Đề cao trách nhiệm người đứng đầu trong trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhân dân

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến nhấn mạnh yêu cầu trên khi chủ trì Hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, ngày 25/5/2017 của Thành ủy Hà Nội ban hành “Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân trên địa bàn TP Hà Nội” do Thành ủy Hà Nội tổ chức sáng nay, 28/10.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến phát biểu chỉ đạo Hội nghị. Ảnh: Cổng GTĐT Hà Nội.

Kịp thời nắm bắt, giải quyết những vấn đề nhân dân quan tâm

Báo cáo tại hội nghị cho thấy, sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy chế tiếp xúc, đối thoại trực tiếp giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân đã phát huy hiệu quả và được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Công tác tiếp xúc, đối thoại trực tiếp được triển khai trong không khí dân chủ, cởi mở. Vai trò giám sát của MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội về tổ chức tiếp xúc, đối thoại, thực hiện kết luận của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền sau đối thoại được phát huy.

Việc thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU của Thành ủy đã góp phần tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt hơn các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; tạo đồng thuận cao trong thực hiện các nhiệm vụ chính trị trọng tâm của TP. Nhất là đã huy động được sức mạnh của cả hệ thống chính trị và nhân dân khi triển khai những nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, điển hình trong công tác phòng, chống đại dịch COVID-19 thời gian qua.

Từ năm 2017 đến nay, cấp TP đã tổ chức được 18 hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa lãnh đạo TP với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội, cán bộ, đoàn viên, hội viên và các tầng lớp Nhân dân trên địa bàn TP. Đã có hơn 2.500 lượt người tham gia hội nghị tiếp xúc, đối thoại trực tiếp của các Thường trực Thành ủy với gần 300 ý kiến góp ý, kiến nghị đã được tiếp thu, giải quyết.

Cấp quận, huyện, thị xã định kỳ tổ chức được 210 hội nghị. Cấp xã, phường, thị trấn tổ chức được 2.984 hội nghị. Trọng tâm các ý kiến đối thoại tập trung về tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn; việc thực hiện công tác kiện toàn, sắp xếp tổ chức, bộ máy; công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của cấp ủy, chính quyền các cấp trong quản lý đất đai, tài nguyên môi trường, cải cách hành chính; văn hóa, giáo dục, y tế...

Sau hội nghị, cấp ủy, chính quyền các cấp đã kịp thời chỉ đạo ban hành thông báo kết luận phân công các cơ quan, đơn vị có liên quan giải quyết và trả lời các ý kiến, kiến nghị của đại biểu.

Bên cạnh đó, việc tổ chức các hội nghị tiếp xúc cử tri của đại biểu HĐND các cấp đảm bảo dân chủ, đúng luật, hiệu quả. MTTQ các cấp phối hợp với Thường trực HĐND, UBND cùng cấp tổ chức hơn 1.200 hội nghị tiếp xúc cử tri trước và sau kỳ họp với đại biểu Quốc hội, HĐND TP và hơn 5.760 cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu HĐND các quận, huyện, thị xã…

Ngoài ra, công tác tiếp công dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo, phản ánh, kiến nghị của người dân được thực hiện nghiêm túc theo luật. Sau mỗi hội nghị đối thoại, ngoài những kiến nghị có thể trả lời trực tiếp tại hội nghị, tất cả các ý kiến của người dân đều được phân loại, giao các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Việc giải quyết các kiến nghị của người dân cơ bản đã được trả lời bằng văn bản rõ ràng, công khai, minh bạch về thời hạn giải quyết, cơ quan, đơn vị được giao giải quyết và người chịu trách nhiệm để nhân dân giám sát…

Tại Hội nghị, tham luận của lãnh đạo các quận, huyện, thị xã đều khẳng định vai trò, ý nghĩa và tầm quan trọng của việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU đối với việc tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị trong nắm bắt và kịp thời giải quyết những kiến nghị, đề xuất của Nhân dân; thông qua đó củng cố niềm tin của Nhân dân đối với sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của chính quyền các cấp; huy động sức mạnh tổng hợp, sự chung tay của nhân dân để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của các địa phương, đơn vị và toàn TP.

