Đệ nhất danh ca Thái Thanh: Giọng ca trác tuyệt còn mãi

(PLVN) - Có thể coi giọng ca Thái Thanh là một huyền thoại. Vẫn biết sinh tử là chuyện thường hằng, nhưng sự ra đi của bà ngày 17/3 vừa qua, vẫn mang đến sự nuối tiếc cho hàng triệu trái tim yêu nhạc. 
Danh ca Thái Thanh và con gái Ý Lan.
Danh ca Thái Thanh và con gái Ý Lan.

Những ai yêu mến sẽ không thể quên giọng ca Thái Thanh với: Nghìn trùng xa cách, Trả lại em yêu, Đường chiều lá rụng… Những ai yêu hùng ca sử Việt, quê hương sẽ đắm chìm trong Tình ca, Kỷ niệm, trường ca Con đường cái quan, trường ca Mẹ Việt Nam…

“Yêu tiếng dân tộc mình hơn, yêu thương nhau hơn”

Khá nhiều người trẻ sau này biết đến Thái Thanh qua ca từ của nhạc sỹ Anh Bằng trong tác phẩm Giọt buồn không tên: “Phòng trà nghỉ chân nghe Thái Thanh ca Biệt ly”. Tuy nhiên, nhắc đến Thái Thanh không thể tách rời dòng nhạc Phạm Duy.

Dẫu bà đã ca thành công hầu hết các thể loại từ dân ca, nhạc kháng chiến miền Bắc trước năm 1954 (tiêu biểu Quê em miền trung du trở thành hiện tượng trên đài phát thanh Pháp Á), nhạc tiền chiến, nhạc tình, nhạc đạo… Và chắc chắn không ai cần phân định xem giọng Thái Thanh là sang hay sến, bởi một ca khúc tưởng bình dân đại chúng nhất qua tiếng hát của bà cũng trở nên đẹp và lộng lẫy khó tin. 

Năm 1949, gia đình ông bà Phạm Đình Phụng tản cư về khu chợ Neo (Thanh Hóa). Tại đây, gia đình ông đã mở tiệm phở Thăng Long và nhanh chóng trở thành chỗ tụ họp đông đảo của các văn nghệ sĩ đi theo kháng chiến thời đó, nhất là khi tiệm phở lại có bóng dáng hai chị em “nàng Kiều” mà sau này nổi tiếng dưới hai tên hiệu Thái Hằng và Thái Thanh.

Tại đây, nhạc sĩ Canh Thân làm những bài như Cô hàng cà phê và nhạc sĩ Phạm Duy, lúc bấy giờ đang còn là một ca sĩ nổi tiếng, thường qua lại “lấy lòng” cô chủ tiệm Thái Hằng, người có đôi mắt buồn muôn thuở.

Cũng từ đây ban Hợp ca Thăng Long ra đời với thành phần phần ban đầu gồm: Thái Hằng, Thái Thanh, Hoài Trung (tức Phạm Đình Viêm), Hoài Bắc (Phạm Đình Chương), sau đó có thêm Phạm Duy và Khánh Ngọc. Sau này, khi vào miền Nam, đây là ban hợp ca được xem là nổi tiếng nhất với trụ cột là tiếng hát Thái Hằng - Thái Thanh.

Nhiều người đánh giá tiếng hát của hai chị em nhà họ Phạm là song phẩm. Thái Hằng kiều diễm, đoan trang, còn Thái Thanh sắc sảo, duyên dáng, chưa kể kỹ thuật thanh nhạc gần như là vô song và diễn ý tình bản nhạc trên sân khấu lại vô cùng quyến rũ.

Hầu hết các tác phẩm qua giọng ca Thái Thanh đều thổn thức, nồng nàn hơn nguyên bản bởi sự cường điệu hóa trong cách biểu hiện tác phẩm. Và cách nhả chữ trau chuốt của bà, theo nhiều người nhận xét, khiến tiếng Việt trở nên lộng lẫy. Theo nhà văn Nguyễn Đình Toàn: “Qua tiếng hát Thái Thanh, người ta cảm thấy yêu tiếng nói dân tộc hơn, thương yêu nhau hơn”. 

