Hơn 50% bệnh phổi lây nhiễm từ bệnh viện
Nhiễm khuẩn bệnh viện (NKBV) là nhiễm khuẩn mắc phải trong thời gian nằm viện mà không có triệu chứng lâm sàng hoặc đang ủ bệnh tại thời điểm nằm viện. NKBV xảy ra từ 48 đến 72 giờ và trong vòng 10 ngày sau khi bệnh nhân xuất viện. NKBV gây ra nhiều hậu quả nghiêm trọng như kéo dài thời gian điều trị bệnh của bệnh nhân, làm tăng nguy cơ tử vong (gấp 2 – 4 lần nếu NKBV là viêm phổi hoặc nhiễm khuẩn máu), là gánh nặng cho người bệnh, gia đình người bệnh và các cơ sở khám chữa bệnh.
Theo thông tin mới đây được đưa ra tại buổi khởi động chương trình hợp tác giữa Cục Quản lý khám chữa bệnh – Bộ Y tế với Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) trong lĩnh vực kiểm soát nhiễm khuẩn thì tỷ lệ NKBV của nước ta ở mức 5,8% và viêm phổi bệnh viện chiếm 55,4% (số liệu năm 2005). Cũng trong thời gian này, một nghiên cứu cắt ngang khác của Sở Y tế TP HCM trên tất cả các bệnh viện công lập cho thấy tỷ lệ NKBV là 6,4%, trong đó viêm phổi đứng hàng đầu chiếm đến 54,3%, kế đến là nhiễm khuẩn tiết niệu (12,3%), nhiễm khuẩn vết mổ và nhiễm khuẩn huyết tương đương nhau (10%).
Bao giờ mới có thể kiểm soát?
Với những hậu quả đáng lo ngại của NKBV, thời gian qua Bộ Y tế đã đưa việc kiểm soát nhiễm khuẩn là một ưu tiên của ngành y tế. Nhiều chính sách đã ban hành nhằm tăng cường năng lực kiểm soát nhiễm khuẩn như thiết lập hệ thống tổ chức kiểm soát nhiễm khuẩn từ trung ương đến các bệnh viện, tăng cường sự phối hợp giữa y tế dự phòng và hệ điều trị trong phòng chống dịch bệnh… Cả nước đã có 611 cơ sở khám chữa bệnh ký cam kết tham gia chiến dịch “Bảo vệ sự sống hãy vệ sinh tay”, 668 cơ sở khám bệnh chữa bệnh ký cam kết thực hiện phong trào…
Thế nhưng, dường như những nỗ lực đó là chưa đủ, NKBV vẫn chưa được kiểm soát. Số liệu tại buổi khởi động cho biết có đến 36% lãnh đạo khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn (KSNK) chưa được đào tạo, 79.1% nhân viên KSNK chưa được đào tạo cơ bản, cả nước còn 8.9% bệnh viện chưa thành lập Hội đồng KSNK, 15.1% bệnh viện chưa có mạng lưới KSNK, 150 bệnh viện chưa thành lập khoa KSNK. Hầu hết các bệnh viện chưa bảo đảm một nhân viên giám sát trên 150 giường bệnh. 33% bệnh viện đã thành lập khoa KSNK nhưng chưa bổ nhiệm trưởng khoa KSNK, gần 22% lãnh đạo khoa/tổ KSNK có trình độ cao đẳng, trung cấp và sơ cấp. Chưa kể cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ công tác KSNK còn thiếu và chưa được đầu tư đúng mức: 39.7% bệnh viện không có đủ tối thiểu một buồng cách ly đúng quy định ở các khoa lâm sàng, 46.5% bệnh viện không có đơn vị tiệt khuẩn tập trung đạt chuẩn…
BS CKII Hoàng Văn Thành, Phó Cục trưởng Cục quản lý khám chữa bệnh, cho biết công tác KSNK còn gặp nhiều khó khăn. Không ít lãnh đạo bệnh viện chưa thật sự hiểu hết vai trò, tầm quan trọng của công tác KSNK. Tuy nhiên, giai đoạn 2016 – 2020, ngành y tế sẽ tập trung nâng cao năng lực KSNK trong các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nhằm tăng cường chất lượng khám chữa bệnh, bảo đảm an toàn cho người bệnh, nhân viên y tế và cộng đồng.
Rửa tay để tránh nhiễm khuẩn sao mà khó
Vệ sinh bàn tay của nhân viên y tế là một trong những giải pháp hàng đầu được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo nhằm tăng cường KSNK bệnh viện và phòng ngừa các bệnh lây truyền cho người bệnh và nhân viên y tế cung cấp dịch vụ y tế. Ngoài cán bộ y tế, ngay cả người dân cũng cần thực hiện việc rửa tay khi vào bệnh viện để giảm tình trạng lây nhiễm chéo, KSNK. Tuy nhiên, ở nước ta, không mấy người dân nghĩ đến việc đi rửa tay, dù cả ngày đi lại khắp nơi trong bệnh viện. Chị Nguyễn Thị Thường (Lý Nhân, Hà Nam) cho biết: “Ra bệnh viện khám, hết làm xét nghiệm này đến xét nghiệm kia nên làm gì có thời gian mà đi rửa tay. Hơn nữa, muốn rửa tay thì phải vào nhà vệ sinh, nhà vệ sinh thì bẩn nên ngại không muốn vào”.
Cùng với ý thức của người dân, ở nhiều bệnh viện, nơi rửa tay cho bệnh nhân cũng chưa được bố trí hợp lý. Một số buồng bệnh trong bệnh viện không kê bệ rửa tay, nhưng có treo dung dịch sát khuẩn. Tuy nhiên dung dịch này đã hết từ lâu, hoặc còn thì cũng có dòng chữ “Dung dịch chỉ dành cho cán bộ, nhân viên y tế”. Dòng chữ này vô tình đã ngăn không cho người bệnh được rửa tay sát khuẩn. Hoặc một số bệnh viện bố trí bệ rửa tay ở khu nhà vệ sinh. Kế bên là hai thùng rác to đựng rác thải sinh hoạt của người bệnh. Sự bố trí này cũng khiến nhiều người bệnh e ngại và bỏ qua ý nghĩ muốn rửa tay sát khuẩn.