Đề nghị chấn chỉnh nhà thầu, tư vấn giám sát Trung Quốc

(PLO) - Cục Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông đề nghị Bộ GTVT xem xét lại hợp đồng đối với nhà thầu và tư vấn giám sát 2 sự cố công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông.
Hiện trường vụ tai nạn.
Hiện trường vụ tai nạn.
Trong báo cáo vừa gửi Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng, Cục Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông (QLXD&CLCTGT) đã kiến nghị Bộ xem xét lại hợp đồng với Công ty Hữu hạn Tập đoàn 6 của đường sắt Trung Quốc và có công hàm gửi Đại sứ quán Trung Quốc để có biện pháp chấn chỉnh, rà soát lại toàn bộ năng lực, kinh nghiệm... các nhà thầu phụ thi công dự án.
Theo Cục QLXD&CLCTGT, Tổng thầu EPC là đơn vị nhận trách nhiệm chính và chịu toàn bộ chi phí để khắc phục sự cố sập đà giáo, bê tông tại xà mũ trụ H7 dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông.
Đồng thời, đề nghị Bộ GTVT cấm nhà thầu phụ trực tiếp gây ra sự cố không được tham gia vào các dự án giao thông trong thời gian tới.
Ngoài ra, Cục cũng kiến nghị cần xem xét lại hợp đồng của tư vấn giám sát vì liên tiếp để xảy ra 2 sự cố gây mất an toàn trong phạm vi hơn một km khi thi công. 
Ngày 29/12, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký 3 quyết định kỷ luật các cán bộ phụ trách liên quan sự cố mất an toàn nghiêm trọng, sập đà giáo và bê tông trong khi thi công hạng mục xà mũ trụ H7 của nhà ga Bến xe Hà Đông ngày 28/12/2014.
Theo đó, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng vừa ký Quyết định kỷ luật giáng chức đối với ông Nguyễn Mạnh Hùng, Quyền Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt xuống giữ chức Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt kể từ ngày 10/01/2015. 
 
Ông Hùng bị giáng chức do có sai sót với trách nhiệm người đứng đầu Ban QLDA ĐS trong chỉ đạo, quản lý thực hiện Dự án đầu tư xây dựng Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông để xảy ra sự cố nghiêm trọng sập đà giáo và bê tông trong khi thi công xà mũ trụ H7 của nhà ga Bến xe Hà Đông ngày 28/12/2014.
Cùng ngày, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng yêu cầu thi hành Quyết định kỷ luật Cảnh cáo đối với ông Nguyễn Văn Bảo, Phó Tổng Giám đốc Ban QLDA Đường sắt và ông Triệu Khắc Dũng, Phó Cục trưởng Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông. 
Hai vị cán bộ này bị kỷ luật cảnh cáo do có sai sót trong chỉ đạo quản lý xây dựng Dự án đầu tư xây dựng Đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh – Hà Đông để xảy ra sự cố mất an toàn nghiêm trọng sập đà giáo và bê tông trong khi thi công xà mũ trụ H7 của nhà ga Bến xe Hà Đông ngày 28/12/2014.
Ngay sau khi sự cố xảy ra, lãnh đạo Bộ GTVT đã chỉ đạo Tổng thầu EPC cần tập trung chỉ đạo các nhà thầu phụ và huy động các nhà thầu phụ khác tích cực xử lý hiện trường, để giải phóng mặt bằng, đảm bảo an toàn giao thông. Tổng thầu phải chịu hoàn toàn trách nhiệm chính và chịu mọi chi phí do sự cố gây ra. Yêu cầu các đơn vị: Tổng thầu, Tư vấn giám sát, Thầu phụ phối hợp chặt chẽ với các cơ quan liên quan để làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm tập thể, cá nhân có liên quan để xử lý.
Đối với Tư vấn giám sát: Nghiêm khắc phê bình cảnh cáo Tư vấn giám sát trưởng Diêm Chí Cương. Đình chỉ vô thời hạn đối với  ông Tạ Trung Văn - Tư vấn giám sát phụ trách nhà ga Bến xe Hà Đông;
Đối với Ban Quản lý dự án Đường sắt: Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã có quyết định đình chỉ công tác điều hành đối với ông Nguyễn Văn Bảo - Phó Tổng giám đốc Ban QLDA Đường sắt để kiểm điểm làm rõ trách nhiệm.
Đối với Nhà thầu phụ thi công - Công ty Cổ phần Tư vấn Công nghệ và Đầu tư xây dựng Việt Nam (Vinacontech) là nhà thầu chịu trách nhiệm trực tiếp: Đình chỉ toàn bộ công tác thi công, tuyệt đối không cho tham gia thi công bất kỳ hạng mục nào khác của Dự án Đường sắt đô thị Hà Nội, tuyến Cát Linh - Hà Đông./.
Thủ tướng Chính phủ vừa có chỉ thị về việc chấn chỉnh công tác quản lý đấu thầu, thương thảo, ký kết và thực hiện hợp đồng trong các dự án sử dụng nguồn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ.
Để tăng cường hiệu quả công tác quản lý đấu thầu, góp phần tích cực trong việc sử dụng hiệu quả các chương trình, dự án sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, đặc biệt là các đơn vị có dự án chậm tiến độ, giải ngân thấp và có nhiều vấn đề vướng mắc trong quá trình thực hiện, tiến hành rà soát, kiểm điểm những tồn tại trong hoạt động lựa chọn nhà thầu, thương thảo và ký hợp đồng đối với các gói thầu sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi trong thời gian vừa qua và đề ra những giải pháp khắc phục triệt để. Nghiêm túc thực hiện các thỏa thuận, cam kết đã được ký kết giữa Chính phủ Việt Nam với nhà tài trợ.
Cùng với việc nâng cao hiệu quả công tác quản lý đấu thầu và thực hiện hợp đồng, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tăng cường năng lực của các Ban quản lý dự án. Cụ thể, các Bộ, ngành, địa phương, tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước cần tiến hành đánh giá năng lực của các Chủ dự án, Ban quản lý dự án để chấn chỉnh ngay việc phân cấp trong đấu thầu bảo đảm theo đúng quy định.
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Chủ dự án rà soát đội ngũ cán bộ Ban quản lý dự án để tăng cường bồi dưỡng năng lực chuyên môn về đấu thầu và quản lý dự án, bảo đảm tuân thủ yêu cầu chuyên môn của Chủ dự án, bên mời thầu, tổ chuyên gia đấu thầu và các cá nhân theo quy định đồng thời nâng cao ý thức đạo đức nghề nghiệp, trách nhiệm cá nhân.

Đọc thêm