Đẩy mạnh phân cấp, phân quyền hơn nữa trong đầu tư công

(PLVN) - Đồng tình với phần lớn các nội dung đề xuất sửa đổi trong Luật Đầu tư công, nhưng các đại biểu Quốc hội đề nghị cần tiếp tục chỉnh lý một số quy định liên quan.
Quang cảnh phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 8. (Ảnh: quochoi.vn)
Quang cảnh phiên làm việc tại Kỳ họp thứ 8. (Ảnh: quochoi.vn)

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV, sáng 6/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự thảo Luật Đầu tư công sửa đổi. Trước đó, dự thảo đã được thảo luận tại tổ.

Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) Nguyễn Phương Thủy (Đoàn Hà Nội) bày tỏ thống nhất cao với việc cần khẩn trương sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Đầu tư công để kịp thời thể chế hóa các quan điểm, mục tiêu, định hướng hoàn thiện thể chế, pháp luật về đầu tư công, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền theo các nghị quyết, kết luận của Trung ương Đảng, Bộ Chính trị; đáp ứng yêu cầu khai thác, sử dụng hiệu quả nguồn lực cho tăng trưởng và phát triển đất nước trong tình hình mới…

Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo Luật, ĐB Thủy góp ý về nhóm chính sách liên quan đến tiếp tục đẩy mạnh phân cấp, phân quyền.

Trong đó, về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư, Chính phủ đề nghị chuyển thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư công nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương từ HĐND sang cho UBND các cấp (khoản 7 và 8 Điều 18). ĐB cho rằng việc quyết định chủ trương đầu tư và quyết định đầu tư nên giao cho 2 cơ quan khác nhau thực hiện để đảm bảo yêu cầu giám sát và kiểm soát quyền lực.

ĐB phân tích, trước chúng ta đang giao cho HĐND quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án đầu tư công sử dụng vốn ngân sách địa phương. Bởi vì HĐND là cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương, quyết định các vấn đề quan trọng của địa phương, là cơ quan thay mặt người dân quyết định việc sử dụng ngân sách của địa phương và thực hiện quyền giám sát nên việc HĐND quyết định chủ trương đầu tư, sau đó Chủ tịch UBND quyết định và tổ chức triển khai dự án đầu tư là một quy trình rất hợp lý. Việc chúng ta cho rằng đưa ra HĐND sẽ kéo dài thời gian cũng chỉ là một cách giải thích và đã có những giải pháp để khắc phục việc này rồi.

Bên cạnh đó, theo đề xuất trong dự thảo Luật, tiêu chí phân loại dự án nhóm B, nhóm C theo tổng mức đầu tư cũng sẽ có độ giãn rất lớn, từ dưới 90 tỷ đến tận 4.600 tỷ đồng đối với một dự án tùy theo lĩnh vực. Do vậy, căn cứ vào lĩnh vực đầu tư, quy mô, tính chất, tổng mức đầu tư của dự án, HĐND hoàn toàn có thể giao UBND quyết định chủ trương đầu tư trong một số lĩnh vực, một số trường hợp phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương như quy định tại khoản 7 Điều 17 của Luật hiện hành. Theo ĐB, quy định như vậy để các địa phương chủ động, linh hoạt trong điều hành, hợp lý hơn so với việc giao toàn bộ thẩm quyền này cho UBND.

Từ đó, vị ĐB Đoàn Hà Nội đề nghị không nên sửa nội dung quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án sử dụng nguồn vốn ngân sách địa phương như đề xuất nêu trên, nhất là khi chưa lấy ý kiến HĐND các cấp cũng như chưa chỉ rõ được thời gian chờ phê duyệt dự án tại HĐND chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng thời gian chuẩn bị, triển khai dự án và có phải là nguyên nhân chính của việc chậm triển khai các dự án đầu tư công hay không.

Đại biểu Trần Chí Cường góp ý về dự án Luật. (Ảnh: quochoi.vn)

Đại biểu Trần Chí Cường góp ý về dự án Luật. (Ảnh: quochoi.vn)

Trong khi đó, ĐB Trần Chí Cường (Đà Nẵng) cũng đánh giá cao dự án Luật Đầu tư công sửa đổi trình tại Kỳ họp lần này, đã hiện thực hóa được những chủ trương tại Hội nghị lần thứ 10 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc tháo gỡ điểm nghẽn về thể chế, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền, giao cho địa phương quyết, địa phương làm và địa phương chịu trách nhiệm.

Cơ bản tán thành với 5 nhóm nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung trong dự án Luật, tuy nhiên, ĐB Cường cho rằng quy định về quy trình thủ tục thực hiện đầu tư dự án công cần phải được nghiên cứu, rà soát, điều chỉnh nhằm rút ngắn hơn nữa thời gian thực hiện dự án.

ĐB Cường chỉ ra, thủ tục đầu tư không chỉ được quy định trong Luật Đầu tư mà còn được quy định trong nhiều luật khác nhau như đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy… Theo quy định hiện hành, thời gian thực hiện các thủ tục về đất đai, xây dựng, môi trường, chuyển giao công nghệ, phòng cháy chữa cháy thường mất nhiều thời gian. Mỗi thủ tục lại có yêu cầu riêng về hồ sơ, trình tự và thời gian, một số thủ tục lại quy định nhiều bước thực hiện (thủ tục xây dựng), một số thủ tục phải thực hiện tuần tự, kết quả của thủ tục này là đầu vào của thủ tục khác.

Tính trung bình, thời gian để thực hiện đầy đủ các thủ tục nêu trên (tùy theo loại dự án A, B hay C) sẽ kéo dài từ khoảng 250 ngày đến 350 ngày mới khởi công xây dựng, tức là phải hơn 8 tháng kể từ lúc HĐND thông qua mới thực hiện. Trên thực tế, thời gian thực hiện thủ tục có thể kéo dài hơn do độ trễ vì phải hoàn thiện các hồ sơ và tài liệu có liên quan, ông Cường nêu.

“Vì vậy, tôi đề nghị dự thảo Luật cần nghiên cứu bổ sung quy định thời gian ở các bước lập thủ tục và phê duyệt của các cơ quan, tương tự như quy định ở điều 36a bổ sung Luật Đầu tư quy định về thủ tục đầu tư đặc biệt trình Quốc hội trong dự án Luật sửa đổi, bổ sung Luật Quy hoạch, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư và Luật Đấu thầu”, ĐB Cường đề xuất.

Đọc thêm