Đề nghị xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh

(PLVN) - Bộ Quốc phòng đang đề nghị xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Người dân xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 2/9/2023. Ảnh: Mỵ Châu - Minh Trang
Người dân xếp hàng vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng 2/9/2023. Ảnh: Mỵ Châu - Minh Trang

Theo Bộ Quốc phòng, công tác giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng là một nhiệm vụ chính trị đặc biệt, quá trình thực hiện sẽ tác động ảnh hưởng đến quyền, nghĩa vụ của các tổ chức, cá nhân, mà theo quy định của pháp luật phải do Quốc hội quy định hoặc giao cơ quan có thẩm quyền quy định, như việc hạn chế trong xây dựng công trình, việc quay phim, chụp ảnh, đi lại, mang mặc... trong khu vực, phạm vi quản lý của công trình Lăng hoặc khi tham gia các hoạt động thăm viếng Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Bảo quản, giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình khoa học đặc biệt; Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh là công trình đặc biệt, yêu cầu kĩ thuật đặc thù, nhiều thiết bị đơn chiếc, sản xuất theo đặt hàng, không có thiết bị, tài sản tương tự để đối chiếu, so sánh về định mức kinh tế-kỹ thuật.

Vì vậy, Bộ Quốc phòng cho rằng, cần có cơ chế đặc thù trong đầu tư nghiên cứu khoa học công nghệ bảo quản thi hài và mua sắm, duy tu, bảo dưỡng trang thiết bị công trình Lăng.

Ngoài ra, công tác chăm sóc, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng phải đồng thời đáp ứng yêu cầu hai nhiệm vụ đặc biệt quan trọng là vừa đảm bảo giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và an ninh, an toàn tuyệt đối công trình Lăng; vừa phải đảm bảo phục vụ chu đáo nhân dân, khách quốc tế đến viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh và thăm quan công trình Lăng.

"Tuy nhiên, các văn bản pháp luật hiện hành chưa có quy định về việc ban hành các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình chăm sóc, bảo quản thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, cũng như quy định đặc thù, riêng biệt để đảm bảo cân bằng, hài hòa giữa nhiệm vụ bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn, cũng như nhiệm vụ phát huy ý nghĩa chính trị, lịch sử, văn hóa của công trình Lăng", Bộ Quốc phòng nhấn mạnh.

Thêm vào đó, chế độ, chính sách đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại Ban Quản lý Lăng chưa đảm bảo công bằng giữa các lực lượng vũ trang và lực lượng công chức, viên chức, mặc dù có cùng tính chất nhiệm vụ (hiện nay Nhà nước đã quy định người làm công tác cơ yếu không phải là quân nhân cũng được hưởng chế độ như đối với quân nhân). Mặt khác, nhiều cán bộ, nhân viên Ban Quản lý Lăng được đào tạo chuyên sâu theo chuyên ngành hẹp, đặc thù chỉ có thể được áp dụng trong công tác giữ gìn lâu dài thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh, đòi hỏi phải có chế độ ưu đãi để giữ gìn, thu hút nguồn nhân lực có chuyên môn sâu.

Theo Bộ Quốc phòng, từ những lý do trên cho thấy, cần thiết xây dựng Pháp lệnh Giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và quản lý, bảo vệ công trình Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh để phù hợp với yêu cầu của Hiến pháp năm 2013, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ trong hệ thống pháp luật, đáp ứng yêu cầu thực hiện hiệu quả nhiệm vụ giữ gìn lâu dài, bảo vệ tuyệt đối an toàn thi hài Chủ tịch Hồ Chí Minh và phát huy ý nghĩa chính trị, văn hóa của công trình Lăng trong giai đoạn mới.

Hiện Bộ Quốc phòng đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi của các tổ chức và cá nhân, tiếp tục chỉnh lý, hoàn thiện, Thời gian lấy ý kiến đóng góp là 30 ngày, từ ngày 28/9/2023 đến hết ngày 27/10/2023.

Đọc thêm