Đẩy mạnh thể chế để CPTPP đi vào thực tế

(PLO) - Hiệp định Đối tác toàn diện tích cực xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vừa được ký kết đã khẳng định dù hiện nay, nhiều quốc gia đang quay trở lại với chủ nghĩa bảo hộ thương mại thì nhiều nền kinh tế khác vẫn đang theo đuổi đường lối kinh tế mở cửa và hội nhập. Và Việt Nam là một quốc gia trong số đó.
Để CPTPP sớm hiện thực hóa, công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính
cần được đẩy lên một tầm cao mới
Để CPTPP sớm hiện thực hóa, công tác cải cách thể chế, cải cách hành chính cần được đẩy lên một tầm cao mới

Đưa các cải cách thể chế, hành chính lên tầm cao mới

Trong thông điệp phát đi sau lễ ký kết, Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh không ngần ngại bày tỏ sự vui mừng khi “kết quả cuối cùng đã đạt như kế hoạch và mong muốn”. Sở dĩ Bộ trưởng Bộ Công Thương không giấu được cảm xúc của mình là do CPTPP đã có quá nhiều biến động và bất ngờ trong cả quá trình đàm phán.

Biến động lớn nhất là sự rút lui của Hoa Kỳ trong tình thế 12 nước tham gia TPP đã hoàn tất toàn bộ đàm phán và chỉ chờ ký kết. Bất ngờ lớn nhất chính là không thể ký kết một hiệp định mới, thay thế cho TPP trong khuôn khổ Hội nghị Cấp cao APEC tổ chức ở Đà Nẵng vào tháng 11/2017.

Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định, các nước tham gia CPTPP (bao gồm Úc, New Zealand, Singapore, Malaysia, Brunei, Việt Nam, Nhật Bản, Canada, Mexico, Peru và Chile) đã trải qua nỗ lực rất lớn để đến được lễ ký kết này. “Việc ký kết CPTPP là một thông điệp mạnh mẽ về một nền thương mại tự do, chống lại chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch đang quay trở lại. Việt Nam sẽ sớm triển khai và trình Quốc hội để thông qua sớm. Tất cả các nước đều đã khẳng định sẽ triển khai sớm các thủ tục trong nước để nửa đầu năm 2019 CPTPP chính thức có hiệu lực” - Bộ trưởng Trần Tuấn Anh thông tin.

Bộ trưởng cho biết thêm, Bộ Công Thương sẽ sớm tổ chức xây dựng chương trình hành động và các báo cáo cụ thể lên Chính phủ để Chính phủ trình Quốc hội sớm phê chuẩn Hiệp định. Đồng thời Bộ cũng xác định rõ trách nhiệm và nhiệm vụ của các cơ quan đầu mối, tổ chức đôn đốc và thực thi CPTPP. Sẽ có nhiều nhiệm vụ lớn, đặc biệt liên quan đến rà soát cơ sở pháp lý để bổ sung và sửa đổi các điều khoản của các bộ luật nhằm “nội luật hóa” các cam kết hội nhập trong khuôn khổ Hiệp định.

Ngoài ra, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh còn khẳng định, để thực thi CPTPP một cách hiệu quả nhất, các bộ, ngành phải có trách nhiệm rà soát các điều khoản để triển khai các chương trình hội nhập ở trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước, đặc biệt các nhiệm vụ liên quan đến cải cách thể chế, bộ máy và hành chính. “Những nhiệm vụ này sẽ được đẩy lên một tầm cao mới để đưa CPTPP vào thực tế và giúp nền kinh tế hội nhập có hiệu quả hơn”.

Phải chuẩn bị ứng phó với những yếu tố không tích cực…

Nhiều chuyên gia kinh tế bày tỏ, những tác động tích cực của CPTPP tương đối toàn diện. Tuy nhiên, khuôn khổ hội nhập nào cũng đều hàm chứa những tác động tích cực và những điều ngược lại. Đây chính là vấn đề được Bộ trưởng Bộ Công Thương đề cập đến trong một cuộc phỏng vấn ngay sau lễ ký kết. Theo đó, Bộ trưởng cho biết công việc cần kíp nhất là tổ chức truyền thông cho người dân và DN để tất cả đều nắm được thông tin nhằm khai thác các cơ hội và điều kiện thuận lợi của hội nhập ở CPTPP. Quan trọng hơn nữa, theo Bộ trưởng là việc “ứng phó với những chiều hướng không tích cực ảnh hưởng đến đời sống xã hội của Việt Nam sau CPTPP cũng là một vấn đề cần phải tập trung”.

Cũng như các quốc gia khác, khi đã tham gia CPTPP, Việt Nam không chỉ cam kết mở cửa thị trường, gỡ bỏ hàng rào thuế  quan, tiếp tục tự do hóa và thuận lợi hóa thương mại mà còn tiếp tục công khai, minh bạch hóa quản lý nhà nước về phát triển thị trường.

Theo các điều khoản cam kết, hàng loạt lĩnh vực của Việt Nam bao gồm truyền thống và phi truyền thống đều có các cam kết. Như vấn đề sở hữu trí tuệ, gần như lần đầu được đề cập đến trong các hiệp định thương mại (bên cạnh Hiệp định EVFTA vẫn đang chờ ký kết) hay mua sắm công - lĩnh vực truyền thống, trong nội dung của CPTPP, Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ cùng những quốc gia khác.

