Đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Năm học 2021-2022, tình trạng thiếu giáo viên ở các nhà trường trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc không ở mức báo động, song vấn đề thiếu giáo viên ở mỗi cấp học vẫn xảy ra, đòi hỏi tỉnh phải có chiến lược dài hơi để đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục.
Vĩnh Phúc đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.
Vĩnh Phúc đang nỗ lực khắc phục tình trạng thiếu giáo viên.

Theo thống kê của Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, tỉnh hiện có là 17.440 giáo viên, chiếm 76% tổng số biên chế sự nghiệp của tỉnh, thiếu khoảng 3.281 giáo viên các bậc học từ mầm non đến phổ thông cho năm học mới 2021-2022. Trong đó, bậc tiểu học thiếu 960 giáo viên, THCS thiếu 786 giáo viên, THPT thiếu 100 giáo viên, Mầm non là 1.435 giáo viên.

Riêng đối với bậc THCS và THPT còn tình trạng thừa, thiếu cục bộ giáo viên, như thừa nhiều giáo viên môn Ngữ văn, thiếu nhiều giáo viên các môn Tin học, Tiếng Anh, Thể dục…

Năm học 2022-2022, tỉnh Vĩnh Phúc có hơn 500 cơ sở giáo dục với hơn 320.000 học sinh, tăng hơn 50.000 học sinh so với năm học 2020-2021. Năm học này, để triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới ở khối lớp 2 và lớp 6 thì đòi hỏi đội ngũ giáo viên phải đủ về số lượng, chất lượng.

Để giải bài toán thiếu giáo viên trước mắt, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc đã phối hợp với Sở Nội vụ tham mưu với UBND tỉnh tổ chức tuyển dụng với số giáo viên còn thiếu so với chỉ tiêu được giao; rà soát, điều động, biệt phái giáo viên từ trường thừa sang trường thiếu.

Ông Nguyễn Văn Huyến, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Vĩnh Phúc chia sẻ: Sở Giáo dục và Đào tạo đang xây dựng trình HĐND tỉnh ban hành nghị quyết về việc dành ngân sách cho ngành Giáo dục và Đào tạo hợp đồng giáo viên đủ so với chỉ tiêu định mức. Theo đó, sẽ hợp đồng giáo viên theo ngạch, bậc và hạng của từng cấp học, có đóng báo hiểm đủ 12 tháng/năm cho giáo viên. Đây sẽ là điều kiện để giáo viên hợp đồng yên tâm và gắn bó hơn với nghề hơn.

Theo ông Hoàng Thanh, Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Vĩnh Phúc, về giải pháp lâu dài để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên và để phù hợp với tinh thần chỉ đạo tại Nghị quyết số 19 của Bộ Chính trị, cần có lộ trình để đẩy mạnh xã hội hóa giáo dục bằng cách thu hút các hệ thống trường ngoài công lập có uy tín đầu tư phát triển ở Vĩnh Phúc, giao tự chủ đối với một số trường, nhất là các trường tại địa phương có điều kiện kinh tế phát triển.

Được biết, hiện nay tỉnh Vĩnh Phúc đã xã hội hóa được bậc học mầm non trung bình 19%. Bậc học phổ thông, cấp Tiểu học và THCS hiện chưa có trường ngoài công lập; cấp THPT, trong 29 trường hiện mới chỉ có 1 trường ngoài công lập nhưng quy mô còn nhỏ với 1-2 lớp/ mỗi khối lớp.

Đọc thêm