Đề án sữa học đường - vì sao phụ huynh lo?

(PLO) - Trên một diễn đàn trực tuyến, một phụ huynh có tài khoản V.N băn khoăn đề án sữa học đường là sữa của thương hiệu nào? Con có được chọn sữa có đường hoặc không đường để uống không? Đồng tình, rất nhiều phụ huynh khác cũng bày tỏ sự hoang mang khi mà TP HCM và Đồng Nai mới đây đã xảy ra những vụ ngộ độc sau khi học sinh uống sữa trong Chương trình sữa học đường...
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định việc phụ huynh tham gia đề án sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện (ảnh minh họa)
Lãnh đạo Sở GD-ĐT Hà Nội khẳng định việc phụ huynh tham gia đề án sữa học đường là hoàn toàn tự nguyện (ảnh minh họa)

Tất cả học sinh phải tham gia?

Theo thông báo gửi tới phụ huynh, Đề án “Chương trình sữa học đường cải thiện tình trạng dinh dưỡng góp phần nâng cao tầm vóc trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học trên địa bàn TP Hà Nội, giai đoạn 2018-2020” đã được UBND TP Hà Nội phê duyệt để triển khai từ năm học này đến hết năm 2020. Mục tiêu của đề án là có trên 90% số trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học được uống sữa...

Theo đó, trẻ em mẫu giáo và học sinh tiểu học sẽ được uống sữa tươi 5 lần/tuần (tức mỗi ngày một lần), mỗi lần 1 hộp 180ml, có giá 6.800 đồng. Chi phí cho mỗi hộp sữa sẽ được ngân sách hỗ trợ 30%, doanh nghiệp cung cấp sữa hỗ trợ 20%, phụ huynh đóng góp 50%.

Riêng đối với trẻ em thuộc diện hộ nghèo và cận nghèo, người dân tộc thiểu số, thuộc diện chính sách, ngân sách sẽ hỗ trợ 50%, doanh nghiệp hỗ trợ 50%.  Đặc biệt, đây là chương trình tự nguyện, không bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia.

Dù vậy, không ít phụ huynh cho rằng, được giảm 50% giá sữa nhưng để đảm bảo an toàn cho con thì họ vẫn chọn mua ngoài cho yên tâm. “Làm sao tôi có thể đăng ký cho con tôi uống một thứ sữa mà chính nhà trường còn chưa biết nó là sữa gì? Sao chưa có thông tin gì về loại sữa sẽ cho học sinh uống mà trường đã triển khai cho phụ huynh đăng ký?”.

Một số mẹ còn phản ánh rằng, trường con các chị bắt buộc tất cả học sinh phải tham gia. Dù uống hay không uống, nhà trường đều thu vỏ lại, không cho mang về. “Nhà mình bảo không đăng kí vì ở nhà con dùng sữa riêng, sợ uống rối loạn tiêu hóa thì được cô chủ nhiệm trả lời là việc đấy tính sau. Giờ phải kí để giúp các cô hoàn thành nhiệm vụ của cấp trên (?!)”. Thậm chí, phụ huynh nào không tham gia, cô còn nhắn tin để phụ huynh… suy nghĩ lại giúp cô…

Việc tham gia đề án là hoàn toàn tự nguyện

Trước những băn khoăn của phụ huynh, ông Phạm Xuân Tiến - Phó Giám đốc Sở GD-ĐT Hà Nội lý giải, đến thời điểm này, Sở và các đơn vị liên quan đang triển khai bán hồ sơ mời thầu và đã có 7 đơn vị đăng ký tham gia. Sau khi chốt, Sở sẽ công bố tên đơn vị trúng thầu tới tất cả phụ huynh.

Tuy nhiên, ông Tiến cho hay đơn vị nào trúng thầu cũng phải bảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Bộ Y tế về chất lượng sữa. Ngoài ra đơn vị đó cũng phải đủ năng lực để đáp ứng cung ứng cho số lượng lớn trẻ mẫu giáo và học sinh tiểu học Hà Nội tham gia Đề án.

Ông Tiến cũng khẳng định, việc tham gia đề án này là hoàn toàn tự nguyện. Phụ huynh có thể đăng ký cho con tham gia ở bất kỳ thời điểm nào và cũng có thể tạm dừng bất cứ lúc nào khi không có nhu cầu. Tuy nhiên, theo ông Tiến đây là một đề án nhân văn với mục tiêu duy nhất là bổ sung dưỡng chất cần thiết trong giai đoạn phát triển thể lực cho trẻ em của TP nên mong muốn của ngành GD-ĐT là các nhà trường tổ chức tuyên truyền để phụ huynh hiểu chính xác ý nghĩa của chương trình.

Chỉ khi có đầy đủ thông tin thì phụ huynh sẽ thấy việc tham gia là cần thiết, trừ những trường hợp bất khả kháng như học sinh có cơ địa dị ứng với các thành phần của sữa hoặc một số lý do đặc biệt khác.

Cũng theo ông Phạm Xuân Tiến, sữa học đường có khác sữa tươi trên thị trường đó là sữa tươi tiệt trùng, có đường hoặc không có đường, được bổ sung các yếu tố vi lượng và khoáng chất cần thiết để đảm bảo cho việc phát triển chiều cao và trí tuệ của các em học sinh chứ không như sữa thông thường.

Việc cho học sinh uống tại trường còn nhằm giáo dục các em về vấn đề bảo vệ môi trường. Học sinh sau khi uống sữa sẽ được giáo viên hướng dẫn cách gấp bẹp vỏ hộp và xếp gọn vào thùng để đơn vị cung cấp sữa đến thu gom, mang đi tái chế.

Đọc thêm