Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Quân đội

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Xác định chuyển đổi số (CĐS), xây dựng Chính phủ điện tử (CPĐT) trong Bộ Quốc phòng (BQP) là trách nhiệm của các cơ quan, đơn vị và từng quân nhân; các cơ quan, đơn vị tiếp tục triển khai quyết liệt, đồng bộ, có hệ thống, tập trung xây dựng cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại, cơ động trên cơ sở ứng dụng thành tựu cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhanh chóng tháo gỡ các “điểm nghẽn”, đẩy nhanh tiến trình chuyển đổi số.
Đẩy mạnh chuyển đổi số trong Quân đội

Những chuyển biến mạnh mẽ

Những năm qua, Quân ủy Trung ương, BQP đã bám sát thực tiễn, lãnh đạo, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị toàn quân thực hiện quyết liệt, đồng bộ nhiều giải pháp, nhằm đẩy mạnh công tác chuyển đổi số, phát triển Chính phủ điện tử trong lĩnh vực quân sự, quốc phòng, bước đầu đạt được kết quả quan trọng và khá toàn diện.

BQP đã kịp thời ban hành các văn bản quy phạm pháp luật tạo hành lang pháp lý cho các hoạt động ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin, bảo đảm an toàn thông tin; thành lập Bộ Tư lệnh 86 và hệ thống ngành dọc toàn quân đáp ứng kịp thời yêu cầu phát triển về tổ chức.

Xây dựng, ứng dụng các phần mềm dùng chung, phần mềm chuyên ngành phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành, từng bước hình thành thói quen xử lý thông tin trên môi trường mạng cho cán bộ, nhân viên; nghiên cứu, xây dựng thành công các hệ thống tự động hóa chỉ huy đưa vào ứng dụng phát huy hiệu quả trong thực tế giúp từng bước chuyển đổi số trong công tác sẵn sàng chiến đấu.

Công tác bảo đảm an toàn thông tin được chú trọng, đã kịp thời phát hiện ngăn chặn hiệu quả các phần mềm độc hại, các loại mã độc trên các hệ thống mạng máy tính BQP. Công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng công nghệ thông tin được đổi mới cập nhật thường xuyên; hệ thống mạng truyền số liệu quân sự từng bước được nâng cấp, mở rộng,... góp phần tích cực vào tiến trình hiện đại hóa Quân đội.

Theo báo cáo tại Hội nghị đánh giá công tác phát triển CPĐT, CĐS đến tháng 5/2023 và thông qua Đề án CĐS trong BQP đến năm 2025, định hướng 2030, từ đầu 2023 đến nay, công tác phát triển CPĐT, CĐS trong BQP có sự chuyển biến mạnh mẽ, đạt được những kết quả nổi bật.

Ban Chỉ đạo BQP đã chủ động bám sát và kịp thời tổ chức thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ được Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CĐS giao; một số chỉ tiêu, nhiệm vụ trong kế hoạch năm hoàn thành trước tiến độ.

Tại các đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc, đội ngũ cán bộ, nhân viên các cấp cơ bản hình thành thói quen sử dụng các ứng dụng dùng chung phục vụ quản lý, điều hành trên môi trường điện tử; chủ động triển khai nhiều biện pháp tăng cường bảo đảm an toàn thông tin, an ninh mạng. Công tác tập huấn nâng cao nhận thức về CĐS được tổ chức đồng bộ, ngày càng đi vào thực chất.

Đẩy nhanh tiến trình CĐS trong BQP

Thượng tướng Lê Huy Vịnh, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng BQP, Trưởng Ban Chỉ đạo cải cách hành chính và CPĐT BQP, Trưởng Ban soạn thảo Đề án CĐS trong BQP cho biết, để thực hiện tốt các nhiệm vụ theo tiến trình CĐS quốc gia, tạo nền tảng bảo đảm cho tiến trình CĐS và xây dựng CPĐT trong Quân đội, trước mắt, cần tập trung duy trì hiệu quả Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa BQP, thực hiện tái cấu trúc, phân cấp giải quyết theo hướng đơn giản hóa tạo thuận lợi cho người dân, DN khi thực hiện các thủ tục hành chính với BQP.

Tiếp tục phát huy hiệu quả Cổng thông tin thủ tục biên phòng điện tử về các thủ tục xuất nhập cảnh tại Hệ thống cửa khẩu do BQP quản lý. Bổ sung các nền tảng số, duy trì hệ thống các trang, cổng thông tin của các cơ quan, đơn vị trên mạng internet phục vụ công tác thông tin tuyên truyền.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị tập trung nghiên cứu, lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao theo Quyết định 06/QĐ-TTg ngày 6/01/2022 của Thủ tướng phê duyệt Đề án phát triển ứng dụng dữ liệu về dân cư, định danh và xác thực điện tử phục vụ CĐS quốc gia giai đoạn 2022 - 2025, tầm nhìn 2030, trọng tâm là phối hợp các cơ quan chủ quản thực hiện kết nối, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia phục vụ công tác quân sự, quốc phòng; nghiên cứu thực hiện các thủ tục hành chính (nghĩa vụ quân sự, tuyển sinh quân sự,...) trên cơ sở ứng dụng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.

Ưu tiên tập trung củng cố, xây dựng các cơ sở dữ liệu nền tảng, như: Cơ sở dữ liệu về quân nhân, vũ khí, trang bị kỹ thuật để làm cơ sở tạo lập các cơ sở dữ liệu khác (cán bộ, tài chính - ngân sách, bảo hiểm, quân y, quân trang, đầu tư - mua sắm, bảo đảm kỹ thuật,...) từng bước hình thành hạ tầng dữ liệu số trong BQP.

Quá trình tổ chức thực hiện, cần gắn kết chặt chẽ giữa xây và sử dụng dữ liệu số vào phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo, điều hành tại các cơ quan, đơn vị, nhằm phát huy sức mạnh của dữ liệu số.

Thượng tướng Vịnh lưu ý, các cơ quan, đơn vị cần tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả các chỉ tiêu, nhiệm vụ thúc đẩy Cổng dịch vụ công BQP; tổ chức thực hiện kế hoạch triển khai phần mềm quản lý văn bản và hồ sơ công việc có sử dụng chữ ký số đến các cơ quan, đơn vị cấp 2. Chủ động hướng dẫn nhằm tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong các cuộc diễn tập, hội thi, hội thao của các cơ quan, đơn vị toàn quân; từng bước đưa nội dung về CPĐT, CĐS vào chương trình đào tạo tại các học viện, nhà trường quân đội.

Thượng tướng Vịnh nhấn mạnh, tiếp tục rà soát, thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, đúng tiến độ nhiệm vụ Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về CĐS giao BQP; đẩy mạnh công tác phổ biến, lan tỏa những mô hình, đơn vị thực hiện tốt về chuyển đổi số, các ứng dụng, nền tảng số được sử dụng hiệu quả để nhân rộng, áp dụng triển khai trong toàn quân.

Cùng với đó, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ tháo gỡ các “điểm nghẽn” về CĐS mà các hội nghị đã chỉ ra, trong đó, tập trung hoàn thành kế hoạch kiểm tra, đánh giá an toàn thông tin, an ninh mạng với cổng kết nối an toàn liên mạng.

Đọc thêm