Giáo viên vất vả hơn khi học trực tuyến
Trường THPT Khoa học Giáo dục (Đại học Quốc gia Hà Nội) đã lường trước khó khăn và chuẩn bị dạy trực tuyến từ ngay những tuần đầu tiên nghỉ dịch. Đặc biệt trong 3 tuần gần đây, khi dịch bệnh tiếp tục diễn biến phức tạp, trường đã đẩy mạnh dạy học online.
Thầy Nguyễn Văn Đức (chủ nhiệm lớp 11A8) chia sẻ, thời gian đầu gặp một số khó khăn vì học sinh quen với cách học truyền thống trực tiếp với giáo viên. Nên khi bắt đầu, học sinh thụ động với việc nhận bài tập và làm bài nộp lại cho giáo viên theo thời hạn.
Ngoài việc xem các video thầy cô giảng bài, đọc thêm lý thuyết sách giáo khoa; khi học trực tuyến học sinh còn phải chủ động nghiên cứu thêm các dạng bài tập và tự mình tổng hợp lại những dạng bài đó; học cách tương tác và báo cáo kết quả học tập,…
Việc học trực tuyến, nhà trường phải trang bị thêm phòng quay, máy tính, máy quay, các phần mềm hỗ trợ học online. “Không chỉ học sinh phải tiếp cận với những phương thức học mới, nhiều giáo viên cũng phải tìm tòi, nghiên cứu những ứng dụng mà họ chưa từng sử dụng. Có những giáo viên sẵn sàng đầu tư hệ thống phụ kiện cần thiết cho việc giảng bài online tại nhà để phục vụ trong thời gian này”, thầy Đức nói.
Bài giảng điện tử ứng dụng công nghệ đòi hỏi giáo viên phải dành nhiều thời gian hơn để soạn thảo, tỉ mỉ đến từng bước bước giải, các kỹ thuật cũng cần dùng nhiều hơn cho việc trình chiếu.
“Có những hôm để chuẩn bị cho bài giảng sáng hôm sau tôi phải thức đến 3-4h sáng để có thể chỉnh sửa những công đoạn cuối cùng. Việc nghiệm thu kết quả, chấm, chữa bài cho học sinh cũng mất nhiều thời gian hơn so với học truyền thống. Nói chung, giáo viên tưởng được nghỉ dịch sẽ nhàn hơn nhưng thực tế lại vất vả hơn rất nhiều so với bình thường”, thầy Đức đúc rút.
Một buổi học trực tuyến của thầy Đức cùng học trò. |
Theo thầy giáo 9X, phương pháp dạy học trực tuyến phát huy được tính tích cực, chủ động của học sinh trong việc nắm bắt kiến thức. Cả giáo viên và học sinh linh hoạt về thời gian, có thể học mọi lúc, mọi nơi; tiết kiệm thời gian, chi phí đi lại. Ngoài ra, học trực tuyến cũng tạo ra một không gian lớp học đa dạng hình thức giúp học sinh và giáo viên hứng thú hơn, có những trải nghiệm khác nhau về buổi học…
Bên cạnh đó, phương pháp dạy học trực tuyến thời gian đầu cần đầu tư chi phí để mua các ứng dụng, phần mềm hoặc dụng cụ hỗ trợ cho việc học online hiệu quả. Ngoài ra, việc học trực tuyến vẫn tồn tại trường hợp học sinh không tự giác vào học hoặc làm bài chưa nghiêm túc. Từ đó dẫn đến việc đánh giá kết quả chưa thực sự khách quan…Mặt khác sự tương tác cũng không thuận lợi như dạy học trên lớp.
Theo thầy Đức, trong hoàn cảnh dịch bệnh còn diễn biến phức tạp, thì phương án học trực tuyến sẽ là giải pháp hiệu quả nhất. Ngành giáo dục cần có đầu tư để việc học trực tuyến được triển khai đồng bộ trên cả nước.
