Sớm lập danh sách dự án thua lỗ, “đắp chiếu”
Giải trình các ý kiến của các ĐB liên quan đến 5 dự án tồn đọng có số vốn đầu tư lên đến hàng nghìn tỉ đồng (Xơ sợi polyester Đình Vũ, lọc dầu Dung Quất, bột giấy Phương Nam, đạm Ninh Bình, gang thép Thái Nguyên và nhiên liệu sinh học ethanol Phú Thọ), Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, không chỉ có 5 dự án này mà còn một số dự án khác còn tiềm ẩn những nguy cơ tồn đọng và các vướng mắc không được tháo gỡ kịp thời và sẽ có khả năng kém hiệu quả gây ra nguy cơ mất vốn, đầu tư từ nguồn lực của Nhà nước cũng như nguồn lực của xã hội.
Hiện tại, Bộ Công Thương cùng các bộ, ngành đang tổng hợp, đánh giá, rà soát, kiểm tra một cách triệt để và toàn diện tất cả những vấn đề tồn tại của các dự án này và sẽ đánh giá thực trạng hiện nay của dự án, quá trình điều hành thực hiện các dự án đầu tư cũng như vai trò, trách nhiệm của các cấp quản lý cũng như các chủ đầu tư. Việc đánh giá này thực hiện theo nguyên tắc bảo vệ, giữ gìn lợi ích của Nhà nước cũng như hiệu quả đồng vốn của Nhà nước, đảm bảo không thất thoát vốn, phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường và mục tiêu đầu tư của dự án. Đặc biệt, làm rõ trách nhiệm của cá nhân và đơn vị liên quan để từ đó có biện pháp xử lý.
Đặc biệt, theo Bộ trưởng Trần Tuấn Anh, trong trách nhiệm của các bộ chủ quản cũng như các bộ chuyên ngành cần xem xét lại việc chấp hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật nhà nước, nhất là trong khâu chất lượng của các dự án đầu tư, trong đó từ khâu chiến lược, quy hoạch cho đến các chủ trương đầu tư và các nội dung cụ thể của đầu tư, gắn và làm rõ trách nhiệm của các cấp quản lý của Nhà nước cũng như của chủ đầu tư, chủ doanh nghiệp, đặc biệt là những tồn tại, thậm chí không loại trừ những hành động có sự cố ý vi phạm pháp luật của Nhà nước trong quản trị cũng như điều hành các hoạt động đầu tư tại doanh nghiệp nhà nước.
Đánh giá cao giải trình của Bộ trưởng Bộ Công Thương cho rằng vẫn còn nhiều dự án nữa thua lỗ, kém hiệu quả và “đắp chiếu”, ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP HCM) đề nghị sớm lập danh mục những dự án này.
Đề nghị khai tử một số thủy điện ở Tây Nguyên
Liên quan đến việc phát triển năng lượng cũng như đảm bảo môi trường của các nhà máy nhiệt điện, thủy điện, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho biết trong hiện tại và tương lai các nguồn năng lượng của nhiệt điện, trong đó có nhiệt điện than, thủy điện vẫn tiếp tục đóng vai trò quan trọng trong cơ cấu năng lượng để đảm bảo cân đối cung - cầu cho phát triển của đất nước cả về kinh tế, xã hội và tiêu dùng.
Theo ông Tuấn Anh, công nghệ của các nhà máy nhiệt điện và thủy điện không có vấn đề gì vì phần lớn các dự án điện đều theo công nghệ tiên tiến của các nước G7. Thêm nữa, Nhà nước cũng đang rất quan tâm, tạo điều kiện thực hiện các chính sách pháp luật của Nhà nước đảm bảo lợi ích của nhân dân cũng như sự phát triển hài hòa của xã hội, nhất là trong các vùng bị tác động của các nhà máy điện.
Không đồng tình với giải trình trên, ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng, thực tế thời gian qua các công trình thủy điện tích nước và xả lũ, nhiều địa phương có ý kiến chưa theo đúng quy định.“Tôi nghĩ Bộ trưởng nói trong thời gian qua việc vận hành các nhà máy thủy điện là đúng quy trình, đúng pháp luật là chưa thỏa đáng”, ĐB Học nêu quan điểm.
Theo ĐB Học, Bộ trưởng Bộ Công Thương khẳng định đời sống của người dân vùng triển khai thực hiện các dự án thủy điện được đảm bảo. Tuy nhiên, trong suốt gần một nhiệm kỳ Quốc hội khóa XIII, nhiều ĐBQH nêu vấn đề hiện nay đời sống người dân ở vùng tái định cư các dự án thủy điện còn rất khó khăn. QH đã có nghị quyết giao cho Bộ Công Thương phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khảo sát lại để có việc tái đầu tư, giúp đời sống của người dân ở vùng thủy điện tốt lên. Vì hiện nay nhiều bà con vùng thủy điện hộ nghèo chiếm 50%, 60%, có nơi 80%. Do đó, ĐB Học đề nghị Bộ trưởng Bộ Công Thương quan tâm để chủ trương, điều hành của Bộ đáp ứng được đời sống của người dân ở vùng thủy điện.
Cũng phản ánh về tình hình thủy điện, ĐB Ngô Trung Thành (Đắk Lắk) kiến nghị về lâu dài, phải xem xét, đánh giá kỹ lại hiệu quả kinh tế của một số thủy điện. Một số hồ thủy điện có thể chuyển hẳn sang hồ thủy lợi. Một số thủy điện có thể xem xét, khai tử để trả lại nguồn nước, sự sống cho các dòng sông.