Lưỡi hái vô hình
Theo các nghiên cứu, NKBV thường xuất hiện sau 48 giờ kể từ khi người bệnh nhập viện, làm tăng tỉ lệ tử vong, kéo dài thời gian nằm viện, tăng việc sử dụng kháng sinh, tăng đề kháng kháng sinh và chi phí điều trị. Thống kê cho thấy tỉ lệ NKBV vào khoảng 5-10% ở các nước đã phát triển và lên đến 15-20% ở các nước đang phát triển.
Tại hội nghị “Triển khai kế hoạch hành động quốc gia về kiểm soát nhiễm khuẩn trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh giai đoạn 2016 – 2020” tổ chức ngày 7/6 tại TP HCM, PGS.TS Lương Ngọc Khuê – Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Bộ Y tế cho biết: “Các bệnh nguyên gây NKBV có mức độ đa kháng kháng sinh cao hơn các bệnh nguyên gây nhiễm khuẩn trong cộng đồng. NKBV kéo dài thời gian nằm viện trung bình từ 7 đến 15 ngày, làm gia tăng sử dụng kháng sinh và kháng kháng sinh. Do đó, chi phí của một trường hợp NKBV thường gấp 2 đến 4 lần so với những trường hợp không NKBV. Chi phí phát sinh do nhiễm khuẩn huyết bệnh viện là 2 đến 32,3 triệu đồng/bệnh nhân.
Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu cắt ngang của Bộ Y tế (năm 2005) đối với 9.345 người bệnh của 10 bệnh viện, tỷ lệ NKBV là 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4%. Cũng trong thời gian này, một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế TP HCM ở tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ NKBV là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm huyết tương đương nhau (10%).
Vụ dịch sởi năm 2014 cướp đi sinh mạng của hơn 100 trẻ là minh chứng rõ nhất về hậu quả mà NKBV gây ra. Nguyên nhân chủ yếu là bệnh nhi bị lây chéo các bệnh khác do công tác kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) của cơ sở y tế chưa thực hiện tốt. Và biến chứng viêm phổi nặng là nguyên nhân chủ yếu gây ra tử vong cho hơn 100 bệnh nhi vào thời điểm ấy.
Kiểm soát nhiễm khuẩn vẫn chưa được quan tâm đúng mức
Thời gian qua, Bộ Y tế đã đưa KSNK là một ưu tiên của ngành y tế. Nhiều chính sách đã ban hành nhằm tăng cường năng lực KSNK như thiết lập hệ thống tổ chức KSNK từ trung ương đến các bệnh viện; tăng cường sự phối hợp giữa y tế dự phòng và hệ điều trị trong phòng chống dịch bệnh; tăng cường chất lượng quản lý khám bệnh, chữa bệnh,… Tuy nhiên, công tác KSNK vẫn gặp nhiều hạn chế, chưa phát huy được hiệu quả.
Hệ thống tổ chức KSNK tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh cũng chưa hoàn thiện. Cả nước còn 8,9% bệnh viện chưa thành lập Hội đồng KSNK; 15,1% bệnh viện chưa có mạng lưới KSNK; 150 bệnh viện chưa thành lập khoa KSNK; 3% bệnh viện đã thành lập khoa KSNK nhưng chưa bổ nhiệm Trưởng khoa KSNK; gần 20% lãnh đạo khoa/tổ KSNK có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp.
Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK chưa được quan tâm đầu tư đúng mức; nhân lực KSNK còn thiếu và yếu, đa số nhân viên phụ trách công tác giám sát KSNK bệnh viện chưa được đào tạo thực hiện giám sát chuyên trách.
Trước thực trạng đó, Bộ Y tế đã ban hành “Kế hoạch hành động quốc gia về tăng cường công tác KSNK trong các cơ sở khám, chữa bệnh giai đoạn 2016-2020”. Theo đó, Bộ yêu cầu các Sở Y tế, các bệnh viện nghiêm túc nghiên cứu, triển khai thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về KSNK một cách hiệu quả nhất. Trong 5 năm tới, công tác KSNK tại Việt Nam cần tập trung hoàn thiện và đưa vào áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng về KSNK; đẩy mạnh công tác đào tạo cho đội ngũ làm KSNK chuyên trách, cán bộ phụ trách công tác KSNK; đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị và kinh phí để triển khai các hoạt động KSNK…