Để giáo viên không còn tâm lý e ngại học bạ số

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) -  Ông Thái Văn Tài -Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cho biết, triển khai học bạ số giúp giảm áp lực hồ sơ, sổ sách cho giáo viên; giúp tăng tính minh bạch, bảo mật trong công tác quản lý và giúp các tổ chức xã hội nắm thông tin một cách khách quan, phát huy nguồn lực xã hội tham gia đầu tư phát triển giáo dục.
Theo Bộ GD&ĐT, hiện có 69% các tỉnh thực hiện thí điểm được học bạ số.(Ảnh minh họa - Nguồn: PV)
Theo Bộ GD&ĐT, hiện có 69% các tỉnh thực hiện thí điểm được học bạ số.(Ảnh minh họa - Nguồn: PV)

Phụ huynh, học sinh có thể cùng theo dõi tiến độ học tập

Sau một năm triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương cho biết: Hà Nội là đơn vị dẫn đầu toàn quốc về kết quả triển khai học bạ số cấp tiểu học. Tính đến ngày 31/7, số học bạ được ký số trên tổng số học sinh tiểu học đạt 97,6%. Tỷ lệ còn lại là một số học sinh chưa hoàn thành nhiệm vụ, tiếp tục rèn luyện trong dịp hè và sẽ hoàn thành ký số sau khi có kết quả rèn luyện bổ sung.

Chia sẻ về những điểm tích cực của học bạ số, cô Nguyễn Thị Giẽ - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Ngô Sỹ Kiện (huyện Thanh Trì) cho hay: Học bạ số giúp lưu trữ thông tin học sinh chính xác, lâu dài, dễ dàng tra cứu và cập nhật đối với các hoạt động hành chính có sử dụng học bạ, chẳng hạn như khi làm thủ tục cho học sinh chuyển trường. Thời gian đầu, một số giáo viên gặp khó khăn trong tiếp cận phần mềm, do đó nhà trường đã phân công giáo viên Tin học, am hiểu về công nghệ thông tin hướng dẫn, hỗ trợ.

Từ kết quả thí điểm đối với cấp tiểu học, Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội Trần Thế Cương phát động việc triển khai học bạ số tại tất cả trường phổ thông trên địa bàn thành phố từ năm học 2024 - 2025. Như vậy, Hà Nội là đơn vị đầu tiên trong cả nước triển khai học bạ số đến các trường học, học sinh.

Theo thầy Nguyễn Anh Tuấn - Hiệu trưởng Trường THPT Tây Hồ (quận Tây Hồ), thành công bước đầu của thí điểm học bạ số là bước tiến quan trọng trong công cuộc đổi mới giáo dục, hướng tới hệ thống giáo dục hiện đại và hiệu quả hơn. Không chỉ giúp giảm bớt công việc giấy tờ cho giáo viên, học bạ số còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc theo dõi tiến độ học tập của học sinh, giúp phụ huynh và giáo viên nhanh chóng tiếp nhận và hỗ trợ kịp thời với những trường hợp cần thiết. “Trường THPT Tây Hồ sẽ chủ động chuẩn bị mọi nguồn lực cần thiết từ cơ sở hạ tầng, công nghệ, đội ngũ, nhân lực đến đào tạo, tập huấn, sẵn sàng tiếp nhận và triển khai học bạ số hiệu quả nhất”, thầy Tuấn nói.

Cạnh đó, quá trình thí điểm còn một số khó khăn như phát sinh chi phí về hạ tầng thiết bị, lưu trữ và vận hành hệ thống dữ liệu học bạ số; giáo viên phải sử dụng điện thoại, thiết bị của cá nhân để cài đặt phần mềm quản lý chữ ký số; giáo viên ở một số đơn vị phải tự chi trả kinh phí duy trì dịch vụ ký số...

Hệ thống có kết nối với dịch vụ công quốc gia

Ông Thái Văn Tài - Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ GD&ĐT cho biết, tính tới trung tuần tháng 8, có 63/63 Sở GD&ĐT đã đăng ký và được cấp tài khoản kết nối, báo cáo học bạ số (thí điểm) về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT (hệ thống thử nghiệm). Có 59 Sở GD&ĐT đã thực hiện gửi báo cáo học bạ số về Kho học bạ số Bộ GD&ĐT với 4.241.906 học bạ số cấp tiểu học chiếm tỷ lệ 59,47% (trong tổng số 7.100.388 học bạ cấp tiểu học từ lớp 1 - lớp 4 trong năm học 2023 - 2024).

Ông Thái Văn Tài cho biết, dù vậy, công tác truyền thông về triển khai thí điểm học bạ số cấp tiểu học chưa kịp thời và chưa đạt được hiệu quả như kỳ vọng nên còn có ý kiến muốn có bản học bạ giấy bên cạnh việc sử dụng học bạ số.

Một số cán bộ quản lý giáo dục và giáo viên có tâm lý e ngại mỗi khi đề cập đến việc sử dụng các phần mềm, nhập dữ liệu, liên kết dữ liệu, tính chính xác của dữ liệu, bảo mật thông tin, chi phí cho việc sử dụng chữ ký số, các chế độ cho người thực hiện nhiệm vụ liên quan đến học bạ số.

“Trong thời gian tới cần tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức về nhiệm vụ triển khai học bạ số là nhiệm vụ quan trọng; lợi ích triển khai sử dụng học bạ số để tăng cường tính minh bạch trong quản lý, thông suốt, liên thông trong quản lý, không phát sinh thêm về thủ tục, công việc và nhân lực vận hành” -TS.Thái Văn Tài nêu đề xuất.

Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học Nguyễn Xuân Thành cho biết, qua tìm hiểu thực tế, tất cả các trường đều đã được cấp tài khoản để nhập cơ sở dữ liệu ngành. Hiệu trưởng nhà trường phải nhập thông tin lên hệ thống cơ sở dữ liệu ngành. Việc nhập kết quả học tập bằng học bạ số được các trường kí số và gửi về cơ sở dữ liệu của Sở GD&ĐT bảo đảm tính pháp lý. Ông Nguyễn Sơn Hải - Cục trưởng Cục Công nghệ thông tin cho hay, hiện có 69% các tỉnh thực hiện thí điểm được học bạ số với trên 50% tổng số học sinh. Công tác triển khai có một số khó khăn, thiếu sót trong vấn đề nhận thức về học bạ số ở địa phương, lúng túng trong quy trình tổ chức thực hiện chữ kí số cho giáo viên...

Theo đó, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nhấn mạnh, cần tiến hành sơ kết đánh giá và phân tích được những điểm còn khó khăn để tìm ra các giải pháp phù hợp. “Việc triển khai học bạ số cần xác định lộ trình thời gian sao cho khả thi. Vấn đề mô hình kỹ thuật cũng cần phải làm rõ. Bộ GD&ĐT hướng đến xây dựng cơ sở dữ liệu chung thống nhất, bao trùm toàn ngành Giáo dục”, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn yêu cầu.

Đọc thêm