Để Nghị quyết 35 đi vào cuộc sống: Cần phải có vai trò 'bà mối' của Chính phủ

(PLO) -Ngày 16/5/2016, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp (DN) đến năm 2020. Có thể nói đây là một cam kết mạnh mẽ của Chính phủ đối với cộng đồng DN trong giai đoạn khó khăn hiện nay. Để hiểu thấu tâm tư và mong muốn thật sự của DN đối với chủ trương mang tính “đột phá” này, DN & PL đã có cuộc trao đổi với ông Mạc Quốc Anh - Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội.
Ông Mạc Quốc Anh
Ông Mạc Quốc Anh

Nghị quyết 35: Động lực " vượt khó" của doanh nghiệp!

- Như ông đã biết, Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 35 về hỗ trợ và phát triển DN giai đoạn 2016 - 2020. Đại diện cho tiếng nói của DN Thủ đô, xin ông cho biết quan điểm của Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP. Hà Nội về chủ trương này?

Với quyết tâm của Chính phủ, thể hiện qua Nghị quyết 35/NQ-CP, quan điểm của Hiệp hội DN nhỏ và vừa Hà Nội, cũng như các DN kỳ vọng sẽ có được môi trường kinh doanh thuận lợi, vị thế DN được nâng cao, trở thành đối tượng để Nhà nước phục vụ.

Và hơn hết, phần lớn các DN đều mong muốn Chính phủ và các cơ quan hữu quan sớm đưa chủ trương này vào cuộc sống, với những giải pháp tích cực, hiệu quả.

Theo đánh giá của Hiệp hội, Nghị quyết đã bao quát được toàn bộ vấn đề của DN nhưng cũng rất cụ thể, có thời hạn rõ ràng cho các công việc cần làm và phân công xuống từng cơ quan, đơn vị.

Cam kết mạnh mẽ này của Chính phủ là động lực vững chắc, tạo niềm tin cho DN hoạt động và phát triển trong giai đoạn khó khăn, khi tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong thời gian tới đang có nhiều dự báo chậm lại và đã có dấu hiệu chậm lại trong quý I vừa qua và quý II kết thúc.

-Theo nhận định của một số nhà quản lý, cũng như đại diện DN, Nghị quyết 35 được ví như “luồng gió mới” thúc đẩy hoạt động kinh doanh, giúp các DN “vượt khó đi lên”. Theo ông, chủ trương trên liệu có đáp ứng được các nhu cầu của DN?

Về vấn đề này, Nghị quyết 35/NQ-CP ra đời trong thời điểm các DN gặp nhiều khó khăn nên sẽ thôi thúc không những cho DN phát triển, nhiều DN quay trở lại thị trường mà còn thúc đẩy đầu tư trong nước cũng như quốc tế.

Đặc biệt, Nghị quyết có nhiều hỗ trợ liên quan đến từng lĩnh vực cấp thiết của DN như đổi mới khoa học công nghệ, đào tạo, tài chính, thủ tục đất đai, môi trường… và được phân công đầy đủ đến từng Bộ, ngành, giúp DN biết được Bộ, ngành nào phụ trách, sẽ phải làm việc với cơ quan nào.

Đây cũng là công cụ để Thủ tướng Chính phủ soi chiếu đến từng Bộ, ngành, cơ quan chức năng, cả Chính phủ và DN sẽ cùng giám sát hiệu quả việc thực thi của cơ quan Nhà nước.

Tóm lại, Nghị quyết 35 đã thể hiện đầy đủ nguyện vọng của DN, tập hợp lại những chính sách hỗ trợ DN trong suốt thời gian qua thành một hệ thống xuyên suốt, nhất quán hơn. Trước đây, nhiều Nghị quyết, chỉ đạo về hỗ trợ DN cũng đã được ban hành, nhưng hiệu quả hành động vẫn chưa cao. Với sự quyết liệt của Chính phủ thời gian qua, DN hy vọng đây sẽ không phải là “bình mới, rượu cũ”…

“Lời nói phải đi đôi với hành động..."!

-Xét trên một bình diện chung thì đây là Nghị quyết mang tầm chiến lược, trong đó đặt ra rất nhiều mục tiêu có tính tham vọng, theo hướng có lợi cho DN. Ông đánh giá thế nào về tính khả thi của những mục tiêu này? 

