đó, chương trình mới chỉ ưu tiên dạy lớp 9 và lớp 12 bước vào kì thi quan trọng năm nay… 

Ông Kiều Văn Hưng, Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội cho biết: Toàn bộ bài giảng trên truyền hình là những bài giảng mới, được xây dựng tiếp nối với các bài học mà các em đã học trước khi nghỉ học để phòng, chống dịch Covid-19. Cụ thể, xây dựng nội dung, thiết kế bài giảng bảo đảm các yêu cầu về chuẩn kiến thức, kỹ năng theo chương trình của Bộ GD-ĐT.

Không chỉ dạy học trên truyền hình ở các địa phương, ngày 6/3, Hệ thống Giáo dục Học Mãi phối hợp với Đài Truyền hình kỹ thuật số VTC (thuộc Đài TNVN) ra mắt chương trình “Lớp học không khoảng cách”, nhằm hỗ trợ HS bậc phổ thông học tập trong thời gian phòng dịch Covid-19.

Chương trình “Lớp học không khoảng cách” được phát trên kênh VTC11, VTC8 và ứng dụng VTC trên các khung giờ 9h00-9h30 (lớp 5), 14h00-14h30 (lớp 9), 16h00-16h30, 20h00-21h30 (lớp 11). Các bài giảng được thiết kế bám sát với chương trình giáo dục hiện hành dành cho HS bậc phổ thông, do đội ngũ giáo viên uy tín, giàu kinh nghiệm đứng lớp.

Chương trình phát sóng hoàn toàn miễn phí trên sóng truyền hình phủ sóng toàn quốc. Do đó, HS vùng núi, vùng sâu, vùng xa cũng đều được tiếp cận với những bài giảng hữu ích. 

Thầy Nguyễn Tùng Lâm (Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội) cho rằng, dạy học truyền hình hiện vẫn theo lối độc diễn - phương thức truyền tải cũ kém hiệu quả, do đó cần phải có HS để giao lưu với thầy giáo thì lớp học sẽ hiện thực hơn, hấp dẫn HS hơn. Lớp học có thể tập trung cả HS yếu, trung bình, khá giỏi…

Để các em có thể thảo luận, đưa ra những câu hỏi thắc mắc đối với giáo viên. Cùng với việc dạy học thì truyền hình nên có hệ thống nhận câu hỏi online và đẩy câu hỏi lên như truyền hình trực tiếp, sẽ rất hiệu quả. Với HS lớp bé, cần có thêm phương thức khác hỗ trợ như bố mẹ, thầy cô phải cùng phối hợp.

Thầy cô cũng phải học

Cô Quang Thị Hoàn (giáo viên môn Tiếng Anh, Trường THCS Đống Đa, Hà Nội), người đã có buổi lên lớp qua truyền hình đầu tiên với các em học sinh lớp 9 cho biết: Khác biệt lớn nhất của việc dạy qua truyền hình so với dạy học truyền thống là lớp học không có HS. Giáo viên là người độc thoại.

Vì vậy, chúng tôi phải soạn giáo án rất kỹ để không có thời gian “chết”, bài giảng cũng phải chi tiết, tỉ mỉ hơn để HS dễ dàng theo dõi. Sau buổi phát sóng đầu tiên, đa số các em HS thể hiện sự phấn khởi, hào hứng với phương pháp học mới.

PGS. TS Chu Cẩm Thơ cho biết: Thực ra, dạy học online hay dạy học từ xa đã được triển khai từ lâu. Cá nhân cô tham gia vào các hoạt động này từ khi là sinh viên năm thứ 3 (khoảng năm 2002), lúc bắt đầu tham gia soạn tài liệu cho một đơn vị nước ngoài.

Khi bắt đầu đánh giá việc dạy học online, có những người bày tỏ rằng họ rất bức xúc trước chất lượng dạy online, nhất là hành xử của HS (chưa tự học, có bình luận chưa tốt...), tốc độ đường truyền, chất lượng phần mềm và nhất là phương pháp dạy học của giáo viên.

Do đó, để dạy học online tốt, giáo viên cũng phải tự học, trang bị thêm cho mình kiến thức và kỹ năng. Bên cạnh đó, phải học cách tương tác, quản lí HS tốt. Đây cũng là tiêu chí để phân loại kiểu học online. Có kiểu học mà nhiều người nói đùa khác gì xem phim, vì không có tương tác. Nhưng để thực sự là dạy online thì việc tương tác là quan trọng nhất. Tương tác để đánh giá mức độ tiếp nhận, sự tham gia của người học..., và đặc biệt là tự đánh giá và đánh giá phản hồi.

Theo PGS Cẩm Thơ, ngày nay nhiều chương trình/giải pháp đã viết nội dung phân nhánh tốt đến mức người học đã học với máy chứ không cần đến thầy nữa. Nhưng ngay cả khi đó thì chương trình vẫn có biện pháp để người học được tương tác liên tục. Tức là người học được bày tỏ những câu hỏi, những cảm xúc, đa dạng câu trả lời nữa.

Thế nên, bây giờ, một số buổi học trên truyền hình, HS ngồi xem trước tivi mà không có tương tác thì các em sẽ mệt, sẽ xuất hiện nhu cầu mà không được hỗ trợ, do đó, các em thấy không hiệu quả. Do đó, với trẻ em, với những người tự học chưa tốt thì vẫn cần có giáo viên, huấn luyện viên hỗ trợ học tập. Khi đó, sự “tốn kém” thời gian, nhân lực không hề ít đi.

