Để công nghiệp hỗ trợ có đà vươn xa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Cần có thêm chính sách “cốt tử” cho công nghiệp hỗ trợ để tận dụng những chuyển biến trong giai đoạn cả thế giới đối mặt với dịch COVID-19, từ đó lấy đà vươn xa hơn, sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu.
Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu là cơ hội

Theo một khảo sát của nhóm nghiên cứu thuộc Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam (VASI), các lĩnh vực chủ yếu của công nghiệp chế tạo tại Việt Nam hiện nay như công nghiệp sản xuất xe máy, sản xuất ô tô, công nghiệp điện tử... đã thu hút nhiều tập đoàn, công ty lớn của thế giới đầu tư sản xuất. Tuy nhiên, các nhà sản xuất này vẫn nhập khẩu phần lớn các loại linh kiện hoặc mua từ các nhà cung cấp nước ngoài hoạt động tại Việt Nam. Tỷ lệ mua hàng trực tiếp từ các nhà cung cấp Việt Nam mới chỉ chiếm phần nhỏ.

Tuy nhiên, khảo sát cũng cho thấy có một số trường hợp doanh nghiệp (DN) Việt Nam thành công trong việc trở thành nhà cung cấp cho chuỗi giá trị của các công ty đa quốc gia, thông qua việc DN chủ động đầu tư, nâng cao năng lực đáp ứng yêu cầu của khách hàng; thực hiện liên doanh, hợp tác đầu tư, mua lại DN hoặc thành lập DN tách ra từ các DN đầu tư nước ngoài...

Có thể kể đến thành công của các Công ty Thành Long, An Phú Việt (liên doanh sản xuất các công đoạn trong nhà máy); Manutronic (mua lại DN FDI)... Tuy nhiên, số lượng những nhà cung cấp như này rất hiếm hoi.

Đáng chú ý, báo cáo của VASI đánh giá, nhiều DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) đã tận dụng tốt cơ hội do dịch COVID-19 mang lại và cho rằng trong thời gian tới họ sẽ nhận được nhiều đơn hàng hơn nhờ làn sóng chuyển dịch sản xuất từ Trung Quốc. Hầu hết DN CNHT đều sẵn sàng nguồn lực và phương án tài chính để đáp ứng nhu cầu của khách hàng nước ngoài.

Cũng theo số liệu của VASI, có khoảng 5-10% DN sản xuất linh kiện cơ khí và khuôn nhựa đang là nhà cung cấp cấp I, chủ yếu ở Hà Nội và TP HCM đã mở rộng sản xuất, đầu tư dây chuyền mới hoặc mở nhà máy mới trong 2 năm qua.

Theo đại diện Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu trong giai đoạn xảy ra dịch COVID-19 vừa là thách thức cũng vừa là cơ hội cho các DN sản xuất trong nước. Do hàng nhập khẩu cả qua đường tiểu ngạch lẫn chính ngạch bị hạn chế, các khách hàng có xu hướng tìm nguồn cung trong nước tăng lên. Chính vì thế, DN Việt Nam có đôi chút lợi thế khi vẫn duy trì được các dịch vụ hỗ trợ, cung ứng hàng hóa… tới những khách hàng trước đây chủ yếu sử dụng nguồn cung từ nước ngoài.

Tăng chế tạo, giảm gia công lắp ráp

Theo đánh giá của một số chuyên gia trong lĩnh vực, mặc dù các DN CNHT đã tận dụng được cơ hội trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp trên toàn thế giới nhưng phải nhìn nhận rõ ràng về cơ hội hợp tác giữa DN trong nước và DN FDI. Trong đó, phải khẳng định, việc liên kết giữa DN nhỏ và vừa với các công ty FDI chưa thành công có nhiều nguyên nhân, đặc biệt phải kể đến yếu tố kém cạnh tranh về chi phí sản xuất và giá so với các nhà cung cấp nước ngoài; Khó khăn về vốn đầu tư dẫn tới khó tăng quy mô sản xuất…

Do đó, theo Phó Chủ tịch VASI Trương Chí Bình, để giúp DN Việt Nam tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng của khối DN FDI, nhà nước cần hỗ trợ họ nâng cao năng lực thông qua các chính sách khuyến khích chuyển đổi số, đầu tư vào sản xuất điện tử. Nhà nước vẫn chưa có chiến lược cùng các cơ chế chính sách cụ thể cho lĩnh vực điện tử, trong khi đó, điện tử là vấn đề của tương lai. Bên cạnh đó, cũng cần khuyến khích DN FDI nội địa hóa bằng các chính sách về thuế, lao động, ưu tiên thu hút DN FDI có định hướng rõ ràng về nội địa hóa…

Số liệu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) cũng cho thấy, trong 5 năm trở lại đây, trong cơ cấu giá trị gia tăng trong các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam, giá trị gia tăng từ nước ngoài vẫn chiếm tỷ lệ lớn, đặc biệt là từ Trung Quốc và Hàn Quốc, trong khi tỷ lệ hàm lượng giá trị gia tăng nội địa vẫn còn thấp và chưa có nhiều chuyển dịch đáng kể (2 mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam là hàng dệt may và hàng điện tử có tỷ lệ giá trị gia tăng trong nước chỉ lần lượt là hơn 50% và hơn 37%).

Thực trạng này sẽ tiếp tục ảnh hưởng đến công nghiệp nói riêng và kinh tế Việt Nam nói chung. Vì vậy, để phát triển CNHT cần từng bước tự chủ nguồn nguyên vật liệu, linh phụ kiện trong nước là một trong những vấn đề cốt lõi để phát triển bền vững công nghiệp Việt Nam trong dài hạn.

Đại diện Bộ Công Thương khẳng định, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu ngành công nghiệp theo hướng tăng tỷ trọng các ngành chế biến, chế tạo và giảm tỷ trọng gia công, lắp ráp đối với các sản phẩm công nghiệp được sản xuất ở Việt Nam. Từng bước tháo gỡ khó khăn cho DN để tăng khả năng cạnh tranh, xây dựng hàng rào kỹ thuật đối với sản phẩm nhập khẩu nhằm hỗ trợ sản phẩm trong nước, tăng tỷ lệ nội địa hóa, thúc đẩy CNHT phát triển, đi xa hơn và sâu hơn trong chuỗi cung ứng toàn cầu...

Đọc thêm