Các đại biểu cũng khẳng định những kết quả đạt được trong 5 năm qua cho thấy Thành ủy Hà Nội đã lựa chọn trúng và đúng vấn đề để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đáp ứng kịp thời những đòi hỏi cấp thiết từ thực tiễn phát triển của TP.

Đại biểu các quận, huyện, thị xã đề nghị Thành ủy tiếp tục triển khai Quyết định 2200-QĐ/TU, đồng thời có cập nhật, bổ sung cho phù hợp thực tiễn; chú trọng tập huấn việc triển khai Quyết định 2200-QĐ/TU cho đội ngũ cán bộ các cấp, gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU…

Gắn trách nhiệm của người đứng đầu trong thực hiện kết luận sau đối thoại

Phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến ghi nhận, biểu dương sự tích cực, chủ động của cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội từ TP đến cơ sở trong việc thực hiện Quyết định 2200-QĐ/TU của Thành ủy.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội đánh giá, sau 5 năm triển khai thực hiện, Quy chế đã từng bước đi vào cuộc sống, trở thành hoạt động nền nếp, thường xuyên của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp từ TP đến cơ sở. Qua đó, góp phần tạo chuyển biến tích cực, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị TP và củng cố niềm tin của Nhân dân Thủ đô với cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền các cấp.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến trao Bằng khen của Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Quyết định.

Bên cạnh việc đánh giá cao những kết quả đạt được, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng thẳng thắn chỉ ra một số hạn chế trong thực hiện Quyết định số 2200-QĐ/TU, như công tác tuyên truyền về nội dung Quyết định tại một số nơi còn chưa được coi trọng. Một số nơi còn lúng túng trong công tác chuẩn bị, điều hành, tổ chức thực hiện.

Việc tổ chức đối thoại có lúc còn hình thức, vẫn có tâm lý né tránh, ngại va chạm đối với các nội dung phức tạp. Việc triển khai đôn đốc thực hiện kết luận hội nghị đối thoại ở một số nơi chưa sát sao và hiệu quả của việc giám sát kết luận sau các cuộc tiếp xúc, đối thoại chưa cao…

Để triển khai thực hiện tốt hơn nữa Quyết định số 2200-QĐ/TU theo phương châm “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”, Phó Bí thư Thường trực Thành uỷ Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến yêu cầu, tăng cường công tác tuyên truyền, quán triệt thực hiện Quyết định nhằm nâng cao nhận thức của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, hội viên, đoàn viên và Nhân dân về thực hiện việc tiếp xúc, đối thoại.

Bên cạnh đó, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức Đảng, chính quyền trong việc tạo điều kiện để MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội các cấp và Nhân dân tham gia tiếp xúc, đối thoại. Đề cao tinh thần trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trong tổ chức điều hành, trả lời các đề xuất, kiến nghị của nhân dân.

Các cấp, ngành đổi mới, đa dạng hóa các hình thức, cách thức tổ chức tiếp xúc, đối thoại. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, nâng cao hiệu quả tiếp xúc, đối thoại. Tiếp tục hoàn thiện các cơ chế phối hợp hiệu quả, tạo điều kiện để MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội nắm tình hình, phản ánh tâm tư, nguyện vọng của Nhân dân.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội cũng yêu cầu, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, thực hiện tốt vai trò vận động, tham gia tiếp xúc, đối thoại đóng góp ý kiến xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của đoàn viên, hội viên, Nhân dân.

Chủ động theo dõi, đôn đốc, giám sát việc tiếp thu và giải quyết những kiến nghị, đề xuất, chỉ đạo tại thông báo kết luận hội nghị tiếp xúc, đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân. Kịp thời báo cáo, đề xuất cấp ủy quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo những nội dung chậm giải quyết; gắn trách nhiệm của người đứng đầu, của Ban Thường vụ cấp ủy trong tổ chức triển khai thực hiện kết luận sau đối thoại…

Đọc thêm