Nhức nhối vấn nạn phá rừng thông tại Lạc Dương

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Tuyến đường nhựa kết nối trung tâm xã Đạ Sar (huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng) sang Đưng K’Nớ đang được trải nhựa. Cùng với thuận lợi giao thương mang lại, một số đối tượng đầu cơ đang tìm đủ cách lấn rừng chiếm đất.
Nhiều cây thông lâu năm tại tiểu khu 99 bị cưa hạ.
Nhiều cây thông lâu năm tại tiểu khu 99 bị cưa hạ.

Phá rừng “đón đầu” quy hoạch đường mới

Lạc Dương được xem là “lá phổi” của Lâm Đồng vì diện tích rừng lớn nhất nhì tỉnh. Từ cuối 2021, PLVN từng có loạt bài phản ánh về tình trạng phá rừng tại đây. Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khi đó đã có những chỉ đạo quyết liệt. Huyện Lạc Dương cũng liên tục ra văn bản chỉ đạo…

Từ thông tin bạn đọc phản ánh, đầu tháng 8/2023, nhóm PV PLVN trở lại địa phương, đi theo tuyến đường nhựa mới mở nối từ trung tâm xã Đạ Sar vào thôn 1, hướng sang xã Lát, xã Đưng K’Nớ. Men theo đường đá vào sâu theo hướng sang xã Lát (người địa phương gọi là đường Núi Bà - PV), phát hiện dọc hai bên đường đá nhiều cây thông lâu năm ngã xuống, có dấu hiệu của phá rừng lấy đất trồng cà phê.

Tại một đồi thông thưa cây, giữa bãi đất trống là dấu vết những gốc thông bị đốt cháy, cạnh đó nhiều cây thông ngã đổ ngổn ngang, một số cây khác bị cưa gọt ở gốc (thủ đoạn “ken” cây khiến cây chết dần - PV). Ghi nhận quanh các gốc thông ngã xuống đã có nhiều hố vừa đào, những cây cà phê cao hơn gang tay vừa được trồng theo hàng, chen vào các gốc thông cháy khô, đất đào còn mới. Gần đó, một nhóm người đang trồng, bón phân cho những cây cà phê vừa cắm xuống.

Lấn chiếm rừng trồng cà phê và những cây thông bị ken.

Lấn chiếm rừng trồng cà phê và những cây thông bị ken.

Quanh ngọn đồi nằm ngay sát đường đá, có vị trí cao, tầm nhìn đẹp này, ghi nhận hàng chục cây thông khác bị cưa vòng quanh gốc, mùn cưa còn mới. Bên một số cây thông chết khô, có vỏ hộp thuốc diệt chuột vứt lại… Theo nhận định, việc cưa, khoan xung quanh gốc thông sẽ khiến cây chết khô, sau đó sẽ tự ngã đổ, là thủ đoạn phá rừng lấn đất thường gặp nhất…

Một người dân địa phương cho biết, khi có thông tin tuyến đường đá này sẽ được đầu tư nâng cấp, thông từ xã Đạ Sar sang xã Lát, xã Đưng K’Nớ, nối sang tỉnh Đắk Nông; một số người đã tìm cách lấn chiếm, mua đất dọc theo tuyến đường. Đối diện bên kia đường, nhiều phần đất còn nhiều thông cũng được rào kẽm gai, chôn trụ “đánh dấu chủ quyền”. Giữa những lùm cỏ dại, gốc thông cháy khô là những cây cà phê mới được trồng xuống.

Lực lượng chức năng giải tỏa cây cối trồng trên đất lấn chiếm tại tiểu khu 99 thuộc xã Đạ Sar.

Lực lượng chức năng giải tỏa cây cối trồng trên đất lấn chiếm tại tiểu khu 99 thuộc xã Đạ Sar.

Ông Phạm Quang Hải, Hạt phó Hạt Kiểm lâm Vườn Quốc gia Biduop - Núi Bà (VQG) cho biết, vị trí khu vực trên thuộc tiểu khu 114A, thuộc lâm phần quản lý VQG. Vườn cà phê này rộng 3.800m2, quy hoạch rừng phòng hộ. Tháng 12/2022, đơn vị đã giải toả cây cà phê nhưng sau đó đối tượng vi phạm tiếp tục trồng lại. Ngay sau khi tiếp nhận thông tin PV phản ánh, đơn vị đã tổ chức lực lượng giải toả nóng vườn cà phê, đang tiếp tục đấu tranh làm rõ hành vi “ken” cây phá rừng.

1 xã, phát hiện hơn 5ha rừng bị phá

Đi theo đường mòn vào hướng giáp ranh xã Đạ Sar và xã Lát, PV tiếp tục ghi nhận cả đồi thông rộng lớn đã bị phá. Vị trí này thuộc tiểu khu 99, thuộc vùng rừng giáp ranh của 2 đơn vị quản lý là BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim và VQG.