Bên cạnh đó, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng chỉ ra: Dạy học online là không ít rủi ro, đòi hỏi “bình đẳng”, nghĩa là khoảng cách thầy trò xa về địa lí nhưng cực gần vì có “cái máy”. Cho nên mối quan hệ này dân chủ hơn bao giờ hết, chưa kể có những vấn đề thuộc về kĩ thuật (máy móc, đường truyền, phần mềm...) khiến cho tương tác không hiệu quả. Do đó, tính kiểm soát được của giáo viên không cao bằng dạy trực tiếp.

Tuy vậy, theo bà Thơ, thầy cô hãy tích cực đón nhận điều đó và hãy chia sẻ với phụ huynh, với người học rằng “Cô cũng đang tự học, cô nhận ra những gian nan và cô cần thời gian để làm tốt hơn”…

Một chuyên gia giáo dục cho rằng, việc dạy học trên truyền hình khá hiệu quả, HS đã có những phản hồi tích cực khi tham gia học. Tuy nhiên, để tăng tính tương tác, bên cạnh việc dạy học trên truyền hình thì hệ thống các trường phải có chỉ đạo để tham gia phối hợp cùng. Cụ thể, các thầy cô cũng nghe các bài giảng đó để nắm chắc, sau đó đóng vai trò trợ giảng để giải đáp thắc mắc cho HS và có biện pháp phối hợp với cha mẹ HS để kiểm tra việc học. 

Sở GD-ĐT Hà Nội phối hợp với Đài Phát thanh và Truyền hình Hà Nội thực hiện chương trình Dạy học trên truyền hình. 

Cụ thể, các bài dạy trên truyền hình là các bài học mới, tiếp nối chương trình dạy và học trong chương trình lớp 4, 5 cấp Tiểu học, lớp 6, 7, 8, 9 cấp trung học cơ sở và lớp 10, 11, 12  cấp trung học phổ thông năm học 2019 - 2020.

- Đối với lớp 4, 5 gồm các môn Tiếng Việt, Toán, Tiếng Anh;

- Đối với lớp 6, 7, 8, 9 gồm các môn Ngữ văn, Toán và Tiếng Anh;

- Đối với lớp 10, 11 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hoá học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý và Tiếng Anh;

- Đối với lớp 12 gồm các môn Ngữ văn, Toán, Vật lý, Hóa học, Sinh học, Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân và Tiếng Anh.

Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ: Các trường sư phạm hỗ trợ nguồn học liệu cho địa phương

Để đảm bảo quyền lợi học tập của HS trong đợt nghỉ dài, Bộ sẽ yêu cầu các đơn vị tăng cường hướng dẫn địa phương và các trường xây dựng chương trình dạy học từ xa có chất lượng, làm rõ nội dung có thể dạy và học từ xa và phương thức triển khai cho từng nhóm đối tượng, đặc biệt là cho HS vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Các trường sư phạm được giao nhiệm vụ hỗ trợ nguồn học liệu cho các địa phương và cơ sở giáo dục để triển khai việc dạy và học từ xa một cách bài bản… 

PGS TS Chu Cẩm Thơ: Cứ làm tiếp và cải thiện để tốt hơn

Trong bối cảnh nhiều học sinh chưa sẵn sàng tự học, giáo viên chưa thành thạo dạy trên một phần mềm nào đó, đầu tư phần mềm cũng chưa được như ý thì đương nhiên hiệu quả chưa cao. Phải thực hiện mới bộc lộ được thực tế, nên chúng ta cứ làm tiếp thôi và sẽ cùng cải thiện để tốt hơn.

Nhưng nếu là học qua truyền hình kiểu ghi hình rồi phát trên tivi, phát trên web thì các tiết dạy có thể dùng chung cho mọi miền đất nước và cũng có thể coi đó là tài nguyên để sử dụng trong dạy học trực tuyến có hướng dẫn của giáo viên, hay học với phần mềm. 

Tuy nhiên, PGS.TS Chu Cẩm Thơ cũng khuyến nghị rằng trẻ em (dưới 10 tuổi) không nên tiếp xúc với máy tính, màn hình tivi, điện thoại quá 2 tiết/ngày. Ngay cả với con gái lớn của tôi, cháu đã 12 tuổi, nhưng những ngày qua cháu học liên tục (vì trường cháu áp dụng mô hình này) khiến cho sức khỏe của cháu cũng có dấu hiệu bị ảnh hưởng. Tôi sợ nhất là các cháu sẽ bị hại về mắt, chức năng vận động, bệnh cột sống…

 Phụ huynh Phạm Bích Nguyệt (Hà Nội): Việc Hà Nội dạy học trên truyền hình là hoàn toàn hợp lý, nhất là khi kỳ thi đang đến gần. Sau lớp 9 và lớp 12, nên áp dụng cho các lớp khác nữa. Sau này chỉ tổ chức thi, không cần dạy bù, vừa đỡ tốn thời thời gian, giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, Bộ GD-ĐT nên sớm thống nhất đưa ra phương án cho thầy cô dạy, ôn tập cho các học sinh các cấp sao cho hợp lý, nhất quán và hiệu quả… 

Đọc thêm