Đề nghị kéo dài thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù cho TP HCM thêm 1 năm

(PLVN) - Chính phủ kiến nghị với Quốc hội (QH) thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM; cho phép TP  tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trình bày tờ trình tại phiên họp.

Trên đây là thông tin được đưa ra tại phiên họp Quốc hội sáng nay, 21/10, trong khuôn khổ Kỳ họp thứ 4.

Nhiều kết quả nổi bật

Trình bày Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP HCM (Nghị quyết số 54) tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc nhấn mạnh, trong bối cảnh việc tuân thủ thể chế chung áp dụng cho các địa phương đã bộc lộ nhiều điểm bất cập, không phù hợp với yêu cầu phát triển của TP HCM, trên cơ sở Nghị quyết số 16-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về phương hướng, nhiệm vụ phát triển TP HCM đến năm 2020”, đề nghị của TP, Chính phủ trình QH ban hành Nghị quyết số 54.

Đây có thể coi là quyết sách quốc gia kịp thời, tạo điều kiện tăng tính tự chủ, tự chịu trách nhiệm, phát huy tính năng động sáng tạo cũng như thúc đẩy tự tháo gỡ những vấn đề khó khăn cho TP, cơ bản nhận được sự quan tâm và đồng thuận trong hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân TP HCM.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết số 54, TP đã đạt được nhiều kết quả nổi bật. Theo đó, ngoại trừ vào các năm chịu ảnh hưởng nghiêm trọng của dịch COVID-19, kinh tế TP liên tục tăng trưởng cao, bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016 - 2019 đạt 7,72%; cao hơn so với mức 7,22% của giai đoạn 2011 - 2015.

Sau khi kinh tế TP tăng trưởng chậm lại ở mức 1,39% trong năm 2020 và suy giảm -6,78% trong năm 2021 do tác động của dịch COVID-19, những tháng đầu năm 2022 đã ghi nhận sự phục hồi với tăng trưởng Quý I đạt 1,87%, quý II đạt 5,73%, bình quân 6 tháng đạt 3,82%.

Tỷ lệ vốn đầu tư toàn xã hội so với GRDP tăng qua các giai đoạn (bình quân giai đoạn 2016 - 2020 đạt 32,29%, cao hơn so với mức 31,07% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Về chất lượng tăng trưởng kinh tế, đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) vào tăng trưởng GRDP liên tục tăng qua các năm (bình quân hàng năm trong giai đoạn 2016-2020 là 38,42%, cao hơn so với mức 33,15% bình quân hàng năm trong giai đoạn 2011-2015).

Theo đánh giá của TP HCM, với việc thực hiện các quy định tại Nghị quyết số 54, tiến độ triển khai các dự án nhóm A được đẩy nhanh hơn so với việc phải trình các cơ quan Trung ương thẩm định.

Việc nâng hạn mức huy động vốn cho phép TP chủ động phát hành trái phiếu chính quyền địa phương, vay từ các tổ chức tài chính trong nước, các tổ chức khác trong nước và từ nguồn Chính phủ vay nước ngoài để bổ sung nguồn lực cho chi đầu tư phát triển.

Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, đảm bảo việc thực hiện kế hoạch sử dụng đất hàng năm đã được phê duyệt có hiệu quả, tạo nguồn lực phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh của TP.

Việc điều chỉnh tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn.

Chính sách chi thu nhập tăng thêm được thực hiện công khai, minh bạch, góp phần cải thiện đời sống của cán bộ, công chức, viên chức, khơi gợi tinh thần lao động sáng tạo, nâng cao hiệu quả làm việc, củng cố và nâng cao chất lượng bộ máy nhà nước trên các lĩnh vực.

Việc thực hiện đẩy mạnh cơ chế ủy quyền cho các cơ quan chuyên môn, địa phương đã phát huy hiệu quả, phù hợp với đặc điểm kinh tế - xã hội, thế mạnh của từng địa phương trên địa bàn TP phát huy được vai trò trách nhiệm của người đứng đầu.

