Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các quy định về phòng, chống tra tấn

(PLVN) -Ngày 22/12, Báo Pháp luật Việt Nam phối hợp với Vụ Phổ biến, giáo dục pháp luật tổ chức Tọa đàm “Tuyên truyền, phổ biến trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân về nội dung của Công ước chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về phòng, chống tra tấn”
Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền các quy định về phòng, chống tra tấn

Hai khách mời tham dự chương trình là bà Lê Thị Hòa, Trưởng phòng Pháp luật hình sự, Vụ Pháp luật hình sự hành chính, Bộ Tư pháp và Trung tá Đặng Cẩm Hạnh, Phó Trưởng phòng pháp luật quốc tế và điều ước quốc tế, Cục pháp chế và cải cách hành chính tư pháp, Bộ Công an.

Nội luật hóa các quy định của Công ước

Công ước chống tra tấn và các hình thức đối xử hoặc trừng phạt tàn bạo, vô nhân đạo hoặc hạ nhục con người (Công ước chống tra tấn) được thông qua ngày 10/12/1984 và có hiệu lực từ ngày 26/6/1987. Đây là một trong 16 điều ước quốc tế quan trọng về quyền con người của Liên hợp quốc. Tính đến ngày 21/12/2020, đã có 171 quốc gia thành viên và 5 quốc gia đã ký nhưng chưa phê chuẩn.

 

Thông tin về quá trình tham gia Công ước này, Trung tá Đặng Cẩm Hạnh cho biết Việt Nam tham gia Công ước từ năm 2013. Với tư cách là quốc gia thành viên, Việt Nam phải thực hiện ba nhóm nghĩa vụ chính bao gồm: nghĩa vụ nghiêm cấm và trừng trị các hành vi tra tấn; nghĩa vụ phòng ngừa các hành vi tra tấn và nghĩa vụ bảo vệ nạn nhân của hành vi tra tấn.

Trong số các nhiệm vụ phải thực hiện thì vấn đề nội luật hóa các quy định của Công ước được coi là nhiệm vụ khá quan trọng. Chia sẻ những thành công mà Việt Nam đã đạt được trong hoàn thiện thể chế để đáp ứng những yêu cầu của Công ước, bà Lê Thị Hòa cho biết: Ngay sau khi Quốc hội phê chuẩn Công ước, để xác định rõ nội dung, lộ trình nội luật hóa các quy định của Công ước cũng như trách nhiệm của các Bộ, ngành, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 364/QĐ-TTg ngày 17/3/2015 về phê duyệt kế hoạch triển khai thực hiện Công ước. 

 

Theo đó, các Bộ, ngành cần rà soát, nghiên cứu đề xuất sửa đổi, bổ sung, ban hành mới một số văn bản quy phạm pháp luật nhằm thực hiện Công ước chống tra tấn như Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam, luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự, Luật Thi hành án hình sự, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước, Bộ luật dân sự,... Trong đó có nhiều đạo luật rường cột liên quan đến nhiệm vụ của Bộ Tư pháp. Thực hiện nhiệm vụ nêu trên, cho đến nay, hầu hết các đạo luật đã được rà soát, sửa đổi, bổ sung, ban hành mới trên cơ sở bảo đảm phù hợp hơn với yêu cầu của Công ước Chống tra tấn. 

Đẩy mạnh phổ biến, tuyên truyền

Tính đến nay Việt Nam đã tham gia Công ước được 6 năm, hệ thống pháp luật về cơ bản đã hoàn thiện, quyền con người, quyền công dân đã được bảo đảm. Để tiếp tục phát huy những giá trị tích cực đó, theo bà Lê Thị Hòa trong thời gian tới, các cấp, các ngành, địa phương cần tiếp tục thực hiện một cách thường xuyên liên tục công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tra tấn để bảo đảm người dân tiếp cận một cách nhanh chóng, tiện lợi, hiệu quả hơn; có đánh giá, sơ kết, tổng kết kết quả thực hiện.

 

Gắn kết chặt chẽ hơn việc thực thi Công ước với hiệu quả thực thi pháp luật hiện hành, trong đó có nhiều đạo luật trọng tâm quan trọng có liên quan như Bộ luật Tố tụng hình sự, Bộ luật Hình sự cũng như các đề án quan trọng như ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hoạt động tố tụng. Nâng cao đạo đức công vụ; tôn trọng quyền con người.

Tiếp tục rà soát, đánh giá pháp luật về quyền con người, trên cơ sở các yêu cầu của Công ước quốc tế về quyền con người mà Việt Nam là thành viên  nói chung, Công ước chống tra tấn nói riêng để đề xuất tiếp tục hoàn thiện, bảo đảm phù hợp với quy định của Hiến pháp, điều kiện thực tiễn của Việt Nam, tuân thủ nghĩa vụ của quốc gia thành viên của các Công ước này.

Còn theo bà Đặng Cẩm Hạnh, cùng với việc đẩy mạnh công tác phổ biến, tuyên truyền Công ước và các quy định pháp luật trong nước có liên quan, cần tiếp tục nghiên cứu việc nội luật hóa và nâng cao hiệu quả áp dụng pháp luật đáp ứng yêu cầu của Công ước chống tra tấn. Qua đó, góp phần bảo đảm sự tương thích, phù hợp giữa các quy định của Công ước với các quy định của pháp luật Việt Nam cũng như bảo đảm tốt hơn quyền không bị tra tấn trên thực tế. 

Tích cực hợp tác với các đối tác nước ngoài như UNDP Việt Nam, Vương quốc Hà Lan, Vương quốc Bỉ trong triển khai Công ước chống tra tấn. Tăng cường đầu tư, hoàn thiện cơ sở vật chất để ngăn ngừa, hạn chế, trừng trị nghiêm các hành vi tra tấn cũng như bảo đảm bồi thường thiệt hại về vật chất, phục hồi về tinh thần, sức khỏe cho nạn nhân bị tra tấn. 

Đọc thêm