Nhà văn Thụy Khuê viết rằng: “Thái Thanh là một danh hiệu, nhưng như có ý nghĩa tiền định: bầu-trời-xanh-tiếng-hát. Hay tiếng hát xanh thắm màu trời. Tiếng hát long lanh đáy nước trong thơ Nguyễn Du, lơ lửng trời xanh ngắt trong vòm thu Yên Ðổ, tiếng hát sâu chót vót dưới đáy Tràng Giang Huy Cận, hay đẫm sương trăng, ngừng lưng trời trong không gian Xuân Diệu, tiếng hát cao như thông vút, buồn như liễu đến từ cõi thiên thai nào đó trong mộng tưởng Thế Lữ”…

Bản hợp ca Thăng Long tại Sài Gòn thập niên 1960
Bản hợp ca Thăng Long tại Sài Gòn thập niên 1960

Không ai hát nhạc Phạm Duy hay hơn Thái Thanh

Suốt cuộc đời cầm ca, bà không còn nhớ rõ bài hát đầu tiên mà mình trình diễn là bài nào nhưng chắc chắn là một bài hát của Phạm Duy. Lúc đó, nhạc sĩ Phạm Duy đang theo đuổi Thái Hằng nên thường dùng Thái Thanh làm cái cớ lấy điểm với chị Thái Hằng.

Mà Phạm Duy nổi tiếng với tài sáng tác, nên chỉ nghĩ ra cách lấy điểm nhanh nhất và hiệu quả nhất là qua con đường âm nhạc. Phạm Duy hơn Thái Thanh chục tuổi, còn Thái Hằng hơn Thái Thanh 7 tuổi. Khi anh rể tương lai chinh phục chị gái, Thái Thanh trở thành cầu nối cho Phạm Duy.

Hồi đó, ca khúc Dòng sông Xanh nhạc ngoại quốc rất nổi tiếng. Phạm Duy đã đặt lời Việt bài này cho cô em gái Thái Thanh bé xíu hát. Năm 1948, Thái Hằng kết hôn với Phạm Duy. Nhạc sĩ Phạm Duy chính thức trở thành người một nhà với Thái Thanh. 

Từ sau khi hát bài Dòng sông Xanh, Thái Thanh đã cùng chị Thái Hằng và anh trai Phạm Đình Chương đi biểu diễn ở Quân khu 4. Lần đầu tiên Thái Thanh hát cho công chúng nghe là ở một vùng quê những ngày tản cư kháng chiến. 

Bởi song thân của cô đều là nghệ sĩ, yêu âm nhạc nên không ngăn cấm con cái theo nghiệp “xướng ca vô loài”. Các cụ chỉ dặn con nhất định phải học hành trước đã, đàn hát là chuyện phụ thôi, nhưng kể từ năm 1950, Thái Thanh đã lựa chọn đi theo con đường ca hát. Tên tuổi của Thái Thanh gắn liền với những bản nhạc của Phạm Duy. 

Trải qua 60 năm, Phạm Duy vẫn khẳng định: Trong những người hát nhạc Phạm Duy, ông ưng nhất là Thái Thanh. Ông nhận xét: “Thái Thanh là giọng ca duy nhất hát nổi hai cao độ chạy dài tới 2 bát âm trong nhạc của tôi. Không những thế, cô có giọng hát rất truyền cảm”. Cũng như Khánh Ly làm nổi bật tên tuổi Trịnh Công Sơn, Thái Thanh đã đóng góp rất nhiều trong việc đưa nhạc Phạm Duy lên ngôi vị cao nhất tại Sài Gòn trước đây.

Hai nàng kiều Thái Hằng - Thái Thanh
Hai nàng kiều Thái Hằng - Thái Thanh 

Và phía sau một đệ nhất danh ca

Thái Thanh lập gia đình với tài tử điện ảnh Lê Quỳnh năm 1956 và cuộc hôn nhân này tồn tại trong 9 năm. Trong khoảng thời gian ấy, bà sinh được 5 người con. Sau khi sinh con, Thái Thanh vẫn tiếp tục ca hát và ngày càng trở thành một đệ nhất danh ca của nền tân nhạc Việt Nam.

Bà giữ cho mình một nhịp độ hoạt động rất quy tắc, như một vận động viên điền kinh, bền bỉ và dai sức. Chính vì lẽ đó bà không cho phép con mình đến với nghiệp hát vì bà sợ các con không thể vượt qua những nghiệt ngã của nghề. Phải đến khi qua Mỹ, bà mới cho phép ái nữ Ý Lan, khi đã gần 30 tuổi, được đi trên con đường âm nhạc giống mình.

Thái Thanh sang Mỹ năm 1985 và năm 1995 bà đi hát lại, ở tuổi 61. Tuy vậy, đến năm 2002 thì bà quyết định kết thúc sự nghiệp. Trong suốt sự nghiệp của mình, Thái Thanh gần như là ca sĩ có số lượng đĩa hát đồ sộ (với rất nhiều hãng đĩa lớn nhỏ) và số ca khúc mà bà thể hiện cũng đã hơn 500 bài, trong đó rất nhiều bài vẫn còn được yêu mến.

