Chủ động nghiên cứu các cơ chế về tư pháp quốc tế
Đây là lần thứ 4 Việt Nam chủ trì diễn đàn về hợp tác pháp luật và tư pháp trong ASEAN và là diễn đàn thứ 3 có chủ đề tập trung về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại nhằm triển khai sáng kiến của Việt Nam “Tăng cường tương trợ tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại giữa các quốc gia thành viên” trong ASEAN đã được thông qua tại Hội nghị quan chức pháp luật cao cấp ASEAN (ASLOM) lần thứ 20 và Hội nghị Bộ trưởng Tư pháp các nước ASEAN lần thứ 11.
Tham dự Diễn đàn có Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Khánh Ngọc; ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam; ông Christophe Bernasconi, Tổng thư ký Hội nghị La Hay về Tư pháp quốc tế; bà Ramla Khalidi, Đại diện thường trú của UNDP tại Việt Nam; bà Sendy Hermawati, Trưởng phòng Điều ước, Ban Thư ký ASEAN.
Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc phát biểu khai mạc Diễn đàn |
Phát biểu khai mạc Diễn đàn, Thứ trưởng Nguyễn Khánh Ngọc khẳng định, trong bức tranh chung các nước ASEAN thì Việt Nam là quốc gia đã chủ động, tích cực nghiên cứu các cơ chế, khuôn khổ quốc tế khác nhau về tư pháp quốc tế như UNCITRAL, Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế, UNIDROIT, IDLO… và các Điều ước quốc tế khác về tư pháp quốc tế để từ đó đánh giá khả năng tham gia phù hợp với điều kiện, hoàn cành và nhu cầu của Việt Nam.
Trong 10 năm qua, Việt Nam đã tham gia Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế năm 2013, Công ước La Hay về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực con nuôi quốc tế năm 2012, Công ước La Hay về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự và thương mại năm 2016, Công ước La Hay về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại năm 2020.
Các đại biểu tham dự Diễn đàn |
Hơn nữa, Việt Nam cũng đã ký kết 18 Hiệp định tương trợ tư pháp về dân sự và thương mại song phương với các nước, trong đó Hiệp định mới nhất là với Thái Lan vừa ký kết ngày 16/11 vừa qua… và đang tiếp tục nghiên cứu, đánh giá khả năng tham gia các Điều ước quốc tế khác về tư pháp quốc tế. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng tăng cường nghiên cứu, tham khảo có chọn lọc kinh nghiệm của nhiều nước trong xây dựng và hoàn thiện pháp luật về tư pháp quốc tế. Cùng với đó là tăng cường công tác nghiên cứu, đào tạo, bồi dưỡng cho sinh viên luật và cán bộ pháp luật và tư pháp về các chủ đề của tư pháp quốc tế đương đại. Những nỗ lực trên đây của Việt Nam đã đem lại nhiều kết quả tích cực, đặc biệt trong việc tăng cường hiểu biết về tư pháp quốc tế, giải quyết hiệu quả hơn các vụ việc dân sự, thương mại có yếu tố nước ngoài.
Thứ trưởng tin tưởng rằng, thông qua Diễn đàn này, các nước ASEAN và các đại biểu sẽ có thêm các thông tin bổ ích để cùng nhau suy nghĩ, bàn cách thúc đẩy, tăng cường sự hợp tác về tư pháp quốc tế, tương trợ tư pháp trên phạm vi toàn cầu và trong khu vực ASEAN, cũng như là hoàn thiện khuôn khổ pháp luật về tư pháp quốc tế của mình.
Chia sẻ kinh nghiệm trong việc gia nhập và thực thi Công ước La Hay
Ông Giorgio Aliberti, Đại sứ Liên minh Châu Âu tại Việt Nam khuyến khích tất cả các quốc gia thành viên ASEAN noi gương Việt Nam – quốc gia đã tham gia cả 2 Công ước tống đạt và Công ước Thu thập chứng cứ. Ngài Đại sứ hy vọng rằng, các khuyến nghị và kinh nghiệm quốc tế của EU JULE về tương trợ tư pháp trong các vấn đề dân sự có thể hữu ích cho các quốc gia ASEAN khác chưa phải là Bên ký kết để theo dõi công việc và làm quen với các Công ước, trước khi quyết định việc gia nhập.
Tại Diễn đàn, Tổng thư ký của Hội nghị La Hay về tư pháp quốc tế đã giới thiệu tổng quan về Hội nghị, các Công ước của Hội nghị và tình hình hợp tác của các nước ASEAN trong việc gia nhập các Công ước, báo cáo của một số nước ASEAN trong việc nghiên cứu gia nhập Hội nghị La Hay cũng như việc tham gia và thực thi Công ước Tống đạt, Công ước Thu thập chứng cứ.
Bên cạnh đó, chuyên gia của các nước thành viên hai Công ước nêu trên gồm Hoa Kỳ, Thuỵ Sĩ và Nhật Bản đã chia sẻ kinh nghiệm, những thuận lợi và thách thức trong việc gia nhập và thực thi Công ước La Hay năm 1965 về tống đạt ra nước ngoài giấy tờ tư pháp và ngoài tư pháp trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước tống đạt) với 79 nước thành viên và Công ước La Hay năm 1970 về thu thập chứng cứ ở nước ngoài trong lĩnh vực dân sự hoặc thương mại (Công ước Thu thập chứng cứ) với 64 nước thành viên.
Đây là 2 Công ước đa phương có nhiều quốc gia thành viên nhất trong số 36 Công ước của Hội nghị, trong đó có hầu hết những nước mà Việt Nam có nhiều nhu cầu hợp tác về tương trợ tư pháp.