Sau khi cơ chế đặc thù cho TP được quyết định tại Nghị quyết số 54, một số nội dung đã được đưa vào quy định tại Luật và áp dụng cho cả nước như quy định HĐND TP quyết định chủ trương đầu tư đối với các dự án nhóm A sử dụng ngân sách TP theo quy định của Luật Đầu tư công, quy định về cơ chế ủy quyền, quy định về điều chỉnh tên gọi của các phòng thuộc các cơ quan chuyên môn thuộc UBND TP, quy định về phân cấp nguồn thu cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp…

Báo cáo của Chính phủ cũng chỉ ra một số hạn chế như nhiều nội dung triển khai Nghị quyết số 54 còn chậm so với kế hoạch, như các cơ chế điều chỉnh chính sách thu, thực hiện cổ phần hóa, thu từ sắp xếp nhà đất của các cơ quan Trung ương, chi ứng vốn cho các dự án Trung ương trên địa bàn…

Một số cơ chế tuy đã được thực hiện, nhưng hiệu quả còn thấp, như chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học và người có tài năng đặc biệt chưa áp dụng được nhiều; cơ chế tài chính đặc thù nhằm giúp TP có điều kiện huy động thêm nguồn lực để giải quyết các bức xúc về cơ sở hạ tầng, giải quyết các vấn đề về xã hội, môi trường, cải thiện môi trường đầu tư... tạo động lực cho TP tiếp tục phát triển nhanh, bền vững; với mục tiêu hàng năm huy động thêm nguồn lực 40.000 đến 50.000 tỷ đồng/năm cho đầu tư phát triển của TP.

Một số cơ chế chính sách chưa được quy định cụ thể hoặc đang phải chờ văn bản hướng dẫn nên triển khai chậm (các nội dung ủy quyền). Công tác hướng dẫn thực hiện quy định đánh giá, phân loại để chi trả thu nhập tăng thêm chưa theo kịp với tình hình thay đổi của thực tiễn.

Trên cơ sở đề xuất của UBND TP HCM, để góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội đảng bộ TP với mục tiêu tổng quát là “xây dựng TP thông minh, phát triển nhanh, bền vững, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế của cả nước” và mục tiêu cụ thể “Đến năm 2025: là đô thị thông minh, TP dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phí Nam và cả nước”.

Đồng thời, thực hiện thành công các chỉ tiêu phát triển chủ yếu nhiệm kỳ 2020 - 2025, TP tiếp tục khẳng định vị trí, vai trò trung tâm về nhiều mặt của cả nước và phấn đấu vươn lên trong cạnh tranh quốc tế; tập trung huy động các yếu tố nguồn lực và quản lý, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực phục vụ mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Chính phủ kiến nghị với QH thông qua Báo cáo tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54; cho phép TP HCM tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết ngày 31/12/2023. Đồng thời, đưa nội dung này vào Nghị quyết của Kỳ họp thứ 4, QH khóa XV.

Đề nghị tiếp tục, nghiên cứu, rà soát, có các chính sách phù hợp đối với phí, lệ phí

Theo Báo cáo thẩm tra do Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH (TCNS) Nguyễn Phú Cường trình bày, Ủy ban TCNS cơ bản thống nhất với Báo cáo của Chính phủ và đánh giá cao những nỗ lực của Thành ủy, HĐND, UBND cùng nhân dân và toàn thể hệ thống chính quyền TP HCM trong thực hiện Nghị quyết số 54.

Chủ nhiệm Ủy ban TCNS Nguyễn Phú Cường trình bày báo cáo thẩm tra.

Qua đối chiếu với kết quả thực hiện 04 nhóm chính sách được thí điểm tại Nghị quyết số 54, cho thấy, việc triển khai đã đạt được một số kết quả có ý nghĩa quan trọng, góp phần để TP phát triển nhanh, bền vững trong tương lai.

Về khó khăn, hạn chế, báo cáo thẩm tra nhấn mạnh, bên cạnh những kết quả đạt được, do nhiều yếu tố tác động không thuận như đại dịch COVID-19; một số quy định của pháp luật chưa đồng bộ; những hạn chế trong tổ chức thực hiện, Ủy ban TCNS nhận thấy còn một số hạn chế, vướng mắc trong thực hiện Nghị quyết số 54; đặc biệt là một số chính sách liên quan đến đất đai, tài chính, ngân sách nhà nước còn chậm triển khai; có chính sách sau 05 năm vẫn chưa được thực hiện.

Cụ thể, về quản lý đất đai, theo Báo cáo, TP đã thông qua 32 dự án chuyển mục đích sử dụng từ 10ha đất trồng lúa trở lên với tổng diện tích 1.843,79 ha. Việc được chủ động, xem xét chuyển mục đích của các dự án sử dụng trên 10 ha đất trồng lúa giúp rút ngắn thời gian thực hiện và đẩy nhanh tiến độ triển khai các dự án, huy động thêm được nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội của TP.