Một số người dân thôn 1, xã Đạ Sar cho biết, ngọn đồi bị phá nhiều tháng nay, cà phê sau đó được trồng lên. Mới đây, Chi cục Kiểm lâm tỉnh kiểm tra, sau đó giải toả trồng rừng trên đất lấn chiếm.

Tại khu vực, PV ghi nhận nhiều cây thông khô đường kính 20 - 30cm gãy ngã, nhiều đoạn gỗ thông bị cưa thành đoạn ngắn vứt bỏ khắp nơi. Trên khu đất còn nhiều gốc thông lâu năm bị đốt cháy nham nhở, nhiều cây đang sống cũng bị đốt gốc cháy đen… Lực lượng chức năng đã trồng nhiều thông con vào những khoảng đất trống, nhưng phải mất rất nhiều năm nữa, những cây thông này mới to lớn, thế chỗ những cây đã ngã xuống.

Một vườn cà phê lấn chiếm đất rừng vừa được kiểm lâm giải tỏa.

Một vườn cà phê lấn chiếm đất rừng vừa được kiểm lâm giải tỏa.

Liên quan việc phá rừng, lấn chiếm đất rừng tại tiểu khu 99, ngày 14/7/2023, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có Văn bản 494/KL-TTPC tổ chức kiểm tra, xác minh hiện trường và lập hồ sơ xử lý vi phạm lĩnh vực lâm nghiệp. Trước đó, Tổ bay flycam số 01 của Chi cục sau khi bay, chụp ghép ảnh, kiểm tra hiện trường, ghi nhận 19 vị trí phá rừng và lấn chiếm rừng với tổng diện tích bị tác động 5,3ha trên địa bàn xã Đạ Sar, chủ yếu thuộc tiểu khu 98, 99.

Chi cục giao Hạt Kiểm lâm Lạc Dương chủ trì, phối hợp BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, UBND xã Đạ Sar tổ chức kiểm tra, xác minh với 19 vị trí có biến động về rừng và đất lâm nghiệp; kết quả kiểm tra, xác minh phải thể hiện cụ thể bằng biên bản với từng hiện trường, xác định cụ thể hành vi vi phạm, thời điểm vi phạm, thời điểm rừng bị mất, diện tích vi phạm, lâm sản thiệt hại (nếu có).

Khu đất rừng bị lấn chiếm đã được giải tỏa trồng thông tại Tiểu khu 99.

Khu đất rừng bị lấn chiếm đã được giải tỏa trồng thông tại Tiểu khu 99.

Cũng trên diện tích rừng thuộc các lô e, b, d khoảnh 9 Tiểu khu 99, thuộc lâm phần trạm quản lý bảo vệ rừng Đạ Sar quản lý; BQL rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim, Hạt Kiểm lâm huyện và đại diện tổ nhận khoán đã tổ chức giải toả hơn 30.700m2 đất cùng hơn 500m2 hàng rào kẽm gai. Đây là diện tích đất lâm nghiệp thuộc quy hoạch rừng phòng hộ đã bị lấn chiếm trồng cà phê, ngô, mắc ca. Lực lượng chức năng đã giải toả trắng các cây trồng trên đất lấn chiếm và tổ chức trồng thông một phần.

Ngày 8/8, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Lâm Đồng, ông Vũ Đình Cường cho biết vẫn chưa nhận được báo cáo từ Hạt Kiểm lâm Lạc Dương. Trong khi đó, ông Võ Thanh Sơn, Chi cục phó Kiểm lâm cho biết đã có văn bản mới yêu cầu Hạt Kiểm lâm Lạc Dương báo cáo trước 20/8.

Lạc Dương là huyện nằm ở phía Bắc tỉnh Lâm Đồng, cách Đà Lạt 12km. Toàn huyện hiện có hơn 116.000ha rừng và đất quy hoạch cho mục đích lâm nghiệp, chiếm 88,68% tổng diện tích tự nhiên, độ che phủ rừng đạt 85%. Hầu hết diện tích rừng của Lạc Dương nằm trong vùng lõi của VQG Bidoup - Núi Bà. Đây là Khu dự trữ sinh quyển thế giới thứ 9 của cả nước và duy nhất ở Tây Nguyên, gồm vùng rừng nguyên sinh rộng lớn, là 1 trong 4 trung tâm đa dạng sinh học của Việt Nam. Việc quản lý, bảo vệ rừng trên địa bàn huyện Lạc Dương được giao cho hai đơn vị là Ban Quản lý rừng phòng hộ đầu nguồn Đa Nhim (trực thuộc UBND huyện) khoảng hơn 40.000ha và VQG Biduop - Núi Bà (trực thuộc UBND tỉnh Lâm Đồng) hơn 60.000ha.

Đọc thêm