Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Bùi Văn Linh - Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ GDCTHSSV (Bộ GD&ĐT) cho biết: "Ở Việt Nam, sau hơn 30 năm thực hiện công cuộc đổi mới, đất nước ta đã có những thay đổi tích cực và quan trọng trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên lại tồn tại các bất cập, thách thức mới tác động mạnh mẽ đến trẻ em và học sinh, sinh viên. Trong trường học có nhiều vấn đề mà các thầy cô giáo không đủ thời gian để bao quát, phát hiện và phòng ngừa; trong đó có nhiệm vụ chăm sóc, hỗ trợ cho các em có hoàn cảnh đặc biệt cần được quan tâm để các em khắc phục được các khó khăn trong cuộc sống để vươn, hoàn thành chương trình học tập, rèn luyện của mình…”.
Được biết, từ năm, năm 2004, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt Khung chương trình đào tạo công tác xã hội ở trình độ cao đẳng, đại học. Đến nay cả nước có: 55 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ cao đẳng và trình độ đại học, 4 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ thạc sĩ và 02 cơ sở đào tạo ngành công tác xã hội ở trình độ tiến sĩ.
Công tác xã hội mới chỉ được công nhận chính thức là một nghề tại Việt Nam, từ năm 2010, sau khi Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Quyết định số 32/2010/QĐ-TTg ngày 25/3/2010 và kể từ đó nghề công tác xã hội đã phát triển rất mạnh mẽ trong nhiều lĩnh vực tại và mới đây nhất ngày 25/3 hằng năm đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt là ngày Công tác xã hội Việt Nam.
Cùng với đó, từ năm 2015, Vụ GDCTHSSV đã triển khai một số nội dung nhằm phát triển công tác xã hội trong trường học ban đầu là các cuộc hội thảo, tập huấn nhằm hình thành cơ sở khoa học cũng như đúc kết các kinh nghiệm quốc tế trong lĩnh vực CTXH trường học.
Các đại biểu tham dự Hội thảo |
Đặc biệt năm 2018, Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã phê duyệt ban hành Thông tư hướng dẫn công tác xã hội trong trường học (Thông tư số 33/2018/TT-BGDĐT có hiệu lực từ ngày 10 tháng 2 năm 2019). Nội dung Thông tư 33 nhằm hướng dẫn các nhà trường về nguyên tắc, nội dung và trách nhiệm thực hiện công tác xã hội trong trường học. Thông tư 33 hướng đến 3 mục đích: i) Nâng cao kiến thức và kỹ năng để người học tự giải quyết các khó khăn, căng thẳng, khủng hoảng tạm thời về tâm lý, phát huy tiềm năng, năng lực học tập của bản thân. Bảo vệ người học trước nguy cơ bị xâm hại, bị bạo lực, phòng tránh các tệ nạn xã hội, hạn chế tình trạng người học bỏ học, vi phạm pháp luật. ii) Nâng cao nhận thức, kỹ năng của cha mẹ hoặc người giám hộ của người học trong việc hiểu, chia sẻ, đồng hành cùng người học. Hỗ trợ cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên trong cơ sở giáo dục nâng cao kiến thức, kỹ năng về công tác xã hội trong trường học. iii) Kết nối nguồn lực từ cộng đồng tham gia, phối hợp cùng cơ sở giáo dục thúc đẩy hoạt động công tác xã hội trong trường học. Việc ban hành và triển khai Thông tư 33 về hướng dẫn công tác xã hội trong trường học đã thể hiện tính nhân văn cao cũng như trách nhiệm của các trường học đối với việc chăm sóc, hỗ trợ các học sinh có hoàn cảnh đặc biệt, yếu thế… trên cơ sở sự phối hợp chặt chẽ giữa các lực lượng giáo dục trong trường học với gia đình học sinh và trung tâm công tác xã hội trên địa bàn…
Hội thảo cũng tập trung trao đổi, thảo luận với các thầy cô, đại diện các phòng ban chuyên môn của các sở GDĐT về việc triển khai thực hiện các nội dung của Thông tư trong các nhà trường đảm bảo hiệu quả, với nguồn lực hạn chế trong thời điểm hiện nay về cả con người và tài chính.
Ông Bùi Văn Linh và Bà Nguyễn Thị Thúy – Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Quảng Ninh điều hành các đại biểu thảo luận |
Hội thảo tập trung giới thiệu mục đích, ý nghĩa của việc triển khai công tác xã hội trong trường học; hướng dẫn lãnh đạo các sở GD&ĐT, các phòng chuyên môn xây dựng và ban hành các kế hoạch chỉ đạo, triển khai nội dung của Thông tư đến các nhà trường để các nhà trường xây dựng và hoàn thiện quy trình triển khai Thông tư 33 tại trường học. Hướng dẫn các cơ sở giáo dục kết nối nguồn lực đối với các tổ chức, cá nhân ngoài cộng đồng nhằm giải quyết các vấn đề của nhà trường.
Bên cạnh đó, Hội thảo cũng sẽ triển khai quán triệt, hướng dẫn công tác hỗ trợ học sinh trong lĩnh vực hỗ trợ học sinh phổ thông khởi nghiệp (theo tinh thần Đề án 1665 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ HSSV khởi nghiệp đến năm 2025). Xác định là một nội dung mới và có nhiều bỡ ngỡ đối với các Sở GD&ĐT, các trường phổ thông trong quá trình triển khai thực hiện, đặc biệt hỗ trợ khởi nghiệp đòi hỏi rất nhiều kiến thức liên quan đến công tác chuyên môn và mang tính học thuật cao.
Trên cơ sở các ý kiến trao đổi, thảo luận, kiến nghị các khó khăn, vướng mắc trong triển khai Thông tư 33 và công tác khởi nghiệp cho học sinh phổ thông của các đại biểu, Bộ GD&ĐT sẽ cung cấp thêm các thông tin, tổng hợp, nghiên cứu và định hướng các hoạt động chỉ đạo, hướng dẫn các sở GD&ĐT triển khai trong thời gian tới được đúng hướng, chất lượng, hiệu quả các chính sách, qui định của ngành.