Đề nghị đầu tư xây dựng đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội

(PLVN) - Về phương án đầu tư, dự án đường Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội đề xuất đầu tư công kết hợp với đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) còn dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh thực hiện đầu tư công.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải dự phiên họp.

Chiều 28/4, Ủy ban Kinh tế của Quốc hội (QH) họp phiên toàn thể, thẩm tra Tờ trình dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội và Tờ trình dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Phát biểu mở đầu phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra chủ trương quan trọng tập trung nguồn lực triển khai xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng, công trình hiện đại, tập trung cho nhóm hạ tầng giao thông và nhóm hạ tầng đô thị.

Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ XIII đặt ra yêu cầu phấn đấu đến năm 2030 sẽ có khoảng 5.000km đường cao tốc kết nối các khu kinh tế, khu công nghiệp, cảng biển, cảng hàng không…

Thể chế hóa Nghị quyết của Đảng, QH đã ban hành Nghị quyết số 29/2021/QH15 về Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, bố trí nguồn lực cho các công trình quan trọng quốc gia, trong đó, đặt ra yêu cầu chuẩn bị đầu tư, sớm khởi công và hoàn thành dự án đường Vành đai 3 TP Hồ Chí Minh và Vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội trong giai đoạn hiện nay.

Vừa qua, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030. Theo đó, vùng Thủ đô có 7 tuyến đường vành đai và dự án đường Vành đại 4 lần này là một trong số đó.

Trình bày Tờ trình về 2 nội dung trên tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương nhấn mạnh sự cần thiết, cấp bách của việc đầu tư hoàn thành các dự án quan trọng quốc gia là đường vành đai 4 vùng Thủ đô Hà Nội và đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh.

Theo Thứ trưởng Trần Quốc Phương, 2 dự án sẽ góp phần cải thiện năng lực cạnh tranh của nền kinh tế; tăng khả năng kết nối giao thông giữa các tỉnh trong vùng, phù hợp với quy hoạch giao thông quốc gia; giúp mở rộng không gian phát triển, kéo giãn mật độ dân cư khu vực nội thị; giảm áp lực cho giao thông nội đô và các tuyến đường hiện hữu.

Dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 4 Thủ đô Hà Nội có tổng chiều dài khoảng 112,8km (gồm 103,1km đường vành đai 4 và 9,7 km tuyến nối theo cao tốc Nội Bài-Hạ Long). Dự án đi qua địa phận TP Hà Nội (dài 58,2km), tỉnh Hưng Yên (dài 19,3km), tỉnh Bắc Ninh (dài 25,6km và tuyến nối 9,7km).

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 85.813 tỷ đồng với nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương 28.200 tỷ đồng, ngân sách địa phương 28.203 tỷ đồng, vốn BOT 29.410 tỷ đồng.

Về dự án đầu tư xây dựng đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh, dự án có tổng chiều dài khoảng 76,34km (gồm TP Hồ Chí Minh 47,51km; Đồng Nai 11,26km; Bình Dương 10,76km; Long An 6,81km).

Dự án đường vành đai 3 TP Hồ Chí Minh được chia thành 8 dự án thành phần, tách riêng phần giải phóng mặt bằng và phần xây dựng triển khai độc lập theo địa giới hành chính giữa các địa phương, thực hiện theo hình thức đầu tư công.

Tổng mức đầu tư sơ bộ giai đoạn 1 khoảng 75.378 tỷ đồng với nguồn vốn gồm ngân sách Trung ương 38.741 tỷ đồng và ngân sách địa phương 36.637 tỷ đồng.

Tại phiên họp, cơ bản đồng tình với chủ trương đầu tư xây dựng 2 tuyến đường, các thành viên Ủy ban Kinh tế nêu rõ, dự án sẽ phục vụ phát triển không những hai trung tâm hành chính, kinh tế lớn của cả nước mà còn phát triển các khu vực phụ cận vùng Thủ đô và TP Hồ Chí Minh.

Các đại biểu đề nghị tiếp tục làm rõ một số vấn đề như phạm vi, quy mô, thiết kế sơ bộ phân kỳ theo chiều dọc hay chiều ngang để bảo đảm yêu cầu kết nối thông suốt kết nối; sơ bộ tổng mức đầu tư, cam kết bố trí vốn của các địa phương; giải phóng mặt bằng; hình thức đầu tư; phân chia dự án thành phần; cơ chế chính sách đặc thù trong thực hiện dự án; khai thác khoáng sản... để tăng tính thuyết phục của dự án.

Trước đó, tại phiên họp buổi sáng, Ủy ban Kinh tế thẩm tra báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2021; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội những tháng đầu năm 2022.

Trình bày báo cáo tại phiên họp, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Trần Quốc Phương cho biết, năm 2021, đã có 7/12 chỉ tiêu đạt và vượt so với dự kiến, trong đó chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm 2021 chỉ tăng 1,84%, thấp nhất kể từ năm 2016 (số báo cáo với QH là dưới 4%); bội chi ngân sách Nhà nước bằng 3,41% GDP; xuất siêu đạt hơn 4 tỷ USD; thu hút vốn đầu tư nước ngoài đạt kết quả ấn tượng với mức tăng trưởng 25,2%.

Tuy nhiên, bên cạnh một số chỉ tiêu đạt kết quả tích cực, có một số chỉ tiêu không đạt dự kiến do bối cảnh tình hình thế giới trong nước và quốc tế diễn biến phức tạp và còn nhiều khó khăn.

Trong 3 tháng đầu năm 2022, tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt khá, GDP quý 1/2022 ước tăng 5,03% so với cùng kỳ. Đáng chú ý, khu vực dịch vụ tăng 4,58%, gấp gần 1,5 lần so với cùng kỳ năm 2020-2021, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn vẫn được bảo đảm, thị trường tài chính, tiền tệ cơ bản ổn định, hoạt động sản xuất kinh doanh có dấu hiệu tích cực.

Song, Thứ trưởng Trần Quốc Phương cũng chỉ rõ, sự ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn tiềm ẩn nhiều rủi ro. Giá dầu tăng cao từ cuối tháng 2 tác động dây chuyền lên giá cước vận tải, chi phí sản xuất, logistics, giá cả hàng hoá, nguyên vật liệu…

Thảo luận tại phiên họp, một số ý kiến cho rằng “phục hồi và khởi sắc” là điểm tích cực của kinh tế Việt Nam, được quốc tế ghi nhận. Do đó, báo cáo của Chính phủ cần tập trung làm rõ hơn các kết quả nổi bật này.

Một số ý kiến đề nghị làm rõ hơn về tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản, trái phiếu doanh nghiệp; vấn đề giá nguyên vật liệu xây dựng ảnh hưởng đến tiến độ các công trình trọng điểm quốc gia; việc bảo đảm đủ điện cho nền kinh tế; tiến độ của các công trình quan trọng quốc gia; cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; vấn đề thực hiện Luật Quy hoạch và xử lý nợ xấu; vấn đề xây dựng thể chế…

Đọc thêm