Lo lắng phân hóa học lực gia tăng
Hiện nay ngoài Hà Nội, nhiều địa phương trên cả nước cũng đã bắt đầu triển khai mô hình học qua truyền hình cho học sinh cuối cấp như Đồng Nai, Nghệ An, Thừa Thiên-Huế,...Hoạt động này dự kiến sẽ duy trì đến khi học sinh được trở lại trường sau đợt nghỉ kéo dài vì dịch Covid-19.
Theo cô Thảo (giáo viên lớp 9, Thừa Thiên Huế), dự kiến ngày 23/3 việc dạy trên truyền hình sẽ được áp dụng với lớp 9 trên địa bàn tỉnh. Hiện tại, để giúp học sinh ôn tập, củng cố kiến thức, giáo viên đã linh hoạt bằng cách photo bài tập để học sinh đến lấy, sau đó về nhà để làm rồi nộp bài lại cho giáo viên.
Phương pháp này theo cô Thảo chỉ hỗ trợ học sinh phần nào bởi nếu những học sinh lười nhác thì rất khó đánh giá năng lực qua kết quả bởi học sinh có thể không làm, hoặc nhờ làm bài hộ, sao chép bài.
Tuy chưa áp dụng phương pháp học trực tuyến nhưng theo cô Thảo khó khăn lớn nhất vẫn là ý thức của một số học sinh. “Một bộ phận học sinh chăm học thì vẫn học bình thường, còn nhiều trường học cá biệt, lười học sẽ viện lý do không làm”.
Giáo viên này cũng lo lắng nếu học trực tuyến kéo dài và không có giải pháp quản lý chặt chẽ thì sẽ khiến chênh lệch học lực giữa học sinh khá giỏi với học sinh yếu kém gia tăng. Bởi thực tế khi học trực tuyến, không ai giám sát học sinh có theo dõi bài hay không, mức độ hiểu bài tới đâu?
“Tuy nhiên nếu gia đình cùng giám sát với giáo viên, bản thân các em chịu khó học hỏi bạn bè hoặc tổ chức học theo nhóm để bổ trợ cho nhau thì là điều đáng hoan nghênh. Mô hình học nhóm trước đây từng được triển khai nhưng sau này ít dần mà thay vào đó là học thêm, học kèm…”, một giáo viên khác đề xuất.
Nhiều học sinh bình luận tục tĩu khi học trực tuyến
Từ ngày 9/3, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội phối hợp với Đài Truyền hình Hà Nội tổ chức các chương trình dạy học thông qua hệ thống kênh Hà Nội 1. Lớp 9 và lớp 12 là đối tượng của loạt chương trình này.
Cụ thể, học sinh lớp 9 có 3 môn học gồm: Ngữ văn, toán, tiếng Anh; học sinh lớp 12 có 9 môn học: Ngữ văn, toán, vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử, địa lý, giáo dục công dân và tiếng Anh.
Một số học sinh khi theo dõi bài giảng trực tuyến có bình luận không nghiêm túc. |
Sau khi triển khai chương trình được sự ủng hộ của đông đảo phụ huynh và học sinh. Tuy nhiên, một bộ phận học sinh bình luận với ngôn từ phản cảm trong các bài giảng trực tuyến khiến nhiều người ngán ngẩm.
Điển hình là một số buổi phát trực tiếp bài giảng của thầy, cô giáo trên trang facebook HANOITV.vn, có nhiều em học sinh đã có những bình luận từ ngữ thiếu chuẩn mực, tục tĩu không tôn trọng thầy cô. Những comment về hình dáng thầy cô giáo, thậm chí có những tài khoản facebook còn bình luận rủ chơi game Liên quân trong bài giảng khiến nhiều người bất bình.
Ban lãnh đạo của Đài phát thanh và Truyền hình Hà Nội cho biết sẽ phối hợp với Công an thành phố để xác minh những trường hợp có hành vi xấu nêu trên.