Đẩy mạnh trồng rừng để giảm thiểu sạt lở đất

(PLVN) - Trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam đã liên tiếp hứng chịu nhiều đợt thiên tai khắc nghiệt. Cụ thể, 16 đợt nắng nóng trên diện rộng với nhiệt độ cao nhất tuyệt đối phổ biến từ 35 - 38 độ C, 2 siêu bão, mưa dông kéo dài trên diện rộng gây ra sạt lở đất nghiêm trọng ở khu vực vùng núi phía Bắc, miền Trung và Tây Nguyên.
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)

Thiên tai diễn biến phức tạp gây hậu quả nặng nề về người và của. Cả nước ghi nhận 1.753 sự cố, thiên tai, làm chết 267 người, cháy 628 nhà xưởng, cháy 1.176ha rừng; hư hại 45.536ha lúa và hoa màu... Đặc biệt nhiều công trình xây dựng quan trọng bị hư hại như cầu đường, dự án hồ chứa nước ở Lâm Đồng.

Bên cạnh đó, hiện trên cả nước đang diễn ra liên tiếp các đợt sạt lở đất nghiêm trọng. Nguyên nhân chính do mưa lớn kéo dài làm tích một lượng nước lớn trong đất, làm giảm kết cấu độ bền của đất cộng với địa hình dốc đã dẫn tới sạt lở.

Trước tình hình biến đổi khí hậu đang diễn biến phức tạp, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên Gaia đã quyết liệt triển khai các phục hồi rừng đầu nguồn trên khắp Việt Nam. Trong mùa hè vừa qua, với sự hỗ trợ của 15 doanh nghiệp đồng hành, Gaia đã trồng xong 7650 cây, phủ xanh 19.5ha rừng nghèo kiệt tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai.

Chương trình trồng rừng Đồng Nai có ý nghĩa quan trọng trong giảm nhẹ thiệt hại thiên tai và tạo nên các bể chứa carbon tự nhiên ứng phó với biến đổi khí hậu. Đồng thời, hoạt động trồng rừng Đồng Nai còn góp phần bảo vệ một trong những quần thể voi hoang dã cuối cùng đang sinh sống tại đây, bảo vệ an ninh nguồn nước cho TP Hồ Chí Minh và các tỉnh miền Đông Nam Bộ.

Để bảo đảm tạo ra được những giá trị tích cực lâu dài, Gaia đã phối hợp với Khu Bảo tồn Thiên nhiên Văn hóa Đồng Nai lên kế hoạch và triển khai thực hiện trồng, chăm sóc, giám sát rừng chặt chẽ trong vòng 4 năm. Các loài cây được lựa chọn trồng là các loài cây bản địa, trong đó có nhiều loài quý hiếm, với chủng loại đa dạng, như: gõ mật, trắc đen, cẩm lai, lim xẹt, huỷnh, trường, dâu da…

Hoạt động chăm sóc như phát quang, cắt dây leo, làm đất, trồng dặm… được thực hiện định kỳ 2 lần 1 năm. Các thông số chiều cao, đường kính gốc, đường kính ngực, ảnh chụp giám sát, đo tính lượng CO2 hấp thụ, lượng O2 tạo ra… được thực hiện bởi các cán bộ chuyên trách và tổng kết trong báo cáo để gửi đến các đơn vị tài trợ hằng năm.

Đọc thêm