Theo tôi, chúng ta phải chờ hành động từ phía Chính phủ và các ngành, các cấp. Thực tế, tuy kết quả thực hiện bước đầu đã có nhưng các DN vẫn hy vọng nhiều hơn vào việc “lời nói đi đôi với hành động”, bởi phần lớn DN đều cho rằng, chính sách cho DN đã đầy đủ nhưng thực thi như thế nào mới là điều đáng quan tâm.

Tôi cho rằng, sự thay đổi quan trọng nhất vẫn là ở con người, Nghị quyết đặt ra và thực hiện đều được nằm ở nhân tố này. Lãnh đạo đặt ra quyết tâm nhưng cấp dưới gây nhũng nhiễu thì vẫn làm khó DN mà thôi.

Hơn nữa, một điều đáng buồn là cho đến thời điểm này nhiều DN vẫn chưa biết đến Nghị quyết 35/NQ-CP, nghĩa là chưa biết cách tận dụng quyền lợi chính đáng của mình. Nhiều DN lý giải, mục tiêu và chính sách đặt ra nhiều nhưng suốt thời gian qua, DN không thấy hỗ trợ gì, vẫn phải “tự bơi” trong môi trường kinh doanh còn nhiều khó khăn, thủ tục hành chính vẫn gây phiền hà, sách nhiễu.

Thậm chí, có ý kiến cho rằng, Nghị quyết đưa ra thì hay nhưng vì tình trạng “trên bảo dưới không nghe” nên khó vẫn hoàn khó. Mặt khác, các DN mong muốn việc thực thi không nên quá dàn trải mà cần tập trung vào những thiếu sót, vấn đề bức thiết nhất của DN.

Theo tôi được biết, Trung tâm nghiên cứu Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã đề xuất Chính phủ tập trung vào việc cải cách thủ tục hành chính tạo thuận lợi cho DN; Tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp, đặc biệt là DN đổi mới sáng tạo; Bảo đảm quyền kinh doanh, quyền bình đẳng tiếp cận nguồn lực và cơ hội kinh doanh của DN.

-Để văn bản quy phạm pháp luật này đi vào cuộc sống, chúng ta phải làm gì, thưa ông?

Để phát huy hiệu quả của chủ trương này, tôi cho rằng Nghị quyết cần chú trọng hơn đến các vấn đề liên quan đến nguồn hỗ trợ như: Lãi suất, nguồn vốn tín dụng… đặc biệt là tập trung vào qũy đầu tư cho khởi nghiệp.

Hơn nữa, các DN cũng mong muốn sự chung tay của Chính phủ vào việc hợp tác, liên kết giữa các DN nhỏ và vừa, và giữa những DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, DN rất cần Chính phủ đứng ra làm “bà mối” để sự quản lý của các Bộ, ngành được thống nhất, tránh sự chồng chéo.

Nhìn chung, với một Nghị quyết bao hàm các vấn đề rất rộng của DN thì việc xử lý, giải quyết những tồn tại còn phát sinh cần sự quyết liệt và chung tay của bộ máy lãnh đạo và DN. Nhưng trên hết, điều quan trọng nhất vẫn là ý thức, nhận thức của từng cá nhân, đơn vị có liên quan đến việc hỗ trợ DN, để thực sự coi DN là đối tượng cần phục vụ, là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội.

Những đổi mới này sẽ khó có thể được thực hiện ngay và luôn, mà cần một quá trình lâu dài nhưng bền vững. Ngoài việc các DN chờ hành động sau Nghị quyết, bản thân các DN phải tự cứu lấy mình, phải liên kết hợp tác với các DN khác tạo thành các chuỗi giá trị cung ứng để có thể cạnh tranh, từ đối thủ thành đối tác bền vững của nhau.

 “Các DN mong muốn sự chung tay của Chính phủ vào việc hợp tác, liên kết giữa các DN nhỏ và vừa, và giữa những DN ngành công nghiệp hỗ trợ. Đặc biệt, DN rất cần Chính phủ đứng ra làm “bà mối” để sự quản lý của các Bộ, ngành được thống nhất, tránh sự chồng chéo”.

Đọc thêm