Với lĩnh vực phi truyền thống như điều kiện lao động và môi trường của người lao động, hay nội dung liên quan tới công đoàn cũng đòi hỏi cam kết và cải cách mạnh mẽ. Khi thực thi những cam kết hội nhập này, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và các ngành nghề, DN, sản phẩm được cải thiện và nâng cao hơn nữa. 

Bên cạnh đó, với một môi trường liên tục được hoàn thiện bằng những cải cách về thể chế cũng như từng lĩnh vực quản lý nhà nước cụ thể, đặc biệt là môi trường đầu tư kinh doanh thì điều kiện để thu hút đầu tư thêm nguồn lực từ bên ngoài sẽ được cải thiện nhanh chóng.

Tuy nhiên, điều mà Bộ trưởng Bộ Công Thương muốn nhấn mạnh đến là sự chủ động trong tiếp cận thị trường, bằng chính nhãn quan của DN mới là điểm mấu chốt, đảm bảo hội nhập thành công. Đây cũng là vấn đề được Thủ tướng Chính phủ và nhiều chuyên gia kinh tế nhấn mạnh trong các cuộc gặp gỡ DN. Theo đó, khi mở cửa thị trường với nhiều điều khoản cam kết trong các hiệp định thương mại, chính các DN phải  nỗ lực chủ động đón thời cơ, tự nâng cấp sản phẩm để đáp ứng ngày càng đa dạng những yêu cầu quốc tế. 

CPTPP mang lại lợi ích kinh tế trực tiếp và thúc đẩy cải cách trong nước

Ngân hàng Thế giới (WB) trong một báo cáo công bố ngày hôm qua (9/3), ngay sau khi Việt Nam và 10 quốc gia khác vừa ký kết CPTPP khẳng định CPTPP sẽ mang lại nhiều lợi ích kinh tế to lớn cho Việt Nam.

Theo báo cáo “Tác động kinh tế và phân bổ thu nhập của CPTPP: Trường hợp Việt Nam”, những hiệp định thương mại đa phương như CPTPP sẽ bổ sung động lực cho mô hình tăng trưởng dựa trên đầu tư và xuất khẩu của Việt Nam.

“Ngay cả khi dựa trên những giả định khiêm tốn thì CPTPP dự kiến cũng sẽ góp phần làm tăng thêm 1,1% GDP tính đến thời điểm 2030. Với thêm giả định tăng năng suất khiêm tốn, CPTPP sẽ góp phần làm GDP tăng thêm 3,5%”, ông Ousmane Dione, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam cho biết.

Hiệp định này dự kiến sẽ mang lại lợi ích cho mọi nhóm thu nhập, nhưng những lao động có tay nghề cao và thuộc nhóm có thu nhập 60% từ trên xuống sẽ được hưởng lợi nhiều hơn. Ngoài ra, dự kiến tăng trưởng đầu tư nước ngoài cũng sẽ kéo theo tăng trưởng ngành dịch vụ và tăng năng suất lao động. Các DN tư nhân trong nước sẽ có thêm cơ hội tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu và nhờ vậy khuyến khích phát triển khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa.

“Hiệp định mới sẽ mang lại lợi ích trực tiếp cho Việt Nam nhờ tự do hóa thương mại và tăng cường tiếp cận thị trường. Quan trọng nhất là nó sẽ thúc đẩy và tăng tốc quá trình cải cách trong nước trong nhiều lĩnh vực khác nhau”, ông Sebastian Eckardt, chuyên gia kinh tế WB tại Việt Nam nói và khẳng định: “Thực hiện các cam kết trong CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa minh bạch hóa và xây dựng thể chế hiện đại tại Việt Nam”.

CPTPP dự kiến sẽ thúc đẩy cải cách trong các lĩnh vực như quản lý cạnh tranh, dịch vụ (dịch vụ tài chính, viễn thông và gia nhập tạm thời của các nhà cung cấp dịch vụ), hải quan, thương mại điện tử, môi trường, mua sắm của Chính phủ, sở hữu trí tuệ, đầu tư, tiêu chuẩn lao động, pháp lý, thâm nhập thị trường hàng hóa, quy tắc xuất xứ, các biện pháp phi thuế quan, khắc phục thương mại..

Báo cáo này nhận được sự hỗ trợ của Đối tác chiến lược giữa Australia và Nhóm WB (ABP II) nhằm giúp nghị trình phát triển của Việt Nam thông qua hỗ trợ kỹ thuật, nâng cao năng lực và phân tích. “Cùng với WB, chúng tôi cam kết giúp Việt Nam tận dụng lợi thế từ những cơ hội kinh tế to lớn do CPTPP mang lại”, bà Rebecca Bryant, Đại biện lâm thời sứ quán Australia tại Việt Nam cho biết.“Hoạt động này bao gồm hỗ trợ tăng tính cạnh tranh, giảm hàng rào thương mại và tăng cường kết nối”.

Đọc thêm