Đê Hà Nội "run rẩy" trước mùa mưa bão

Sự cố gây sạt lở nghiêm trọng kè Thanh Am và Sen Hồ trên tuyến sông Đuống gần đây là một trong những cảnh báo hệ thống đê điều chưa đáp ứng được yêu cầu chống lũ.

Mùa mưa lũ phía Bắc bắt đầu đến cũng là lúc nhiều “con đê mòn lối cỏ về” bao bọc ruộng đồng, làng xóm…đang cần được gia cố. Gần đây, sự cố gây sạt lở nghiêm trọng kè Thanh Am và Sen Hồ trên tuyến sông Đuống là một trong những cảnh báo hệ thống đê điều chưa đáp ứng được yêu cầu chống lũ.

Run rẩy những tuyến đê

Tại Hội nghị triển khai công tác phòng chống lụt bão năm 2010 vừa được UBND TP Hà Nội tổ chức, ông Trần Xuân Việt, Giám đốc Sở NN&PTNT Hà Nội bày tỏ lo ngại về chất lượng 9 tuyến đê trên sông Đà, sông Hồng, sông Đuống, sông Cà Lồ, sông Cầu, đê Vân Cốc dài gần 273km của thành phố chưa thật sự đồng đều. Trong đó, đê Hữu Đà khi mực nước sông báo động 2 trở lên, một số đoạn xảy ra hiện tượng thẩm lậu nước trong tại mái đê và cơ đê phần hạ lưu.

Cũng tuyến đê này, đoạn thuộc khu vực kè Khê Thượng được xác định là vị trí xung yếu vì kè gần đê dòng chủ lưu luôn áp sát mái kè, nơi đây lại có cống trạm bơm Sơn Đà dưới đê nên rất nguy hiểm. Dự kiến tình huống xấu xảy ra khi có lũ cao, có thể xảy ra tình trạng sạt trượt mái đê và gây sự cố ở trạm bơm Sơn Đà.

Gia cố đê để đảm bảo chống chọi với mưa lũ

Kè Thanh Am (Long Biên) đã xuất hiện nhiều vết nứt. Nếu tuyến đê này gặp nguy hiểm, sẽ có hàng chục ngàn dân sống trong biển nước. Điều này rất có thể xảy ra, bởi vị trí K3+700 đến K5+120 bị thắt hẹp, chế độ dòng chảy phức tạp, nước lũ luôn áp sát thúc vào bờ gây nên tình trạng sạt lở nhiều năm qua. Lo ngại hơn, đây là cửa sông, nơi nước sông Hồng chảy vào sông Đuống nên vào mùa mưa lũ nước chảy siết và rất mạnh cuốn đi nhiều đất đá. Hiện nhiều vết nứt đang phát triển rất nhanh trở thành các tổ hợp vết nứt như muốn kéo đổ cả đoạn đê xuống sông. Đặc biệt, tại vị trí K4+930 đến K4+957 có một vết nứt dài 27 mét, rộng  từ 0,2 đến 0,7 mét ở cao trình dương 4,5 mét sắp đổ ụp xuống sông Đuống.

Ông Nguyễn Vĩnh Liên, Chi Cục phó Chi cục Đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội lo ngại: Những năm trước, kè Thanh Am từ K3+700 đến K5+120 thường xuyên xảy ra các cung trượt, lòng sông bị bào mòn xói sâu ảnh hưởng đến sự ổn định của kè. Năm 2006, ở đây đã xảy ra một cung trượt tương ứng vị trí K4+912 đến K4+969 dài 57 mét, cao trình đỉnh cung trượt tại cơ kè dương 8,5 mét, đáy cung trượt (tại khay chân kè) dương 5 mét, toàn bộ mái kè đoạn này đã bị sụt, trượt xuống.

Ông Đỗ Huy Chiến, Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên lo lắng: “Nếu chậm xử lý sự cố kè Thanh Am và Sen Hồ, không ai dám khẳng định sự an toàn của các tuyến đê này trong mùa lụt bão năm nay”.

Kè Sen Hồ ở gần đó tương ứng với K8+394 đến K19+750 đê hữu Đuống cũng đang xảy ra sự cố nặng. Vị trí sạt lở trên kè này nằm ở bờ lõi sông cong, mái kè là mái đê, dòng chảy thường xuyên thúc mạnh vào thân kè. Ở phía bờ Tả đối diện đầu kè Sen Hồ có bãi bồi tạo dòng chủ lưu thúc thẳng vào đầu kè, bào mòn chân kè, do đó từ năm 1979 đến nay, ở đây liên tục phát triển các sự cố nứt nẻ.

Cần đưa ra những giải pháp khẩn cấp

Với đê hữu Hồng, theo đánh giá của Chi cục đê điều và Phòng chống lụt bão Hà Nội, khi mực nước lũ ngoài sông báo động 1 trở lên, nhiều giếng giảm áp sủi đục trong lòng giếng, nền đê tại các huyện Ba Vì, Phúc Thọ dễ xảy ra lún, nứt. Tại vị trí K95 đến K100 đê hữu Hồng tại huyện Thường Tín, năm 2004, Viện nghiên cứu Khoa học thủy lợi đã khảo sát phát hiện 25 tổ mối trong thân đê.

Con đê sông Đuống bao bọc làng quê vùng kinh Bắc đang thực sự  lo ngại nhất trong mùa lụt bão năm nay vì các vị trí dễ bị sạt trượt trên đê hữu Đuống. Hiện thân tuyến đê này nhiều đoạn thiếu độ thoải cả thượng và hạ lưu, do đó các sự cố đối với thân đê vào mùa lũ rất cao.

Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trịnh Duy Hùng cam kết: Đối với sự cố kè Thanh Am và Sen Hồ sẽ cho xử lý khẩn cấp. Tuy nhiên, việc thực hiện phải được sự chấp thuận của Bộ NN&PTNT.

Ông  Việt cho biết thêm, các hệ thống đê sông Đà, sông Hồng, sông Đuống nhiều năm gần đây chưa phải chống lũ lớn, đê lại khô nên chúng ta khó nhận biết được sức chịu đựng của nó trong mùa mưa năm nay. Một vấn đề đáng lưu tâm nữa là sự biến đổi dòng chảy mấy năm gần đây khiến tình trạng sạt lở đê điều xảy ra nhiều hơn, đe dọa sự an toàn đê điều và tính mạng, tải sản của nhân dân.

 Với tình trạng những tuyến đê sung yếu có khả năng đe dọa làng mạc, ruộng đồng thì biện pháp tốt nhất đối phó với mùa lụt bão năm này là chủ động các phương án hộ đê, thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến đê điều trước, trong và sau mỗi đợt mưa lũ.

Tuấn Ngọc

Đọc thêm