Ủy ban TCNS cho rằng, mặc dù TP đã chuyển đổi được 1.843,79 ha đất lúa song trên thực tế, nhiều dự án chậm triển khai do phải thực hiện theo các quy định khác liên quan, bao gồm cả nguyên nhân khách quan như khó khăn trong việc xác định nguồn gốc sử dụng đất, thông tin của người sử dụng đất để ra thông báo, quyết định thu hồi đất; vướng mắc về thủ tục pháp lý do thay đổi chủ trương của TP...

Đặc biệt, còn có nhiều nguyên nhân chủ quan như tiến độ thực hiện các công trình, dự án phụ thuộc vào việc thẩm định và ban hành quyết định của các Bộ, ngành, cơ quan nhà nước có thẩm quyền; phụ thuộc trực tiếp vào cân đối vốn chủ đầu tư (bao gồm cả vốn ngân sách và vốn ngoài ngân sách); chủ đầu tư lúng túng trong hoàn thiện các thủ tục để được giao, thuê đất theo quy định...

Ủy ban TCNS đề nghị TP chỉ đạo và thực hiện quyết liệt hơn,thực hiện tốt quy định liên quan, các bộ ngành tăng cường trách nhiệm để bảo đảm đồng bộ trong tổ chức thực hiện.

Đối với tăng mức thu phí, lệ phí trong danh mục kèm theo Luật Phí và lệ phí và ban hành các loại phí, lệ phí chưa được quy định trong danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, báo cáo thẩm tra chỉ ra rằng, Nghị quyết số 54 cho phép TP được áp dụng phí, lệ phí đối với các nội dung chưa được quy định tại Phụ lục kèm theo Luật Phí và lệ phí và được điều chỉnh danh mục các nội dung được quy định tại Phụ lục kèm theo Luật Phí và lệ phí.

Theo Báo cáo, sau gần 05 năm thực hiện, TP đã ban hành 01 quy định tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp theo hướng càng xả thải nhiều đóng phí càng cao đã có tác động đáng kể đến nhận thức, hành vi bảo vệ môi trường đối với các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, góp phần định hướng cho các cơ sở sản xuất áp dụng các giải pháp công nghệ, tiết kiệm nước sạch, giúp cho ngân sách TP tăng thêm khoảng 132,6 tỷ đồng.

Ủy ban TCNS tán thành với việc tăng mức thu phí bảo vệ môi trường đối với nước thải công nghiệp như trên; đồng thời đề nghị tiếp tục, nghiên cứu, rà soát, có các chính sách phù hợp đối với phí, lệ phí, trong đó có phí giao thông như mục tiêu ban đầu đề ra.

Đối với việc hưởng 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền với đất theo quy định của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, theo Báo cáo của Chính phủ, chỉ có 02 cơ sở nhà, đất thuộc trung ương quản lý trên địa bàn TP HCM được cấp có thẩm quyền phê duyệt phương án bán tài sản gắn liền với đất, chuyển nhượng quyền sử dụng đất, nhưng đến nay 02 cơ sở nhà, đất chưa thực hiện được việc bán. Do đó, TP chưa phát sinh 50% khoản thu tiền sử dụng đất khi bán tài sản công gắn liền trên đất của các cơ quan, đơn vị, tổ chức và doanh nghiệp thuộc Trung ương quản lý.

Tuy nhiên, theo Lãnh đạo TP báo cáo thì hiện nay trên địa bàn có hơn 2.000 cơ sở nhà, đất do Trung ương quản lý, trong đó có nhiều cơ sở được sử dụng không đúng mục đích. TP đã tích cực, chủ động làm việc với các cơ quan liên quan để triển khai, song, do nhiều nguyên nhân, đến nay chưa thực hiện được.

Ủy ban TCNS cho rằng, việc thực hiện chính sách chính sách này chưa hiệu quả do nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan. Đề nghị Chính phủ rà soát, báo cáo chi tiết số cơ sở nhà, đất trên địa bàn TP, làm rõ những cơ sở đang sử dụng không đúng mục đích, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm khẩn trương, tích cực phối hợp với TP thực hiện đúng quy định…

Từ đó, Ủy ban TCNS đồng ý với đề nghị của Chính phủ về việc cho phép tiếp tục thực hiện Nghị quyết đến hết 31/12/2023; đề nghị Chính phủ chỉ đạo việc đánh giá, tổng kết toàn diện, đầy đủ kết quả thí điểm và việc “hoàn thiện hệ thống pháp luật về các cơ chế, chính sách đã thực hiện thí điểm và báo cáo QH” theo đúng quy định tại Nghị quyết số 54. Đưa nội dung này vào Nghị quyết chung của Kỳ họp thứ 4 QH khóa 15.

Đọc thêm