Những cuốn băng cối Thái Thanh luôn là gạch đầu dòng đầu tiên của những người mê sưu tầm đồ cổ. Chính bởi dòng nhạc Phạm Duy mà Thái Thanh được báo chí, giới chuyên môn thời bấy giờ mệnh danh là “Đệ nhất danh ca”. 

Ngoài ra, bà cũng ca rất thành công tác phẩm của nhiều nhạc sỹ vang danh thời bấy giờ như Văn Cao, Cung Tiến, Phạm Đình Chương, Phạm Trọng Cầu. Nhớ lần ca sĩ Ý Lan trở lại hát tại Hà Nội trong một đêm nhạc tại Nhà hát Lớn, ca sĩ Ý Lan đã tâm sự, đây là nơi Ý Lan nhất định phải tìm về, vì đó là khung trời kỷ niệm của danh ca Thái Thanh - mẹ cô và tài tử Lê Quỳnh - cha cô.

Dù sau này, Thái Thanh và Lê Quỳnh không còn bên nhau, nhưng mong ước được một lần quay lại khung trời kỷ niệm, nơi bắt đầu tình yêu của hai người mãi mãi là ước mơ của tài tử Lê Quỳnh. Chính tại Nhà hát Lớn, trong một buổi biểu diễn của Thái Thanh, tài tử Lê Quỳnh khi đó còn chưa nổi danh đã phải trốn vé để vào nghe giọng hát mà mình vốn hằng ái mộ, để rồi sau đó bắt đầu một mối duyên đẹp. Dù mối duyên đó không trọn vẹn đến cuối đường.

Sống xa Lê Quỳnh từ năm 1965, Thái Thanh một mình vừa là mẹ, vừa thay cha trong việc nuôi dạy 5 con. Thái Thanh luôn mong các con có được căn bản vững chắc về văn hóa và đạo đức. Dù các con của Thái Thanh đều có giọng ca thiên phú, nhất là Ý Lan và Quỳnh Hương, bà buộc con phải học hành như bao người khác.

Thái Thanh giữ địa vị của một đệ nhất danh ca trong nhiều năm, kể cả thời gian 5 con còn nhỏ. Chính tinh thần có trách nhiệm và luôn luôn coi trọng nghề nghiệp đã khiến Thái Thanh đảm đương hai vai trò rất nặng nề đó một cách hoàn hảo.

Khi 70 tuổi, Thái Thanh vẫn cần mẫn làm các món dưa chua, củ cải ngâm nước mắm, kho cá thu, làm thịt đông… Thái Thanh vẫn say sưa kể về cách làm các món ăn “Bắc kỳ chính cống”. Cũng như khi đứng trên sân khấu, Thái Thanh dồn hết mình cho âm nhạc thì khi nấu nướng, bà dồn toàn bộ con người bà, thân, trí và tâm. Thái Thanh chú tâm vào chuyện nấu nướng y như khi hát vậy.

Nghe tin bà mất ở tuổi 86, cộng đồng mạng bày tỏ sự tiếc nuối. MC Nguyễn Hữu Chiến Thắng chia sẻ: “Tôi nghe bà hát khá muộn. Ngoài 30, tôi mới đủ cảm nhận sự tinh tế và nhịp diễm tình trong tiếng hát của bà. Khởi đi từ những khúc dân ca Phạm Duy, rồi những bài tình ca nức nở, tiếng hát bà đã đi vào huyền thoại của âm nhạc lãng mạn Việt Nam.

Với cuộc đời thăng trầm “khóc cười theo vận nước nổi trôi”, từ Hà Nội, tới Sài Gòn rồi qua tới Mỹ, bà khiến nhạc Phạm Duy mang hồn Việt hơn bao giờ hết. Bà cũng hát những ca khúc của những nhạc sỹ khác và đưa những ca khúc ấy trở thành vàng son. Bài hát nào đã được vang lên qua tiếng hát Thái Thanh sẽ không còn được lặp lại bởi bất cứ một giọng hát nào khác.

Thanh tao đến mức trác tuyệt - đó là Thái Thanh. Tôi không nói lời từ biệt, bởi dẫu đêm qua trên xứ Mỹ, bà đã rời xa cuộc đời này, nhưng tiếng hát của bà vẫn là một gia tài mà những người yêu nhạc Việt ở bất cứ thế hệ nào đều trân quý…