Với nhiều biện pháp đồng bộ như triển khai các Đề án nâng cao chất lượng tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường, đơn vị quân đội, cán bộ, nhân dân khu vực đóng quân, nhất là khu vực vùng sâu vùng xa; phổ biến tài liệu đến cấp đại đội và tương đương; tổ chức sân khấu hóa; rút kinh nhiệm trong toàn quân, công tác tuyên truyền về nội dung Công ước đã được đẩy mạnh, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức năng lực hành vi chấp hành pháp luật, kỷ luật quân đội.
Bộ Quốc phòng cũng đã ban hành Chỉ thị về việc tiếp tục tăng cường quản lý, giáo dục chấp hành kỷ luật và bảo đảm an toàn trong Quân đội nhân dân...; đặc biệt là Thông tư số 192/2016/TT-BQP, Bộ Quốc phòng quy định chi tiết nhiều nội dung các hành vi làm nhục, hành hung người chỉ huy hoặc cấp trên; làm nhục hoặc dùng nhục hình đối với cấp dưới; làm nhục, hành hung đồng đội; đồng thời đưa ra hình thức xử phạt nghiêm minh.
Việc thực hiện tuyên truyền và thực hiện Công ước Chống tra tấn và pháp luật Việt Nam về chống tra tấn có ý nghĩa hết sức thiết thực đối với nội bộ Quân đội nhân dân Việt Nam, ngăn ngừa hiện tượng vi phạm khi thực thi công vụ trong điều tra, kiểm soát, xét hỏi; ngăn ngừa hiện tượng quân phiệt bằng lời nói, hành động tại các cơ quan, đơn vị, tăng cường nhận thức, giảm thiểu các hiện tượng vi phạm kỷ luật, pháp luật ở các cơ quan, đơn vị, tăng sức mạnh trong xây dựng mối quan hệ đoàn kết nội bộ.
Đây được xem là nội dung quan trọng để cụ thể hóa pháp luật Việt Nam, phù hợp với điều kiện thực tiễn hoạt động quân sự, tăng hiệu quả thực hiện quyền con người theo Hiến pháp năm 2013 và các bộ luật, luật mà Nhà nước ban hành, phù hợp với cam kết thực hiện các điều ước quốc tế của Việt Nam, nhất là với nội dung Công ước Chống tra tấn.